Thu hút dòng vốn FDI: Hai bên đều có lợi và lợi ích của chúng ta phải nhiều hơn
(PetroTimes) - Trải qua nhiều thập kỷ đón dòng vốn FDI, những mặt tích cực và hạn chế đã được chỉ rõ. Do vậy, trong bối cảnh mới, việc thu hút FDI cần phải gắn với mục tiêu của Việt Nam. Hai bên đều có lợi ích và lợi ích của ta phải nhiều hơn. Chúng ta phải có những mục tiêu, tiêu chí để đo lường việc đạt mục tiêu đó như thế nào.
Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem lại nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, một nghịch lý dễ thấy rõ là, phần lớn cơ hội đều được các FDI tận dụng triệt để như lao động giá rẻ, tài nguyên, ưu đãi thuế... Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam gần như không tận dụng được cơ hội này kể cả việc chuyển giao công nghệ hiện đại cũng rất khiêm tốn. Do vậy, vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện vẫn rất thấp.
Với thực tế trên, trong bối cảnh có nhiều cơ hội để thu hút dòng vốn FDI hơn trước, nhiều ý kiến cho rằng, thu hút FDI trong bối cảnh mới cần phải gắn với mục tiêu của Việt Nam. Hai bên đều có lợi ích và lợi ích của ta phải nhiều hơn. Chúng ta phải có những mục tiêu, tiêu chí để đo lường việc đạt mục tiêu đó như thế nào.
Việt Nam cần thu hút có chọn lọc dòng vốn FDI |
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng đưa ra ý kiến, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc khi doanh nghiệp FDI vào phải đàm phán với chúng ta, được chúng ta chọn lọc. Ai đạt được mục tiêu đó thì tiếp nhận, không đạt cương quyết không tiếp nhận. Thậm chí có thể cực đoan nói không với nhà đầu tư, chứ không tiếp nhận bằng mọi giá, “lót ổ, biệt đãi” vô điều kiện.
“Một trong những yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp FDI là phải gắn kết được với khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đưa doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vào trong mạng lưới sản xuất của họ. Bên cạnh đó, Việt Nam phải đặt hiệu quả của việc thu hút FDI lên hàng đầu, giá trị gia tăng tạo ra trên đất Việt Nam cao hơn, nguồn lực mình bỏ ra như đất đai, tài nguyên, hệ thống ưu đãi phải được trả lại lợi ích một cách tương xứng. Chúng ta hỗ trợ ưu đãi thuế, đổi lại họ phải đào tạo lao động cho Việt Nam, nâng cấp chuỗi giá trị - TS Nguyễn Đình Cung nêu rõ.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, để yêu cầu trên không phải là áp đặt, Việt Nam cần phải làm cho doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn mạnh. Doanh nghiệp tư nhân phát triển sẽ trở thành đối tác tin cậy hợp tác với doanh nghiệp FDI. Muốn vậy, Việt Nam cần phải tạo điều kiện môi trường kinh doanh tốt nhất cho khu vực tư nhân trong nước. Cần thẳng thắn nhìn nhận điểm nghẽn lớn nhất cản trở doanh nghiệp tư nhân chính là thiếu thể chế, quá rủi ro trong việc đầu tư.
“Phải có tư tưởng đổi mới về cải cách, tư duy không phải cải cách chỉ là để cải cách, cải cách phải là để phát triển, để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, chiến lược thu hút FDI cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Trung ương, từ đó tiếp nhận đầu tư có chọn lọc, mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào phát triển của đất nước Việt Nam” - ông Cung nhấn mạnh.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, công tác thu hút dòng vốn FDI là một trong năm mũi “giáp công” để phục hồi nền kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19.
Như vậy, một trong những giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch của Chính phủ là chú trọng đến việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài “FDI”. Đây được xem là một trong những giải pháp đúng đắn, phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi cơ hội đón dòng vốn dịch chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam được đánh giá là rất lớn.
TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận định, sự dịch chuyển của dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam ngày càng rõ nét. Chủ yếu do các nhà đầu tư muốn phân tán rủi ro bớt từ “giỏ” Trung Quốc, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã và đang tạo áp lực mạnh để chuyển dịch luồng đầu tư từ Trung Quốc, nhất là những nhà đầu tư còn chần chừ chuyển sang các nước cận kề, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội tương đối lớn với Việt Nam.
Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia hai hiệp định tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) với nhiều nước phát triển cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp FDI từ nhiều nước trên thế giới muốn có được lợi thế mới từ đầu tư ở Việt Nam.
Để thu hút dòng vốn FDI, nhiều nước được đánh giá có chung cơ hội như Việt Nam cũng đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi, như Ấn Độ trong tháng 4/2020, Chính phủ nước này đã tiếp cận hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ và đưa ra các ưu đãi với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc.
Hay Thái Lan mới đây đã tung ra gói kích thích rất lớn để lôi kéo doanh nghiệp. Trung Quốc, để tăng sức hấp dẫn chính sách nhằm giữ chân dòng vốn, cũng đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới. Ngay cả Campuchia cũng nhận thức rõ được điều này và cũng đã có Luật Đầu tư nước ngoài mới.
Để cạnh tranh với các nước, không có cách nào khác trong việc đón cơ hội các dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.
Đặc biệt, Việt Nam phải có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia. Đây cũng chính là yếu tố quyết định thành bại của nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất, nên lập một tổ công tác đặc biệt, lấy thẩm quyền của Thủ tướng đi đàm phán với các tập đoàn, doanh nghiệp có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất. Việc này sẽ giúp Việt Nam biết được các tập đoàn đa quốc gia đang như thế nào, họ cần gì. Lúc đó, Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu riêng thu hút vốn như thế nào, cần gì từ các nhà đầu tư.
Trong hơn 30 năm qua, vốn FDI đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Đó là những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng chưa chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn này cũng gây ra không ít tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội và môi trường. Đã đến lúc chúng ta cần có những đánh giá cụ thể, chính xác hơn những mặt hạn chế để dòng vốn này thực sự phát huy được những tác dụng thiết thực đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sau những trì trệ do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đức Minh