Giới siêu giàu đổ tiền "truyền máu ma cà rồng" để... trường thọ!
Vài thập kỷ trở lại đây, đã có nhiều tin đồn về việc giới siêu giàu tìm mọi cách để duy trì sự sống hay hồi sinh bằng các phương pháp khoa học như: Hoán đổi thân xác, thay máu đông lạnh…
Giới siêu giàu đã luôn sẵn sàng chi những số tiền khổng lồ để có thể kéo dài tuổi thọ, thậm chí hồi sinh. Ảnh: Getty |
Thay máu
Trong năm qua, khoảng cách của giới siêu giàu và phần còn lại người dân trên thế giới tiếp tục được nới rộng hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Sự khác biệt giữa người bình thường và giới siêu giàu không chỉ ở tiền. Giờ đây, một số người có tài sản cực khủng đã tìm cách kéo dài sự sống của họ vượt xa tầm 70 đến 80 tuổi.
Peter Thiel - tỷ phú đồng sáng lập PayPal - đã đầu tư vào nhiều nghiên cứu để kéo dài tuổi thọ. Công ty có tên Ambrosia mà ông đầu tư chỉ là một trong số các phòng nghiên cứu đang thử nghiệm “truyền máu ma cà rồng”, tức là đưa máu của người trẻ vào cơ thể người già.
Thay máu được coi là một trong những giải pháp đang được giới nghệ sĩ, giới siêu giàu ưa chuộng vì tính “hợp lí” của nó. Ảnh: Getty |
Theo các chuyên gia tài chính của ABC Finance, chi phí cho các cuộc thử nghiệm truyền máu “ma cà rồng” dao động từ 6.000 bảng (gần 180 triệu đồng) đến 215.000 bảng (gần 6,5 tỷ đồng).
Kỹ thuật này có vẻ hoạt động tốt ở chuột, nhưng chưa chứng minh được tính hiệu quả ở người. Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ cảnh báo “kỹ thuật này chưa có lợi ích lâm sàng nào được chứng minh” và thậm chí “còn có thể gây hại”.
Đông lạnh
Đông lạnh cũng được coi là một giải pháp hữu hiệu. Ảnh: Daily Star |
Nếu việc thay máu vẫn chưa đủ để khiến các tỷ phú trở nên bất tử, thì họ lại quay sang giải pháp… đông lạnh. Ý tưởng của họ là làm đông lạnh cơ thể để trì hoãn cái chết, chờ đến khi xã hội tương lai có công nghệ chữa được bệnh của họ (nếu họ có bệnh) thì mới… rã đông để chữa và sống tiếp.
Một câu chuyện được truyền miệng từ người này qua người khác rằng Walt Disney – cha đẻ của hãng phim hoạt hình nổi tiếng Disney (Mỹ), được cho là đã được đóng băng ngay trước khi ông qua đời vì bệnh ung thư phổi vào tháng 12/1966.
Chưa có bằng chứng nào cho thấy câu chuyện này là thật nhưng nghiên cứu về kỹ thuật đông lạnh người (cryonic) đã được nghiên cứu từ đầu những năm 1960.
Đối tượng sống đầu tiên bị đóng băng vào năm 1967. Chưa có ai được hồi sinh sau khi bị đông lạnh nhưng việc một số người được đóng băng, hoặc phần đầu của họ được tách khỏi cơ thể và đóng băng là có thật.
Căn cứ trên số liệu từ Alcor Life Extension Foundation, một trong những nhà cung cấp thiết bị điện tử hàng đầu, người muốn đông lạnh và bảo quản toàn bộ thi thể sẽ phải trả 152.000 bảng (hơn 4,5 tỷ đồng) hoặc 61.000 bảng (hơn 1,8 tỷ đồng) để đông lạnh và bảo quản riêng phần đầu.
Ngoài ra, người muốn đông lạnh có thể đăng ký đông lạnh cho cả thú cưng. Một nhà cung cấp kỹ thuật đông lạnh đã đưa ra dịch vụ này với giá 4.000 bảng (gần 120 triệu đồng) cho 1 con chó/mèo và 760 bảng (22 triệu đồng) cho một con chim.
Hoán đổi thân xác
Nếu “truyền máu ma cà rồng” và “cấp đông toàn bộ” vẫn có hạn chế do cơ thể con người thì sao không loại bỏ luôn cả cơ thể?
Đó là ý tưởng rất giống trong phim: Đưa tính cách và tư duy của con người vào một máy tính, biến cỗ máy đó thành một thực thể sống có nhận thức, có cảm giác.
Tỷ phú Elon Musk đang đầu tư vào các thiết bị ghi lại toàn bộ "dữ liệu" trong não con người. Ảnh: Neuralink |
Thiết bị Neuralink của tỷ phú Elon Musk hứa hẹn sẽ theo dõi và ghi lại toàn bộ dữ liệu của não người. Hai công ty, Nectome và Terasem Movement Foundation, đang phối hợp để có thể biến những dữ liệu đó thành những thực thể y như người thật.
Các nghiên cứu về kỹ thuật này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Chúng ta còn một chặng đường rất dài để có thể hoán đổi thân xác từ con người sang máy tính hoặc robot.
Tất cả tiến bộ trong công nghệ sinh học và người máy sẽ còn đắt đỏ trong tương lai. Vì vậy, chỉ những người thuộc giới siêu giàu mới có khả năng chi trả.
Tất nhiên, việc này mới đang ở giai đoạn nghiên cứu ban đầu. Nhưng Sam Altman - tỷ phú cộng tác với Musk - được cho là một trong 25 người đã trả cho một công ty khoản đặt trước là 7.600 bảng (gần 230 triệu đồng) để tải toàn bộ tư duy của họ lên một máy tính trung ương có bộ nhớ khổng lồ.
Theo Dân trí