Chuyên gia WB: Việt Nam có khả năng chống chịu "ngoài dự kiến"
Với xuất khẩu đứng vững thể hiện khả năng chống chịu ngoài mức dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ, WB cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp diễn.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam trong tháng 8/2020, cho rằng, trong thời gian tới, sự trở lại của Covid-19 với các ca lây nhiễm cộng đồng cùng với các biện pháp hạn chế mới, nhất là ở Đà Nẵng, chắc chắn sẽ tác động đến quá trình khôi phục kinh tế.
Tuy vậy, tác động tiêu cực của dịch phần nào được giảm nhẹ do Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công, nhất là ở các địa phương.
Đến ngày 13/8, có 883 ca nhiễm và 18 ca tử vong được ghi nhận trong nước, chủ yếu do đợt sóng lây nhiễm cộng đồng mới đây ở khu vực Đà Nẵng.
Việt Nam báo cáo ca nhiễm mới đầu tiên vào ngày 28/7 sau gần 100 ngày không có lây nhiễm cộng đồng. Kể từ thời điểm đó, 286 ca nhiễm mới đã được đưa vào báo cáo, chủ yếu ở khu vực Đà Nẵng và các địa phương lân cận, nhưng cũng cả ở TPHCM và Hà Nội. Các biện phép xét nhiệm và truy vết được tăng cường.
Chuyên gia WB cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế trong nước của Việt Nam vẫn tiếp diễn cho dù chưa thể quay lại nhịp độ như thời trước khủng hoảng.
(Ảnh: Cảng Hải Phòng) |
Khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến
Người dân trải qua ba tuần cách ly gắt gao trong tháng 4, sau đó, Chính phủ đã từng bước nới lỏng những hạn chế về đi lại và giãn cách xã hội. Cho đến khi Covid-19 lại bùng phát lại ở Đà Nẵng vào cuối tháng 7 thì Chính phủ lại phải ban hành lại những biện pháp hạn chế đi lại chặt chẽ ở Đà Nẵng, đồng thời nâng cấp độ giãn cách xã hội ở các thành phố khác. Chỉ số chặt chẽ của quốc gia tăng lên còn số chuyến bay nội địa giảm mạnh kể từ đầu tháng 8.
Trước khi dịch bùng phát lại, kinh tế trong nước vẫn phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 2,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7. Tốc độ tăng này thấp hơn một chút so với tháng 5 và tháng 6.
Tương tự, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng 4,6% (so cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng trưởng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ đều thấp hơn so với tháng 7/2019. “Điều đó cho thấy nền kinh tế chưa thực sự phục hồi lại ở mức như trước khi có khủng hoảng” - theo WB.
Thương mại hàng hóa nhìn chung tiếp tục hồi phục, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp trong nước chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài.
Trong tháng 7, Việt Nam có khả năng duy trì thặng dư thương mại hàng hóa ở mức 1,6 tỷ USD, góp phần nâng thặng dư trong 7 tháng đầu năm 2020 lên đến 9,4 tỷ USD so với 3,3 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 1,4% so với tháng 6/2020 nhưng vẫn tương đương với tháng 7/2019.
Kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn (tăng 10,6%) trong khi doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc khu vực nước ngoài giảm khoảng 5% so cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia WB đánh giá, việc xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng vững (tương đương tháng 7/2019) thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ.
Theo ghi nhận của WB, trong tháng 7, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam mạnh hơn so với tháng 5 và tháng 6. Nhưng về tổng thể, tổng cam kết vốn FDI giảm 7% trong 7 tháng đầu năm 2020 (so cùng kỳ năm trước).
Xu hướng tăng từ cuối tháng 4 theo quan sát cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Việt Nam, là quốc gia vượt trước quỹ đạo của dịch Covid-19 mà lại nằm gần Trung Quốc, nhờ vậy có thể tận dụng được quá trình tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu và nỗ lực đa dạng hóa rủi ro hiện nay của các công ty đa quốc gia.
Tăng trưởng tín dụng thấp chưa từng có: Cần theo dõi thận trọng
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh vĩ mô của Việt Nam là chỉ số CPI của tháng 7 vẫn đi ngang so với tháng 6 còn lạm phát cơ bản ghi nhận mức tăng rất nhỏ.
Lạm phát tháng 7 tăng nhẹ lên 3,4% (so cùng kỳ năm trước) chủ yếu do giá vận tải giảm, trong khi giá lương thực thực phẩm.
Tăng trưởng tín dụng thấp chưa từng có |
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại hạ nhiệt. Tỷ lệ biến động tín dụng với nền kinh tế so cùng kỳ năm trước giảm mạnh kể từ tháng 2, xuống 9,9% vào tháng 6.
Tỷ lệ trên mặc dù thấp chưa từng có, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều đó cho thấy NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp dễ bị tổn thương.
“Mặc dù có lý do, nhưng chính sách trên cần được theo dõi thận trọng vì nó làm giảm biên lợi nhuận của ngân hàng trong điều kiện tỷ lệ nợ xấu vốn dĩ đang tăng nhanh” - chuyên gia WB đưa ra khuyến nghị.
Bội chi ngân sách dự kiến tăng, do số thu của Chính phủ trong nửa đầu của năm chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019, theo báo cáo. Trong khi đó, chi tiêu lại tăng do phải triển khai các biện pháp xã hội nhằm giảm nhẹ tác động của khủng hoảng bên cạnh những nỗ lực nhằm đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư để kích thích khôi phục kinh tế.
Tóm lại, theo đánh giá của WB, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi sau khi những hạn chế trong nước do cách ly chống Covid-19 được gỡ bỏ, đồng thời xuất khẩu đạt kết quả tương đối tốt.
Tuy nhiên, đợt bùng phát của dịch vào cuối tháng 7/2020 ở Đà Nẵng và các biện pháp ứng phó nhằm kiểm soát bệnh dịch của chính quyền có thể gây ảnh hưởng đến khôi phục kinh tế trong thời gian tới.
Theo đó, chuyên gia WB cho rằng, cần quan tâm hơn nữa đến diễn biến phát triển của dịch bệnh, tác động tài khóa và chính sách xử lý trong trung và dài hạn.
Theo Dân trí