Mỹ khắc chế “át chủ bài” tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông
Các cuộc tập trận gần đây của Mỹ đã cho thấy chiến lược đối phó với sức mạnh tàu ngầm được xem là “át chủ bài” của Trung Quốc ở Biển Đông
Tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu chiến của Mỹ tập trận cùng các tàu của hải quân Australia và Nhật Bản hôm 21/7. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
Từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông. Trong khi thế giới vẫn đang theo dõi tình hình căng thẳng ngày càng tăng, các chuyên gia quân sự cũng vào cuộc phân tích bản chất của các cuộc tập trận này.
Việc quan sát các cuộc tập trận của Mỹ và Trung Quốc có thể giúp đưa ra nhận định về cách thức hoạt động của quân đội hai nước trong trường hợp xảy ra xung đột thực sự.
Theo Nikkei, về phía Trung Quốc, nước này có thể đang sử dụng chiến thuật “đánh lạc hướng”.
Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã huy động lực lượng tập trận đồng thời ở cả 4 mặt trận trong những tháng qua, gồm Biển Đông, Hoa Đông, Hoàng Hải và biên giới Trung - Ấn.
Tại khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Trung Quốc, đơn vị giám sát các lực lượng lục quân, không quân và hải quân tại khu vực phía nam Trung Quốc và Biển Đông, đã tiến hành cuộc tập trận từ ngày 1-5/7.
Cùng thời điểm đó, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Bắc, đơn vị giám sát các lực lượng tại phía bắc Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên, tập trận ở Hoàng Hải. Còn tại biển Hoa Đông đã diễn ra cuộc tập trận của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông - đơn vị giám sát khu vực Nhật Bản và Đài Loan.
Các cuộc tập trận trên biển diễn ra trong bối cảnh binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ xung đột căng thẳng tại khu vực biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya.
Giới chức an ninh Nhật Bản lo ngại khả năng Trung Quốc đang cố gắng thu hút sự chú ý của thế giới vào một khu vực, nhưng thực tế lại đang âm thầm hành động để đạt được mục tiêu chiến lược ở một khu vực khác.
Chiến thuật này từng được Trung Quốc sử dụng trong lịch sử. Vào đầu thập niên 1950, khi Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng, nước này đã đưa quân can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên. Đây được gọi là chiến thuật đánh lạc hướng.
Tuy nhiên, Mỹ dường như đã nhìn ra chiến thuật của Trung Quốc. Washington đã đưa các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tới Biển Đông để tiến hành cuộc tập trận lớn đầu tiên của quân đội Mỹ tại khu vực này trong 8 năm.
"Việc triển khai hai tàu sân bay có ý nghĩa khác biệt so với việc chỉ triển khai một tàu", một cựu quan chức tình báo cấp cao tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định.
Nếu chỉ điều một tàu sân bay, một cuộc tấn công của đối phương có thể làm tê liệt con tàu và các máy bay chiến đấu không còn nơi để hạ cánh. Do vậy, việc Mỹ điều thêm tàu sân bay thứ hai cho thấy Washington đã tính đến các điều kiện khó khăn hơn, tương tự một trận chiến thực sự.
Mỹ "đọc vị" chiến thuật của Trung Quốc?
Tàu ngầm Type-92 của hải quân Trung Quốc. (Ảnh: USNI) |
Việc Mỹ chọn Biển Đông làm địa điểm tập trận được cho là nhắm mục tiêu tới nơi Trung Quốc có thể triển khai phương án tác chiến cuối cùng: các tàu ngầm hạt nhân chiến lược được trang bị tên lửa đạn đạo.
Trong trường hợp xung đột hạt nhân xảy ra, Mỹ sẽ không sẵn sàng tấn công vào mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc, nếu Bắc Kinh duy trì khả năng tấn công bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Để bảo vệ “con át chủ bài” này, Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và củng cố năng lực phòng thủ bằng các tên lửa và máy bay chiến đấu.
Nếu Mỹ có thể vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc, Washington có thể làm suy yếu đáng kể khả năng tác chiến của Bắc Kinh, dù trong thời chiến hay thời bình.
Phân tích từ các cuộc tập trận hồi tháng 7 cho thấy, phương án của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc sẽ là sử dụng máy bay phóng từ tàu sân bay, phối hợp cùng các lực lượng khác để phá hủy các đảo nhân tạo của Trung Quốc, khiến các tàu ngầm Trung Quốc không còn nơi trú ẩn. Khi đó các tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ, thường được triển khai cùng các tàu sân bay, sẽ vào cuộc và giáng đòn chí mạng vào lực lượng của Trung Quốc.
Một động thái của Mỹ hồi giữa tháng 8 đã củng cố thêm kịch bản trên. Vào thời điểm đó, hãng tin do chính phủ Mỹ tài trợ đã công bố trên mạng xã hội một bức ảnh chụp từ vệ tinh của một công ty Mỹ. Bức ảnh dường như cho thấy lối vào của một căn cứ tàu ngầm Trung Quốc tại đảo Hải Nam - cảng đặt căn cứ của lực lượng tàu ngầm hải quân Trung Quốc.
Thông tin trên đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: Nếu xung đột xảy ra, các lực lượng Mỹ có thể khiến tàu ngầm Trung Quốc không còn đường lùi.
Tàu ngầm tấn công nhanh USS Missouri của Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
Giận dữ trước động thái của Mỹ, Trung Quốc tiếp tục tiến hành một cuộc tập trận tại Biển Đông vào cuối tháng 8.
Theo SCMP, quân đội Trung Quốc đã phóng một số tên lửa vào ngày 26/8, trong đó có ít nhất một tên lửa DF-26 - tên lửa tầm trung được mệnh danh là “Sát thủ đảo Guam” với khả năng tấn công chính xác, và một tên lửa DF-21D - tên lửa tầm trung được gọi là “Sát thủ tàu sân bay”. Đảo Guam ở Thái Bình Dương là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự quan trọng.
Trong trường hợp Mỹ xóa sổ các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng một cuộc tấn công vào đảo Guam, các tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo của Mỹ vẫn an toàn tại vùng biển mà lực lượng Trung Quốc không có khả năng vươn tới.
Các cuộc tập trận vừa qua cho thấy xét về mặt chiến lược, Mỹ vẫn có ưu thế vượt trội hơn Trung Quốc, ít nhất ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên về lâu dài, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục từ chối tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí với Nga và Mỹ, trong khi vẫn tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tàu hải quân.
Mỹ nhiều lần ngỏ ý mời Trung Quốc tham gia đàm phán 3 bên về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START), nhưng Bắc Kinh từ chối.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1/9 cho biết trong một thập niên tới, Trung Quốc muốn tăng gấp đôi số lượng hơn 200 đầu đạn hạt nhân mà Bắc Kinh hiện có. Các đầu đạn này sẽ được Trung Quốc gắn lên các tên lửa đạn đạo, phóng cả trên bộ, trên không và trên biển.
Trung Quốc từng khẳng định số vũ khí hạt nhân mà nước này sở hữu chỉ bằng một phần nhỏ so với Nga và Mỹ. Bắc Kinh cũng xác nhận lực lượng hạt nhân của nước này chỉ mang ý nghĩa phòng vệ, không đe dọa bất cứ bên nào.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ coi kho vũ khí hạt nhân tuy nhỏ (chỉ bằng 1/5 kho vũ khí của Mỹ hoặc Nga) nhưng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc là mối đe dọa mà cả Moscow và Washington nên hợp tác cùng nhau để đối phó. Mỹ lo ngại năng lực tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc đang ngày càng được mở rộng, cải tiến và trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với Mỹ và đồng minh.
Theo Dân trí