Làng nghề lồng đèn lớn nhất Sài Gòn đìu hiu vì dịch Covid-19
Khoảng 1 tháng nữa là đến tết Trung thu nhưng không khí tại xóm làm lồng đèn Phú Bình (Lạc Long Quận, quận 11, TPHCM) khá ảm đạm. Lượng khách đến mua lồng đèn chỉ lác đác vài người, khác hẳn mọi năm.
Làng nghề lồng đèn lớn nhất Sài Gòn đìu hiu vì dịch Covid-19
Xóm lồng đèn đìu hiu vì dịch
Anh Nguyễn Trọng Thành đã làm nghề làm lồng đèn giấy kiếng hơn 40 năm nay. |
Khác hẳn với khung cảnh nhộn nhịp của những năm trước đây, xóm lồng đèn Phú Bình (quận 11, TPHCM) chỉ còn lác đác vài hộ theo nghề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hơn 40 năm làm nghề, anh Nguyễn Trọng Thành (sinh năm 1967, ngụ quận 11, TPHCM) cho biết, bình thường mấy năm trước đến khoảng thời gian này là cao điểm làm lồng đèn để chuẩn bị cho Trung thu.
Năm nay do dịch nên sức mua giảm nhiều, bây giờ anh Thành chỉ có thể bán cầm chừng.
Gần tới Trung thu anh Thành mỗi ngày phải ngồi từ 10 – 12 tiếng để vẽ lồng đèn. |
Nhà của anh Thành chuyên làm các mẫu lồng đèn lớn phục vụ sự kiện, đến mùa trung thu thì gia đình anh làm thêm nhiều mẫu lồng đèn nhỏ với các hình tượng như con công, cá, rồng… rồi giao đến mối, các sạp trong chợ.
Một bạn trẻ đang theo ăn để học nghề làm lồng đèn truyền thống. |
Những chiếc lồng đèn làm tỉ mỉ bằng tay được bán với nhiều mức giá khác nhau từ vài chục ngàn đến cả triệu đồng/cái. Năm nay do nhu cầu ít, anh chỉ làm theo những đơn hàng đã đặt trước đó và không làm đại trà như mọi năm.
Trong những ngày này, màu vẽ có lẽ là thứ không thể thiếu cạnh anh Thành. |
“Vướng vào mùa dịch này nên các sự kiện tổ chức để vui trung thu cho các em thiếu nhi thì người ta không có tổ chức nên số lượng đèn mình bán được cũng rất là ít. Số lượng thì chỉ được 1/3 mọi năm thôi, chủ yếu là những khách ghé qua mua lẻ”, anh Thành tâm sự.
Anh Thành pha màu để có thể vẽ mắt cho những chiếc lồng đèn mới. |
Anh Thành cho biết thêm, mấy năm trước anh bán trung bình từ 1.500-2.000 cái đèn nhưng năm nay cứ tình hình như thế này chắc nhiều lắm thì cũng chỉ bán được 1.000 cái.
“Làm một cái đèn thủ công rất vất vả đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mỉ, khéo léo của người nghệ nhân. Để vẽ từng nét sao cho khi khách nhìn vào thì thấy được cái hồn của mỗi chiếc đèn. Mỗi ngày nếu ráng lắm thì tôi cũng chỉ có thể làm được 10-20 cái đèn là cùng”, anh Thành nói tiếp.
Anh Thành cho biết muốn phần mắt của chiếc lồng đèn có hồn thì đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của người thợ. |
Anh Thành cho biết, làng nghề Phú Bình có tiếng từ những năm 1990, khi những người dân Nam Định di cư vào Nam lập nghiệp. Đây là nơi cung cấp lồng đèn truyền thống cho các đầu mối ở chợ Lớn, chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hoa… hay phố lồng đèn Lương Nhữ Học.
Lồng đèn Phú Bình xưa nay vốn được người mua khắp phía Nam ưa chuộng vì mẫu mã và sự dày công chăm chút của những người làm nghề. Tuy vậy, năm nay do dịch Covid-19 nên hầu hết các cửa hàng đều đìu hiu. Nhiều người phải chuyển nghề vì biết nếu làm sẽ không có lời nhiều.
Anh Bình (em của anh Thành) cũng phụ anh trong việc làm lồng đèn. |
Nguy cơ lồng đèn giấy kiếng biến mất
Hàng xóm được anh Thành nhờ dán những miếng giấy kiếng lên thanh tre đã được nẹp sẵn. |
Những năm gần đây, mẫu lồng đèn có gắn đèn điện, nhạc… xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến cho lồng đèn giấy kiếng Phú Bình mất dần chỗ đứng. Nhiều hộ đã “ngậm ngùi” bỏ nghề…
Cả xóm chỉ còn lác đác vài hộ cố bám trụ, hầu hết là những người già và trung niên. Gia đình của anh Thành là một trong số ít hộ còn trụ được với nghề đến giờ.
Mỗi một chiếc đèn được dán hoàn chỉnh, anh sẽ được 3000 nghìn đồng. |
Anh Thành có tổng cộng là 8 người anh em nhưng hiện tại chỉ còn anh và người em trai tên Bình là còn theo nghề.
“Anh đã làm nghề này hơn 40 năm rồi. Do đây là nghề truyền thống của gia đình hồi trước có ba anh làm lúc anh còn nhỏ đến giờ, bây giờ ba mất rồi thì truyền lại cho mình”, anh Nguyễn Trọng Thành chia sẻ.
Để có thể chuẩn bị kịp số đèn cho mùa Trung thu thì sau Tết Nguyên đán anh Thành cùng với em của mình đã phải gấp rút đi mua tre ở Bình Phước. Sau khi đưa tre về Sài Gòn, tre được chẻ ra, phơi nắng sau đó tạo hình dáng cho các đợt đèn lồng mà khách đã đặt trước.
“Lúc trước, xóm này là xóm làm lồng đèn có khoảng 100 nhà làm. Từ khi đèn điện tử xuất hiện thì lồng đèn truyền thống của mình bán chậm lại nên các nhà xung quanh họ bỏ nghề làm nghề khác để có tiền trang trải cuộc sống. Còn bây giờ thì chỉ còn được mấy nhà làm nghề này. Muốn làm được nghề này thì phải yêu nghề, giới trẻ họ không làm nghề này đâu vì nghề này ngồi làm gò bó quá nên chỉ ai yêu nghề này thì mới có thể làm được”, anh Thành tâm sự.
Mọi năm anh Thành sẽ làm hàng đại trà nhưng năm nay do tình hình của dịch anh chỉ làm những chiếc đèn đã được đặt trước đó. |
Để có thể giữ nghề, anh Thành phải thêm những ngành nghề khác để có thể có tiền lo cho gia đình. Khi gần đến mùa Trung thu thì anh và gia đình sẽ tập trung ngồi ở nhàđể làm đèn giao cho khách.
Những nan tre được chẻ sẵn và kẽm luôn được chuẩn bị sẵn để có thể làm hàng theo yêu cầu của khách. |
“Nếu mà nói tương lai nghề làm lồng đèn này bị mai một thì có lẽ là không nhưng không thể phát triển được. Các em thiếu nhi bây giờ không chuộng đèn truyền thống vì nhiều công nghệ thông tin hiện đại rồi. Thường thì đến mùa Trung thu các trường học tổ chức các lễ hội thì các emmới được tiếp xúc thôi. Thực ra, các em không còn nghĩ tới lồng đèn truyền thống như hồi trước nữa”, anh Thành thở dài chia sẻ,
Lồng đèn sau khi hoàn thiện được anh Thanh treo lên để bảo quản. |
Mong muốn bây giờ của anh Thành là có thể truyền nghề lại cho thế hệ trẻ để có thể giữ được chiếc lồng đèn giấy kiếng cho các thế hệ trẻ con mai sau. Đặc biệt, anh mong có thể mãi lưu giữ được một nghề truyền thống mà cha ông đã để lại.
Mẹ của anh Thành cũng từng là nghệ nhân làm lồng đèn nhưng do tuổi tác cao nên chỉ có thể ngồi nhìn con trai mình làm để đỡ nhớ nghề. |
Theo Dân trí
Ngọc Sơn tặng 1.000 chai sát khuẩn cho Đà Nẵng |
Giá vàng hôm nay 9/9: Tiếp tục giảm mạnh |
Việt Nam bước vào ngày thứ 7 không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng |