Vị Tổng Bí thư đòi hỏi làm trong sạch Đảng “phải từ trên đầu xuống”
Dành nhiệt huyết cháy bỏng với việc “làm cho Đảng trong sạch trở lại”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được đánh giá người đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới…
Bắt tay chỉnh đốn Đảng ngay khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư
Được bầu làm Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII, tháng 12/1997, đến Hội nghị 6, tháng 1/1999 (sau hơn 1 năm), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã hoàn thành nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, bắt đầu công cuộc chỉnh đốn Đảng.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6, ngày 2/2/1999, sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thay mặt Bộ Chính trị “xin chịu trách nhiệm và nghiêm khắc tự phê bình trước Trung ương và toàn Đảng” đối với những khuyết điểm để xảy ra trong Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ghi dấu trong lịch sử Đảng với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và công cuộc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. |
Phân tích thực trạng của Đảng, nguyên Tổng Bí thư nhấn mạnh, hội nghị 6 này dẫn tới quyết định đặc biệt là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình.
Lần đầu tiên sau chiến tranh, một nghị quyết của Đảng (Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) nêu rõ, trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn.
Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.
Tổng Bí thư nêu quyết tâm, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và toàn Đảng phải sửa chữa khuyết điểm mắc phải, kiên quyết chỉnh đốn Đảng, kiên quyết thực hiện cho được Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2).
Tuyên bố mở cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiến hành tự phê bình và phê bình từ ngày 19/5/1999 đến ngày 19/5/2001, ông nêu mục đích là để làm trong sạch Đảng, nâng cao sức chiến đấu, vai trò và thanh danh Đảng.
Với chí khí, quyết tâm đó, trong diễn văn tại lễ kỷ niệm lần thứ 109 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 30 năm thực hiện Di chúc của người một ngày trước khi cả nước chính thức bước vào cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, (18/5/1999), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phân tích, khi Đảng cầm quyền, Đảng viên rất dễ đánh mất mình, ngày hôm qua vĩ đại, không nhất định hôm nay vẫn được mọi người yêu mến nếu không còn trong sáng, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, càng cần coi trọng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.
“Trong khi cách mạng đòi hỏi sự phấn đấu kiên định và bền bỉ để thực hiện mục tiêu lý tưởng thì một bộ phận cán bộ, đảng viên lại giảm sút ý chí, phai nhạt tư tưởng, dao động về con đường xây dựng CNXH. Đáng chú ý là có cả một số cán bộ, đảng viên cấp cao làm trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, vi phạm luật pháp nhà nước, thiếu tinh thần trách nhiệm khi giải quyết những vấn đề của đất nước cũng như của địa phương mình, ngành mình, đơn vị mình” - Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói.
Công cuộc xây dựng đất nước, Tổng Bí thư nhắc nhở, đòi hỏi phải toàn tâm toàn ý chăm lo sự nghiệp chung thì có cán bộ lại làm việc cầm chừng, thiếu tinh thần đồng kham cộng khổ, chỉ lo vun vén cá nhân, tham nhũng, hối lộ, đặc quyền đặc lợi, cục bộ địa phương, cơ hội, luồn lách, chỉ coi trọng lợi ích vật chất mà xem nhẹ giá trị tinh thần; nặng về lợi ích thực dụng trước mắt, xem nhẹ lợi ích cơ bản và lâu dài.
Tổng Bí thư cũng bức xúc vì những biểu hiện của cán bộ xa dân, quan liêu, đại khái, hống hách, sách nhiễu, không tôn trọng nhân dân, không lấy kết quả chăm lo đời sống của nhân dân làm thước đo sự lãnh đạo và phẩm chất của mình.
Đất nước còn nghèo, nhân dân còn thiếu thốn, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phát huy cao nhất nội lực, cần kiệm liêm chính thì một bộ phận cán bộ, đảng viên lại xa hoa, phung phí tiền của, bỏ mặc tài sản, của công mất mát, hư hỏng và bị phá hoại.
Một số cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước mơ hồ, mất cảnh giác trong khi các thế lực thù địch nham hiểm, độc ác chống lại hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, trong khi cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc vẫn diễn ra phức tạp và quyết liệt, đòi hỏi bản lĩnh chính trị vững vàng và tỉnh tảo.
Tổng Bí thư sốt ruột vì trước tình hình đó mà có cấp ủy, Đảng viên vẫn chưa thấy hết tính chất nghiêm trọng của thực trạng, còn chủ quan, đơn giản, thờ ơ, không nhận thức được yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tắm gội phải từ trên đầu xuống!
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: "Cần phải thấy rằng vấn đề Đảng, vấn đề dân là quan trọng. Phải làm sao Đảng phải thật sự trong sạch, thật sự là người đầy tớ của dân". |
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu yêu cầu, cuộc chỉnh đốn Đảng hướng tới việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, về đạo đức, lối sống phải gắn chặt với công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc cũng như tại nơi cư trú. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, Đảng viên thông qua tổ chức Đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, hệ thống cơ quan dân cử, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổng Bí thư khi đó đặc biệt lưu ý sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong Đảng, nhất là trong các cấp ủy Đảng các cán bộ chủ chốt cấp Trung ương và tỉnh thành. Ông yêu cầu, tự phê bình và phê bình phải nhằm mục đích làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng nhận rõ ưu điểm để phát huy và chỉ ra khuyết điểm để sửa chữa.
“Trước hết, mỗi Đảng viên phải trung thực, tự giác, lấy phẩm chất và danh dự cộng sản mà soi xét bản thân, đánh giá thật đúng mình, tranh thủ sự phê bình, góp ý của đồng chí, khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang để lấy lòng, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thậm chí còn tìm cách bao che cho nhau, hoặc lợi dụng phê bình để đả kích cá nhận thiếu tính xây dựng” – ông phân tích.
Tổng Bí thư đòi hỏi tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, quan liêu. Các cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, các ngành, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí tại đơn vị mình. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải làm tốt việc xử lý và kết luận các đơn thư tố cáo tham nhũng đối với cán bộ các cấp. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống quan liêu phải được chỉ đạo chặt chẽ trong quá trình tiến hành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội…
Tổng Bí thư nêu tinh thần chỉ đạo “tắm gội phải từ trên đầu xuống chứ không phải từ ngang thắt lưng”, tổ chức kiểm điểm các thành viên Bộ Chính trị rất nghiêm túc, từng người tự viết kiểm điểm rồi đứng lên đọc, sau đó các thành viên khác góp ý. Có cuộc kiểm điểm Bộ Chính trị họp tới 10 ngày, góp ý thẳng thắn với từng người, không chỉ về thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao mà còn về lối sống, quan hệ gia đình, xã hội.
Với nhiệt huyết cháy bỏng dành cho việc làm cho Đảng trong sạch trở lại, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được đánh giá người quyết liệt cho việc đặt nền móng để khởi động lại việc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới.
Theo Dân trí