Những chứng nhân đặc biệt của Ngày độc lập
Sau khi viết xong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Thiếu tá Archimedes L.A Patti, Trưởng ban Đông Dương của OSS (Cơ quan Phục vụ Chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) vinh dự được nghe toàn văn văn kiện đặc biệt này trước khi Người công bố với quốc dân và thế giới...
Những năm 1940, hai vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ được xem là những thương nhân phát đạt, giàu có bậc nhất Hà Thành nhờ kinh doanh tơ lụa. Cửa hàng vải Phúc Lợi số 48 Hàng Ngang được vợ chồng ông bà mua từ năm 1942, rồi đập đi xây mới làm đại lý bán hàng với quy mô lớn nhất miền Bắc.
Căn nhà gồm 4 tầng với 2 mặt tiền, mặt tiền phía trước rộng 7m ở Hàng Ngang là nơi giao dịch, buôn bán; mặt phía sau quay ra phố Hàng Cân. Nhà gồm 3 khối nối với nhau bởi 2 giếng trời, bên trong được chia thành nhiều phòng: phòng ăn, phòng ngủ, phòng bếp, phòng khách... Tổng chi phí xây dựng căn nhà vào khoảng 600 lượng vàng, đây cũng là căn nhà bề thế bậc nhất ở phố cổ Hà Nội thời bấy giờ.
Tuy nhiên, ít ai có thể ngờ đây lại là một trong những cơ sở cách mạng bí mật, tin cậy của Đảng ta ở nội thành.
Tháng 8/1945, tình hình cách mạng trong nước vô cùng khẩn trương. Cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền của nhân dân cả nước lan rộng thành phong trào và thành công thắng lợi.
Tuy nhiên, thực dân Pháp vẫn công khai dã tâm quay trở lại áp bức dân tộc ta một lần nữa. Dưới danh nghĩa Đồng minh, ở phía Bắc, 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch cũng rục rịch kéo vào, phía Nam, các hạm tàu của Anh, Pháp cũng sẵn sàng cập bến.
Việt gian, mật thám trà trộn ở nhiều nơi, nghe ngóng, chờ đợi thời cơ. Vận mệnh Tổ quốc như nghìn cân treo sợi tóc. Những thành quả cách mạng mà nhân dân phải đổ biết bao máu xương mới giành được, có nguy cơ bị cướp mất bất cứ lúc nào.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định sớm tổ chức lễ Tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là quyết định đặc biệt quan trọng cần làm ngay trước khi các lực lượng can thiệp khác tiến vào Đông Dương.
Người thân gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ nhớ lại: Ngày rằm tháng bảy âm lịch năm Ất Dậu (tức 21/8/1945), bà Hồ đang đi lễ ở đền Quán Thánh thì ông Xích (bí danh của đồng chí Hoàng Hữu Nhân) đến nhà tìm gặp. Ông Xích hỏi bà Hồ việc muốn đưa một số anh em về đây hoạt động, gia đình có trở ngại gì không? Bà Hồ trả lời không chút do dự: “Không trở ngại gì, anh cứ đưa anh em về đây…”.
Chiều hôm đó, có hai xe ô tô chở khoảng hơn 10 người, trong đó có ông Thận (bí danh của đồng chí Trường Chinh), ông Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp, ông Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng), ông Nguyễn Minh, ông Bùi Công Trừng, ông Hoàng Quốc Việt... đến căn nhà 48 Hàng Ngang.
Theo hồi ức của bà Hoàng Thị Minh Hồ: “Mấy ngày hôm sau, anh Thận bảo tôi: Chị thu xếp cho tôi một phòng để chiều tối, ta đón một ông cụ ở dưới quê lên”.
Tuy ông Thận không nói rõ là ai, nhưng qua ánh mắt rất chậm rãi và cương nghị khi đó của ông, bà Hồ cũng đoán biết được đó là nhân vật đặc biệt quan trọng. Với kinh nghiệm nhiều dịp hỗ trợ các đoàn cán bộ Việt Minh, vị chủ nhà cũng không tiện hỏi vị khách quý là ai…
Sau khi quan sát mặt trước, mặt sau của khu nhà, ông Thận cẩn thận vẽ sơ đồ lên một tờ giấy. “Tôi hỏi anh vẽ làm gì thì anh không chịu nói. Mãi sau này tôi mới được anh kể lại là vẽ sơ đồ để đưa lên trình Bác. Khi trình, được Bác đồng ý ngay”, bà Hồ lúc sinh thời kể lại.
Bà Hồ sau đó sai người trong nhà thu dọn đồ đạc, lau sạch sẽ một căn phòng ở trên tầng ba và chờ đợi. Khoảng 6 giờ chiều ngày 24/8/1945, ông Trường Chinh về, đi cùng có 3 người khách. Bà Hồ chỉ biết hai trong ba người đó là đồng chí Trần Đăng Ninh và đồng chí Lam Sơn, còn “ông cụ” mặc áo sơ mi, quần sooc nâu thì được giới thiệu ngắn gọn là: “khách quý ở quê”.
“Trong ấn tượng của mẹ tôi lúc đó, ông cụ “khách quý ở quê” cao gầy, dáng đi nhanh nhẹn, vầng trán rất cao và đặc biệt đôi mắt rất sáng; ông cụ đi đôi dép cao su nhãn hiệu Con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay và chiếc mũ phớt bạc màu. Cụ có nước da xanh xao và đang bị ốm”, ông Trịnh Cần Chính, con trai ông bà Trịnh Văn Bô kể về những hồi ức của mẹ mình.
Ở căn phòng riêng trên tầng 3 căn nhà 48 Hàng Ngang được 3 ngày, ông cụ chuyển xuống tầng 2 ở cùng các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng gồm các ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Đăng Ninh...
Hàng ngày dù tất bật quán xuyến việc buôn bán, kinh doanh, bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn không quên để ý chăm lo chu đáo “bữa ăn, giấc ngủ” cho các cán bộ Việt Minh.
Bà cũng cẩn thận nhắc nhở người giúp việc trong nhà “tuyệt đối không được lên tầng 2” và phải lễ phép với “các cụ ở trong quê” ra chơi. Trong ấn tượng của bà Hồ, “ông cụ dưới quê” giản dị, thường mặc áo may ô ngồi đánh máy ở ban công. Đêm nào, bà Hồ cũng nghe tiếng máy chữ đều tay đến rất khuya trên tầng 2.
Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn của cụ mới tắt nhưng 5 giờ sáng đã thấy ông cụ tập thể dục ngoài ban công. Thường cứ 9 giờ sáng, bà Hồ lại tự tay đem lên hoa quả và ấm trà ngon.
Mỗi lần bà hỏi: Cụ có cần gì không? Ông cụ lại quay lại mỉm cười, trò chuyện đôi câu, lần nào cụ cũng nói: “Không có gì cần phải giúp đỡ”…
Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp kể về “những giờ phút sảng khoái nhất của Người”:
“Thường vụ đã quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa. Ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ, phải chuẩn bị cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: Thảo bản Tuyên ngôn độc lập...
Một buổi sáng, Bác và anh Nhân gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua.
Như lời Bác nói sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người...”.
“Hai mươi sáu năm trước, Bác đã tới Hội nghị hòa bình Véc-Xây, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận.
Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình. Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc hái quả của tám mươi năm đấu tranh. Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn vàng võ của Người”.
Tháng 8 năm 1945, Archimedes L.A Patti (1913-1998) là thiếu tá tình báo, chỉ huy đội công tác thuộc cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ OSS (Ofice of Strategic Services), đơn vị tiền thân của CIA.
Ông cùng nhóm cộng sự đến Hà Nội vào chiều ngày 22/8/1945 với nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, giải cứu tù binh chiến tranh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật tại Bắc Đông Dương. Patti có thiện cảm và đánh giá rất cao lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Ông và nhóm cộng sự của mình đã nhận vận chuyển giúp thư, điện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Mỹ, đứng ra làm trung gian cho các cuộc tiếp xúc Việt - Pháp cũng như có những báo cáo trung thực giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Trưa ngày 26/8, Archimedes L.A Patti đến căn nhà số 48 Hàng Ngang gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại buổi tiếp, Người muốn trao đổi với A.Patti về một số chủ trương và các kế hoạch tương lai của Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng mà chính L.A.Patti cũng không thể ngờ tới, đó là ông có vinh dự là người nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến nghe đọc bản dự thảo Tuyên ngôn Ðộc lập của Việt Nam trước ngày lễ Ðộc lập tại Hà Nội, vào một thời điểm lịch sử vô cùng quan trọng của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Trong cuốn hồi ký Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam?) Archimedes L.A Patti kể lại chi tiết.
“Ông Hồ đã cho một xe đến đón và tôi đến ngôi nhà Hàng Ngang vào lúc 10h30. Ông Trường Chinh dẫn tôi đến chỗ ông Hồ, ở đó thấy có nhiều người ra vào với một vẻ rất hân hoan và bận rộn tấp nập, ông Hồ vào, vẫn ung dung và mỉm cười…”.
“Bản tài liệu đánh máy bằng tiếng Việt Nam, có nhiều chữ bị xóa và được viết đè lên bằng bút mực, với nhiều ghi chú bên lề. Tôi ngây ra và ông Hồ thấy ngay là tôi không thể đọc được. Ông Hồ cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch và tôi chăm chú nghe.
Trong mấy câu đầu, người phiên dịch đã nói lên một số danh từ rất đỗi quen thuộc và giống lạ lùng như bản Tuyên ngôn của chúng ta. Câu tiếp sau là “Lời tuyên bố bất hủ này đã được nêu lên trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776”.
Tôi chặn người phiên dịch lại và kinh ngạc quay sang hỏi ông Hồ có thực ông có ý định sử dụng câu đó trong bản tuyên ngôn của ông không?... Ông Hồ dựa vào ghế, hai tay úp vào nhau, ngón tay sát vào môi một cách nhẹ nhàng và đang như suy tưởng.
Với một nụ cười nhã nhặn, ông hỏi lại tôi một cách dịu dàng: “Tôi không thể dùng câu ấy được à?”. Tôi cảm thấy ngượng ngập và lúng túng. “Tất nhiên”, tôi trả lời, “tại sao lại không?”.
Bình tĩnh lại, tôi nói người phiên dịch đọc lại đoạn đó từ đầu một lần nữa. Anh ta đọc: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng..., họ đã được tạo hóa trao cho những quyền không thể nhượng lại được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Cố sức nhớ lại, tôi mới thấy các danh từ đã được chuyển vị và (tôi - PV) nhận xét là trật tự các chữ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Ông Hồ nắm ngay lấy và nói “đúng”, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”...
Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phải tổ chức công bố Bản Tuyên Ngôn Độc lập gấp trước khi quân đồng minh vào tước khí giới của quân đội Nhật. Đồng thời, buổi lễ công bố này phải được tổ chức trang trọng nhất, trước quốc dân đồng bào để chúng ta lấy tư cách người chủ đất nước tiếp đón quân đồng minh.
Ngày Lễ Độc lập được thống nhất ấn định là: ngày 2/9/1945.
Sáng sớm ngày 2/9/1945 cô gái Lê Thi (1926-2020), tên thật là Dương Thị Thoa, là con giáo sư liệt sĩ Dương Quảng Hàm, khi đó vừa tròn 19 tuổi là thành viên của Đội Phụ nữ cứu quốc cùng với khoảng 100 chị em phụ nữ ở Hà Nội mặc áo dài trắng tập trung đông đủ tại đầu phố Hàng Bông.
Trước đó nhiều ngày, nhóm của bà Thi đã rộn ràng với các hoạt động mít tinh, xuống đường ủng hộ chính quyền cách mạng được tổ chức liên tục tại Hà Nội. Sáng sớm ngày đó, nhóm bà Thi xếp hàng ngăn nắp và đi bộ từ Hàng Bông qua Cửa Nam, xuống đường Điện Biên Phủ để tiến vào Quảng trường Ba Đình.
Cùng với đoàn phụ nữ, từ khắp các ngả đường, các đoàn thanh niên, đoàn nông dân, công thương... cũng tập trung rất đông, đổ xuống phố, rầm rập kéo về Ba Đình làm lễ mít tinh. Cô gái Lê Thi hòa cùng biển người, vừa đi vừa hô: “1, 2… 1, 2… đi đều bước”, thi thoảng dòng người lại đồng thanh vang vọng: “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh”, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui, phấn khởi.
“Chúng tôi vừa đi, vừa nhìn thấy hai bên đường những hàng người cũng rộn rã không kém. Ánh mắt ai cũng sáng lấp lánh với niềm vui vừa hiện thực vừa rạng rỡ. Đúng là “ngày đi như trong đêm mơ”. Những thời khắc rất đẹp!”, bà Thi nhớ lại.
Ngày hôm đó, tất cả các nhà máy, cửa hiệu ở Hà Nội đều đóng cửa, dừng hoạt động. Trên phố, cờ đỏ sao vàng, các khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích được viết bằng nhiều thứ tiếng như: Pháp, Anh, tiếng Việt được treo khắp nơi. “Thà chết, không nô lệ”, “Việt Nam của người Việt Nam”, “Hoan nghênh đồng minh”.
Có mặt trong biển người, Thiếu tá Patti cùng các đồng nghiệp ngoại quốc của mình không khỏi “choáng ngợp”.
“Dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến cạnh quảng trường Ba Đình. Ở nhiều chỗ là cả một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả toán dân miền núi với y phục địa phương của họ và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền...”.
Quảng trường Ba Đình là một bãi cỏ rộng, ở chính giữa là một lễ đài chính cao khoảng 4m, rộng hơn 5m được làm bằng gỗ, phía bên ngoài trang trí rèm lượn sóng rất đẹp.
Trung tướng Phạm Hồng Cư (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) khi đó vừa tròn 17 tuổi, là trung đội trưởng của đội tự vệ chiến đấu do Thành ủy Hà Nội thành lập. Sáng 2/9, ông Cư cùng với trung đội của mình được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho buổi lễ Độc lập.
Đầu giờ chiều ngày 2/9/1945, Quảng trường Ba Đình đã không còn một chỗ trống. Biển người đứng thành hàng lối, nghiêm trang, trật tự tập trung hướng mắt lên lễ đài. Các đội bảo vệ, giải phóng quân, cầm súng gắn lưỡi lê, súng lục đứng thành từng vòng quanh lễ đài. Đội của ông Cư đứng bảo vệ khu vực phía Nam của lễ đài.
14 giờ chiều, Đội âm nhạc giải phóng quân thổi một bài kèn, đoàn xe của Chính phủ từ từ tiến vào vườn hoa và dừng lại gần lễ đài.
“Các thành viên Chính phủ người mặc áo vest màu đen, người khăn xếp, áo dài lần lượt bước lên. Sự chú ý của quần chúng được đổ dồn về phía một ông cụ mặc bộ quần áo kaki màu vàng...”, Trung tướng Hồng Cư kể.
Nhạc hiệu bài Quốc ca được vang lên hào hùng giữa quảng trường, buổi lễ chào cờ bắt đầu. Lá cờ đỏ sao vàng được cô gái Lê Thi và Đàm Thị Loan (1926-2010, sau là phu nhân của Đại tướng Hoàng Văn Thái) từ từ kéo lên đỉnh cột cờ. Hàng vạn người như một nghiêm trang, xúc động giơ tay chào quốc kỳ.
Ngay sau đó, trưởng ban tổ chức buổi lễ Nguyễn Hữu Đang trịnh trọng giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Bên dưới, những tràng pháo tay nổi lên không ngớt.
“Khi Chủ tịch bắt đầu lên tiếng thì đồng chí Hoàng Phương, sau này là Trung tướng, Chính ủy Quân chủng Phòng không không quân, đứng bên cạnh tôi, ghé sát vào tai tôi nói nhỏ: Này này, cậu có biết không? Ông cụ là Nguyễn Ái Quốc đấy! Thật là sung sướng, tôi nhận ra người đi đầu phái đoàn trung ương lúc nãy chính là ông cụ.
Lúc này, tôi thốt ra một câu: Hôm nay Người đã về! Trong lòng trào dâng niềm xúc động. Đây cũng là lần đầu Người ra mắt toàn thể quốc dân đồng bào, và cũng chính lúc này chúng tôi mới được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc”, Trung tướng Phạm Hồng Cư sau này xúc động nhớ lại.
Là người ngoại quốc hiếm hoi có mặt bên dưới lễ đài, Thiếu tá Patti cũng không giấu được những cảm xúc kinh ngạc của mình: “Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho bộ đội của ông Giáp và Chu Văn Tấn, lực lượng được huấn luyện, trang bị, có kỷ luật nhất của họ. Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các vũ khí mới một cách hãnh diện, lúc trong tư thế “đứng nghiêm”, lúc “nghỉ”.
Ở đó còn có các đơn vị “tự vệ”, dân quân mặc áo lẫn lộn quần áo nhà binh Pháp hoặc Nhật hoặc quần áo ngắn xanh hay đen, mang theo một loạt các vũ khí cũng lộn xộn, từ súng kíp, gươm, dao rùa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày… Có thứ hình như họ mới lấy từ các đình, chùa ở làng ra. Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động...
Mặt trời đã lên cao. Không khí oi bức. Nhưng đôi lúc cũng có cơn gió nhẹ thổi làm phấp phới cả cái biển cờ trên quảng trường. Cao trên cột trước lễ đài, lá cờ đỏ với ngôi sao vàng lớn phấp phới bay.
Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng và chăm chú theo dõi có người đã bắt đầu xuất hiện trên lễ đài. Mấy phút sau, nổi lên tiếng hô “bồng súng, chào”, quần chúng bỗng im lặng trong khi các vị chức quyền tìm chỗ đứng vào đằng sau cái bao lơn được trang trí bằng màu trắng và đỏ.
Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cà vạt và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn, mặc áo kaki màu sẫm và có cái gì như là cái khăn trùm đầu - đó là ông Hồ Chí Minh.
Lê Xuân, nguyên là người liên lạc của chúng tôi, đã đến và sẵn sàng bình luận, nhận xét. Anh ta cũng đã đi một vòng và cho rằng quần chúng hết sức tò mò và quan tâm đến vị lãnh đạo “mới” của chính phủ. Mọi người đều muốn biết “ông Hồ Chí Minh bí ẩn” này là ai? Ông ở đâu về?
Nhưng không phải chỉ có người Việt Nam mới không quen thuộc với cái tên đó đâu. Ngay cả đến cơ quan Bộ Ngoại giao chúng ta (Mỹ) ở Côn Minh và Trùng Khánh cũng không biết gì về vấn đề này, mặc dù là đã có nhiều báo cáo cụ thể của tôi. Một tháng sau, khi đọc một công văn của Sprouse, lãnh sự ở Côn Minh, tôi ngạc nhiên thấy còn nói đến “Ho Chi Minh”. Lúc đó ai cũng nghĩ rằng đã biết tên thật của ông Hồ…”.
Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập bằng một giọng trầm ấm. “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đọc được nửa chừng, giữa những tràng pháo tay nhiệt liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hàng ngàn người ở dưới đồng thanh đáp lại: “Có ạ!”.
“Nghe Người hỏi, ai cũng xúc động. Tôi không nghĩ một vị lãnh tụ vĩ đại lại biết quan tâm đến dân chúng và bình dị đến vậy. Sự quan tâm của người, khiến tất cả những người có mặt trong buổi lễ đều không thể nào quên”, bà Lê Thi, xúc động chia sẻ.
“Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe, nắm lấy từng lời. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì. Lê Xuân phải cố gắng lắm để dịch nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng”, Patti nhớ lại.
Buổi lễ kết thúc bằng những lời thề độc lập:
- Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: “Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
- Chúng tôi xin thề: “Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng”.
- Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề:
“Không đi lính cho Pháp,
Không làm việc cho Pháp,
Không bán lương thực cho Pháp,
Không đưa đường cho Pháp!”.
Sau mỗi lời thề, ông Hồng Cư, bà Lê Thi và biển người nông dân, thanh thiếu niên... bên dưới lễ đài lại giơ tay, đồng thanh dõng dạc: “Xin thề” ... “Xin thề”!
“Khi giơ tay thề, nước mắt tôi và đồng đội đều trào ra. Chúng tôi xúc động là bởi vì từ thời khắc đó nước ta không còn là một nước nô lệ, mất nước. Nước ta đã hoàn toàn độc lập. Độc lập - hai tiếng đó thiêng liêng đến vô cùng....”, Trung tướng Hồng Cư bồi hồi.
Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử, đánh dấu mốc son chói lọi nhất trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn phát đi là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới.
“Bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 là sự tiếp nối hợp logic tuyên ngôn của các thế hệ ông cha ta trước đây trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Bản Tuyên ngôn cũng vượt qua tất cả ý thức hệ cũ đã lỗi thời, hạn chế tức là phong kiến, vượt qua cả ý thức hệ tư sản, quyết định con đường lựa chọn mới của Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Toàn bộ Bản Tuyên ngôn toát lên 3 giá trị cốt lõi: Độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc, Tự do cho dân tộc, Hạnh phúc của nhân dân.
Bản Tuyên ngôn thể hiện quyền ý chí của nhân dân Việt Nam, nó coi như một sự cáo chung của thực dân phong kiến, mở ra một thời đại làm chủ, dân chủ của con người Việt Nam do Đảng lãnh đạo”, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đúc kết.