Trung Quốc gia tăng thâu tóm các mỏ năng lượng ở Trung Đông
Thông qua các khoản đầu tư, mua lại cổ phần những dự án năng lượng quan trọng, Trung Quốc được cho là đang chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược tại Trung Đông.
Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của các giếng dầu tại Trung Đông, nhưng từ vị trí khách hàng, hiện Bắc Kinh lại đang cho thấy những tiếng nói có thể chi phối trực tiếp những mỏ năng lượng nơi đây.
Một bài viết được nhiều trang báo tại Trung Đông trích đăng tải, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc đang mua lại cổ phần các dự án khai thác dầu tại Trung Đông, nhằm phát huy ảnh hưởng của mình tại khu vực này. Gần đây nhất là thương vụ giữa Công ty Khai thác dầu ngoài khơi quốc gia Trung Quốc với Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi.
Trung Quốc đang tăng cường mua lại cổ phần các dự án khai thác dầu tại Trung Đông. (Ảnh minh họa: oilprice) |
Theo bài báo, trong bối cảnh giá dầu đang tụt dốc, nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, việc các quốc gia Trung Đông chào bán cổ phần các dự án khai thác dầu trở thành một bước đi không thể khác và Trung Quốc đang muốn tận dụng thời cơ này.
Trung Đông, Nam Á hay châu Phi đều là những địa bàn quan trọng trong chiến lược "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, nhưng theo một số liệu gần đây, các dự án năng lượng tại Trung Đông đang ngày càng chiếm được một vị trí ưu tiên trong các khoản đầu tư từ chiến lược "Vành Đai và Con đường" của Bắc Kinh.
Trang mạng Middle East Monitor có bài viết cho hay, kể từ năm 2013 - 2019, 56% các khoản đầu tư từ Trung Quốc dành cho các dự án có liên quan tới năng lượng. Điều này được cho là phù hợp với các dự báo Cơ quan Năng lượng quốc tế trước đó, cho rằng Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi số lượng dầu nhập khẩu từ Trung Đông trong vòng 15 năm tới.
Bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, Bắc Kinh đang xem xét đầu tư tới 280 tỷ USD vào các dự án dầu lửa, khí đốt và hóa dầu tại Iran. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Nhiều trang báo tại Trung Đông đã so sánh chiến lược tiếp cận Trung Đông của Trung Quốc và Mỹ. Nếu Mỹ được cho là đang lấy chính trị đi trước để phục vụ mục đích kinh tế, thì Trung Quốc lại lấy kinh tế đi trước để phát huy ảnh hưởng ở Trung Đông. Tuy nhiên, điều khác biệt hơn cả là Bắc Kinh đang cho thấy mình có thể giao dịch với tất cả các bên tại Trung Đông.
Có thể bắt tay với các quốc gia Vùng Vịnh, Trung Quốc đồng thời cũng đang dành những khoản đầu tư lớn vào Iran. Theo báo Tehran Times, bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ, Bắc Kinh đang xem xét đầu tư tới 280 tỷ USD vào các dự án dầu lửa, khí đốt và hóa dầu tại Iran.
Trang mạng Bourse and Bazaar cho rằng, gần một nửa nhu cầu dầu của Trung Quốc hiện đang phải nhập từ Trung Đông. Vì vậy, chiến lược đầu tư đa dạng vào các dự án tại Trung Đông giúp Bắc Kinh tránh phụ thuộc vào một nguồn cung dầu duy nhất. Đồng thời, nó cũng được ví như lá chắn. Dù các bên tại Trung Đông có xung đột tranh chấp, nhưng cũng không bên nào muốn nhằm vào các hoạt động của Bắc Kinh.
Theo Vân Anh
VTV