Căng thẳng leo thang với Mỹ, Trung Quốc lo ngại một cuộc chiến tài chính
Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc leo thang khiến giới chuyên gia và hoạch định chính sách ở Trung Quốc lo ngại một cuộc chiến tài chính có thể khiến Bắc Kinh bị cô lập khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD.
Trung Quốc lo ngại nguy cơ bị loại khỏi hệ thống thanh toán bằng USD. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Cuộc chiến đã bắt đầu
Trong một động thái được cho là khá hiếm hoi, giới lãnh đạo và chuyên gia kinh tế Trung Quốc những tháng gần đây nhiều lần công khai thảo luận về những kịch bản tồi tệ nhất nếu Trung Quốc bị loại khỏi hệ thống thanh toán bằng USD hoặc Mỹ đóng băng hay tịch thu một lượng lớn các khoản nợ trái phiếu mà Bắc Kinh đang nắm giữ.
Mặc dù nguy cơ tách rời hoàn toàn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là khó xảy ra, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đang tìm cách tách rời một phần ở những lĩnh vực quan trọng liên quan đến thương mại, công nghệ và tài chính.
Washington đã có hàng loạt hành động nhắm vào Trung Quốc, trong đó có đề xuất hủy niêm yết các doanh nghiệp Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ, cấm ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc. Căng thẳng được dự báo leo thang hơn nữa ít nhất từ nay cho đến trước bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.
“Một cuộc chiến tài chính quy mô lớn đã bắt đầu … nhưng những chiến thuật hiểm hóc nhất vẫn chưa tung ra”, Yu Yongding, chuyên gia kinh tế của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc từng cố vấn cho PBOC, nhận định.
Ông Yu cho rằng, Mỹ có thể áp dụng nhiều cách thức trừng phạt như nhằm vào các ngân hàng hay ngành công nghiệp nhất định hoặc Mỹ, có thể đóng băng, tịch thu tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài trong đó có trái phiếu chính phủ Mỹ. Bắc Kinh hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Ông cảnh báo, nguy cơ tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất không phải là không thể, do vậy Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn cho kịch bản này.
Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn tinh thần
Chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên chuẩn bị tinh thần cho kịch bản tách rời giữa 2 siêu cường kinh tế. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Bất cứ động thái nào của Mỹ nhằm loại Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng USD hay Bắc Kinh đáp trả bằng việc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ đều có thể khiến thị trường tài chính chao đảo, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Fang Xinghai, nhà điều tiết chứng khoán cấp cao, cho rằng Trung Quốc dễ bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và do vậy Bắc Kinh cần có sự chuẩn bị “sớm” và “thực tế”.
Những lo ngại này một lần nữa thúc đẩy Trung Quốc tìm cách tăng cường vai trò của Nhân dân tệ trong hệ thống thanh toán quốc tế, giảm phụ thuộc vào USD. Thậm chí một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc đưa ra ý tưởng xuất khẩu vắc xin Covid-19 theo cơ chế thanh toán bằng Nhân dân tệ.
"Việc quốc tế hóa Nhân dân tệ là điều đáng mừng và việc cần làm", Shuang Ding, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Standard Chartered tại Trung Quốc và cũng là cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), nhận định. Ông cho rằng nguy cơ "tách rời" tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc đang "ngày càng hiện rõ".
Guan Tao, cựu trưởng phòng thanh toán quốc tế thuộc Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc và hiện là kinh tế trưởng Ngân hàng Trung Quốc, cũng cho rằng Bắc Kinh nên sẵn sàng cho kịch bản tách rời giữa hai siêu cường kinh tế. “Chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần Mỹ có thể loại Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng USD”, ông Guan cho biết với Reuters. Trong một báo cáo tháng trước, ông Guan kêu gọi tăng cường sử dụng hệ thống thanh toán bằng Nhân dân tệ của Trung Quốc, Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới, trong giao thương quốc tế. Hiện tại hầu hết các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc được thực hiện bằng USD thông qua hệ thống SWIFT.
Trung Quốc được cho là đang khôi phục lại chiến lược đẩy mạnh quốc tế hóa Nhân dân tệ. PBOC tháng trước hối thúc các định chế tài chính mở rộng giao dịch bằng Nhân dân tệ, ưu tiên sử dụng nội tệ trong đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, nỗ lực quốc tế hóa Nhân dân tệ này đang bị cản trở bởi chính các chính sách kiểm soát dòng vốn của Trung Quốc.
Theo Dân trí