Từ chuyện Samsung ngẫm chuyện đón và giữ chân “đại bàng” FDI
Việc Samsung phủ nhận chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ đang là một thông tin gây chú ý đối với công luận.
Đại diện Samsung nói rằng: “Các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường mà không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ”. Samsung tại Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là “cứ điểm sản xuất toàn cầu” của tập đoàn này.
Tóm lại, việc Samsung dịch chuyển sản xuất (dù chỉ một phần) từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ là tin đồn thất thiệt. Song, theo nhìn nhận của người viết, đây tuy là thông tin mới, cập nhật nhưng vấn đề lại không hề mới. Vì sao vậy?
Với vị thế là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, câu hỏi “Sẽ thế nào nếu Samsung rút vốn?” không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Một vài năm trước, và gần nhất là hồi đầu năm nay, đã có những luồng thông tin về việc Samsung liệu có dời sản xuất sang Triều Tiên, Ấn Độ hay một nước Đông Nam Á nào khác. Câu hỏi này hết sức bình thường. Về chiến lược kinh doanh, luôn có những giả định, còn thực tế ra sao lại là câu chuyện khác.
Thông tin báo chí cho hay, với 65,7 tỷ USD năm 2018, doanh thu của Samsung tại Việt Nam mang lại 30% tổng doanh thu của Samsung trên toàn cầu. Nói cách khác, hoạt động sản xuất tại Việt Nam tạo ra lợi ích rất lớn cho Samsung, đóng góp đáng kể cho tập đoàn này.
Samsung lại đang nhận được nhiều chính sách “siêu ưu đãi”, đặc biệt là về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10%, 4 năm đầu miễn thuế và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo v.v…
Chưa hết, so với các quốc gia khác, Việt Nam còn có lợi thế là nằm ngay sát nguồn nguyên liệu linh phụ kiện lớn là Trung Quốc (sản phẩm Samsung không chỉ sử dụng linh kiện từ các công ty Hàn Quốc và Việt Nam mà còn nhập linh kiện điện tử từ Trung Quốc).
Chính vì vậy, khó có khả năng tập đoàn này sẽ rời bỏ hoạt động sản xuất ở Việt Nam khi mà họ vẫn đang hưởng lợi.
Nhưng kinh tế là câu chuyện “win-win” (đôi bên cùng có lợi). Vấn đề là mỗi bên khai thác lợi ích của mình như thế nào, có triệt để hay không, có tối đa hoá được lợi ích không?
Ngoài đóng góp hơn 20% cho kim ngạch xuất khẩu mỗi năm và tiền thuế… thì hơn hết thảy, lợi ích lớn nhất mà những doanh nghiệp FDI “công nghệ cao” như Samsung được kỳ vọng có thể mang lại cho Việt Nam nằm ở việc giải quyết công ăn việc làm, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao thu nhập người lao động và chuyển giao công nghệ.
Ngay cả các doanh nghiệp phụ trợ trong nước nếu chưa thể vươn lên trở thành đối tác của Samsung thì họ cũng đã nâng tầm hơn lên so với chính họ. Tư duy về sản xuất chuỗi được mở rộng, các doanh nghiệp Việt có ý thức cao hơn trong việc đầu tư cho nghiên cứu - phát triển (R&D) để trở thành nhà cung cấp toàn cầu.
Đây mới chính là điều khiến cho sự “đi hay ở” của Samsung trở nên có ý nghĩa.
Nên nói gì thì nói, thu hút và giữ chân những “đại bàng” như Samsung là vô cùng cần thiết trong nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Việc Samsung “di dời” nhà máy từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ là tin thất thiệt nhưng việc các tập đoàn công nghệ lớn xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á lại là thật.
Ngay như thông tin mà tờ Economic Times của Ấn Độ đăng tải rằng, Samsung đã trình kế hoạch đa dạng hóa dây chuyền sản xuất smartphone với Chính phủ Ấn Độ (kế hoạch này thuộc chương trình ưu đãi các dự án liên quan đến sản xuất - PLI trị giá 40 tỷ USD trong 5 năm tới của Chính phủ Ấn Độ) thì điều này cũng rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Vì sao là Ấn Độ mà không phải Việt Nam?
Một “ông lớn” khác là Apple cũng đang cân nhắc việc tạm ngừng triển khai kế hoạch sản xuất iPhone ở Bắc Giang trong đó có lý do được cho là liên quan đến điều kiện sống và ký túc xá dành cho công nhân chưa đáp ứng yêu cầu của hãng này (theo Apple Insider).
Do đó, trong bối cảnh thuận lợi như hiện nay, vì chậm trễ trong chính sách, vì chưa chuẩn bị kịp hạ tầng hay vì nguyên nhân nào khác mà chúng ta để lỡ mất thời cơ “đón sóng” thì quả thực rất là đáng tiếc!
Theo Dân trí