Dù được lùi hạn ngạch thuế quan nhưng ngành mía vẫn khó thích ứng được với hội nhập
(PetroTimes) - Trước khi hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường phía Bắc; có khoảng 300.000 ha mía đường, 300.000 nông dân. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy đóng cửa.
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, Việt Nam chính thức xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường từ ASEAN. Theo cam kết tại điều 20 của Hiệp định ATIGA được ký kết năm 2009, Việt Nam đã đưa ra cam kết không áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng đường từ ngày 1/1/2018.
Tuy nhiên, do mặt hàng đường là ngành sản xuất quan trọng của nước ta, có ảnh hưởng đáng kể đối với khoảng 1,5 triệu người nông dân và lao động trong ngành mía đường ở nhiều địa phương, các nước ASEAN đã thể hiện linh hoạt và đồng ý để Việt Nam hoãn thực thi cam kết ATIGA thêm 2 năm để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng với hội nhập ASEAN.
Nhiều nông dân trồng mía bỏ ruộng |
Tuy nhiên, đến nay, ngành mía đường vẫn đứng trước vô vàn khó khăn do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có liên quan đến việc mở cửa hạn ngạch thuế quan.
Giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu. Thu nhập của người trồng mía tụt giảm, diện tích mía bị thu hẹp (chỉ còn lại 30% so với 5 năm trước đây); năng suất, chất lượng mía chưa được cải thiện, nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất.
Trước khi hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường phía Bắc; có khoảng 300.000 ha mía đường, 300.000 nông dân. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy đóng cửa. Trong 30 nhà máy đó, chỉ có 13 nhà máy còn hoạt động xoay vòng vốn, 17 nhà máy đang thua lỗ. Về nông dân, hiện nay chỉ còn dưới 170.000 người.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó khăn nêu trên, mấu chốt là bởi đất trồng mía vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, trong khi đó diện tích trồng mía chủ yếu là đất đồi; lao động tại nông thôn đang thiếu hụt trầm trọng. Ngoài ra, nạn nhập lậu vẫn hoành hành, dù Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt.
Tại tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới”, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá, Việt Nam thực hiện ATIGA chưa được 1 năm nhưng nhập khẩu chính ngạch tăng lên rất nhiều.
Về số liệu cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu rõ, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan trong ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 820.000 tấn, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm gần 92% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam.
Trước tình hình khó khăn của ngành mía đường, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới cần rà soát lại các diện tích sản xuất mía đường và chỉ giữ lại các vùng trồng chiến lược và có hiệu quả; cần xác định diện tích kém hiệu quả có thể chuyển đổi thì có chính sách khuyến khích và cho phép chuyển đổi.
Với những diện tích có lợi thế và phù hợp thì tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất, khuyến khích áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vùng nguyên liệu để giảm công lao động và tăng tỷ lệ thu hoạch, giảm tổn thất từ đó giảm chi phí trồng mía; xây dựng thành vùng sản xuất mía đường tập trung, thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa.
Và quan trọng nhất là cần có thêm chính sách chống hàng nhập lậu và gian lận thương mại để hàng hóa nội địa có cơ hội “sống” trên sân nhà.
M.L
Triển khai giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới |
Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường |
“Không bao giờ Chính phủ để một ngành lớn như ngành đường chết” |