Doanh nghiệp “thấm đòn” Covid-19, nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế
(PetroTimes) - Càng về cuối năm, những tác động của Covid-19 càng nhìn thấy rõ, khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn tiếp tục tăng, ngân hàng đối mặt với thực tế có tiền mà không thể cho vay, kể cả khi giảm lãi suất cho vay, do thị trường rơi vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi sản xuất và phân phối.
Nhìn chung mức tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua khá khiêm tốn trong bối cảnh thanh khoản của toàn hệ thống dồi dào. Điều này đang phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế, có hoạt động kinh tế doanh nghiệp mới đi vay và khi đó mới có tín dụng. Doanh nghiệp không muốn vay, ngân hàng không thể cố ép.
Số liệu cập nhật tình hình kinh tế - xã hội mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8 có hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng gần 160% so với cùng kỳ năm ngoái; hơn 3.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng hơn 63%; gần 4.000 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng hơn 134%.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng đồng nghĩa với số người thất nghiệp cũng sẽ tăng. |
Còn tính trong cả 8 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 34.000 doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước; hơn 24.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; hơn 10.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng, thì số doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chiếm đến 71%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 28%, nông lâm nghiệp thủy sản chỉ chiếm 1%. Những con số này cũng không nằm ngoài dự đoán khi thực tế, do tác động của dịch bệnh, thị trường du lịch, khách sạn… suy giảm nặng nề trong khi đó các sản phẩm về nông nghiệp, thủy sản vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng đều kể cả thị trường xuất khẩu.
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ảm đạm, do đó, dù các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và xem xét cho vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn không mấy sáng sủa.
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo cao cấp của NHNN cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tín dụng tăng trưởng chậm với con số hơn 4% so với cuối năm ngoái trong bối cảnh thanh khoản của toàn hệ thống dồi dào. Điều này đang phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế, có hoạt động kinh tế doanh nghiệp mới đi vay và khi đó mới có tín dụng. Doanh nghiệp không muốn vay, ngân hàng không thể cố ép.
Không khó để nhận thấy các ngân hàng rất khó khăn trong việc thúc đẩy cho vay mới. Ðơn cử, với ngành dịch vụ, trong quý II/2020, tăng trưởng ngành này sụt giảm 1,8% so với cùng kỳ (từ mức tăng 3,3% được ghi nhận trong quý I/2020) do tất cả các hoạt động dịch vụ đều giảm mạnh trong tháng 4/2020, khi toàn quốc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19.
Số liệu của NHNN cho biết, ước tính có khoảng 2,5 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (khoảng 30% tín dụng toàn hệ thống), điều này tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng. Theo lãnh đạo cao cấp NHNN, nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng là cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế và vốn hiện đang rất thừa, phần còn lại là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Doanh nghiệp gặp khó, không có nhu cầu mở rộng sản xuất nên cũng không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Và tất nhiên, khi doanh nghiệp khó khăn, không những không mở rộng mà còn thu hẹp sản xuất thì đời sống ngươi lao động khó đảm bảo, tỷ lệ thất nghiệp vì thế mà tăng cao.
Còn nhớ ít đây không lâu, Công ty giày da Huê Phong tại TP HCM đã lên kế hoạch cho 1.577 công nhân nghỉ việc vào ngày 30/8/2020. Đây là lần thứ 3 công ty Huê Phong cho công nhân ngưng việc vì Covid-19, tổng 3 lần khoảng 4.000 lao động.
Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 khiến các khách hàng chính của công ty ở châu Âu và Mỹ bị thiệt hại nặng nề dẫn tới hủy đơn đặt hàng. Dù công ty đã tìm cách khắc phục, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn không thể xoay chuyển được tình thế.
Trường hợp Công ty giày da Huê Phong chỉ là một ví dụ điển hình. Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính riêng trong quý 2/2020, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) là khoảng 1,3 triệu người, tăng 192.800 người so với quý 1/2020 và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị quý 2 là 4,46%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với quý trước và 1,36 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của khu vực này trong vòng 10 năm qua.
Cục Việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.
Dịch bệnh đang lây lan mạnh ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ. Điều này dẫn đến tình trạng "đứt gãy" chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hoặc đình trệ. Khi các công ty không có nguyên liệu sản xuất và đơn đặt hàng thì công nhân sẽ không có việc làm, thất nghiệp.
Covid-19 cũng khiến hàng loạt nhà máy, xí nghiệp trong nước phải tạm dừng hoạt động. Giãn cách xã hội làm cho không chỉ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà du lịch, nhà hàng, giáo dục... cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Lao động những ngành này vì vậy đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Đánh giá những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nền kinh tế, mà cụ thể là "sức khỏe" của hàng nghìn doanh nghiệp, đời sống của hàng triệu người dân, Chính phủ đã kịp thời tung ra các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng với tổng số tiền trong gói hỗ trợ là 62.000 tỷ đồng và một số gói hỗ trợ khác. Tuy nhiên, với số tiền này sẽ là như "muối bỏ bể" nếu số doanh nghiệp ngừng hoạt động, số lao động thất nghiệp không ngừng tăng.
M.L