Sự vô cảm lộng hành
Khi xem video clip Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Cảnh sát giao thông (CSGT) xô xát trên đường gây xôn xao dư luận vừa qua hay những clip đánh nhau khác hoặc những chuyện xấu, cái ác xảy ra trên đường phố… mọi người thường tỏ ra phản ứng, rất bất bình, phẫn nộ. Song, đó chỉ là phản ứng bình thường trong nội tâm, thật đắng lòng khi người ta có thể lấy điện thoại quay lại, có thể chen chân để xem một trận choảng nhau, hay cái xấu trên đường nhưng không một ai ra tay ngăn cản hành vi ấy. Có thể nói, họ đã quen những cảnh ẩu đả hay những cái xấu, cái ác xảy ra nơi công cộng; quen đến mức thờ ơ rồi vô cảm lúc nào không hay biết!
Từ học sinh, diễn viên, thầy giáo, cảnh sát, rồi đến cả hai ông quan già cũng đánh nhau!
Nếu như những tháng đầu năm, dư luận bị sốc nặng trước những clip đánh nhau của học sinh liên tiếp xuất hiện trên mạng Internet thì gần đây những clip ấy đã không còn sốc, độc, lạ nữa. Bởi nó chẳng thấm vào đâu trước việc choảng nhau của hai ông già đầy uy tín hồi giữa tháng 6 ở Cà Mau hay gần đây nhất là hai anh cảnh sát xô xát nơi công cộng!
Về việc choảng nhau của hai ông già, tên tuổi hai ông này cùng với cá tra, tôm sú ít nhiều nổi tiếng trong nước vì thường xuyên được giới truyền thông dẫn lời trong những vụ việc liên quan đến những thăng trầm của ngành Chế biến và Xuất khẩu thủy sản; đó là ông đương kim Chủ tịch tên Hải và Phó chủ tịch tên Cường của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, gọi tắt là VASEP. Đây được xem là câu chuyện đáng chê trách nhất năm.
Sẽ có nhiều nguyên nhân khiến hai người đàn ông giải quyết bằng vũ lực nơi công cộng như: ghen tuông, va chạm giao thông, bất đồng quan điểm… Tuy nhiên, đó là hành động bản năng của sự nóng nảy ở những kẻ thất phu nát rượu. Nhưng hai vị lãnh đạo của VASEP không nằm trong những trường hợp như thế. Họ là những người lớn, có học thức lại cùng kề vai sát cánh trong một công việc đang ăn nên làm ra.
Sáng ngày 12/6, họ “tình thân, mến thân” đón nhau đi uống cà phê sáng, trò chuyện những 30 phút trước khi ông Cường cầm bình trà choảng vào mặt ông Hải, ông Hải gục ngã và người thân của ông Hải nhảy vào đánh ông Cường, việc gì đến sẽ phải đến… hỗn chiến xảy ra và cuối cùng hai đồng chí lãnh đạo già cùng nhau nhập viện trong sự bẽ bàng. Vì nông nỗi gì mà hai ông già đánh nhau như thế? Vì nông nỗi gì mà hai người đầy mình uy tín với hàng trăm doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lại hành xử với nhau như mấy anh hàng tôm, hàng cá ngoài chợ vậy!?
Hành động của họ sẽ đáng được cảm thông nếu nguyên nhân xuất phát từ một nỗi niềm sâu thẳm nào đó khiến họ ức chế, không làm chủ được mình. Tiếc rằng, nó đến từ một chuyện chẳng đâu vào đâu.
Theo VASEP công bố sau một ngày hai vị lãnh đạo ẩu đả thì ông Phó chủ tịch Cường được Hiệp hội thống nhất đề nghị tự xin thôi ứng cử chức vụ lãnh đạo nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, có vẻ ông này không tâm phục, khẩu phục nên mới mời ông Chủ tịch Hải uống cà phê nói chuyện phải trái. Nhưng cuộc nói chuyện không có kết quả, trước thái độ quay lưng bỏ đi của đàn anh khi chưa trút hết tâm sự về việc sắp bị mất chức, ông Cường đã trút tâm sự dở dang vào cái bình trà ném thẳng vào mặt ông Chủ tịch Hải khiến ông gục ngã. Đó là một hành động thiếu kiểm soát và thiếu tự trọng. Bởi thay vì có tự trọng, ông Phó chủ tịch Cường nên biết rằng, khi đã hết được cộng đồng tín nhiệm thì ông nên tự rút lui vì mình không còn phù hợp với công việc, chức vụ ấy nữa. Vì sao khẳng định ông không còn phù hợp với vị trí lãnh đạo nữa? Bởi với vai trò là Phó chủ tịch VASEP, người góp phần điều tiết, hài hòa lợi nhuận giữa các doanh nghiệp, là một trọng tài phải có uy tín, khách quan để dung hòa mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp thành viên.
Một người ứng cử vào chức vụ lãnh đạo Hiệp hội đương nhiên phải có những tố chất của sự đĩnh đạc, trầm tĩnh, đủ công tâm. Song điều đó xem ra hiếm có thể có ở một con người sẵn sàng cầm bình trà ném vỡ mặt cấp trên của mình vì cay cú! Sau đó, ngày 17-6, trong cuộc họp báo tại Cần Thơ, ông Cường thừa nhận lỗi đã đánh ông Hải. Ông Cường cũng nêu ra hàng loạt lý do vì sao đánh ông Hải và “tố” ông dung túng việc bơm tạp chất vào tôm… Thật đáng buồn cười, hai ông già và những tư thù, mâu thuẫn cá nhân gì đó trong công việc lại mang ra quán cà phê giải quyết bằng vũ lực, làm trò cười cho thiên hạ!
Cách đây vài tháng, tại một ngôi trường thuộc tỉnh Sóc Trăng cũng xảy ra chuyện hai thầy giáo ẩu đả khi đang coi thi trước hàng ngàn học sinh thân yêu. Trong giới giải trí, những người vẫn thường được không ít giới trẻ gọi là “thần tượng” họ vẫn choảng nhau đến kinh người. Nữ ca sĩ nổi tiếng Phương Thanh cũng khá nổi tiếng trong giới vì tính nóng nảy, cô đã nhiều lần “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” đồng nghiệp nơi công cộng. Và cũng không ít lần bị đồng nghiệp tố cáo…
Và rồi mới đây, hai anh cảnh sát xô xát nhau giữa đường phố đông người. Những vụ việc như vậy có thể không gây ra mất trật tự công cộng một cách nghiêm trọng, song nó đã góp phần làm bình thường hóa sự suy đồi đạo đức trong cộng đồng. Khi các thầy giáo đánh nhau như những kẻ du thủ du thực, khi những quan chức vẫn hay lên tivi phát biểu bao lời hay ý đẹp, những anh cảnh sát, biểu tượng của pháp lý, công lý hay những ngôi sao giải trí là một “thần tượng” luôn long lanh, rực rỡ trong mắt giới trẻ lại dễ dàng hung hăng choảng nhau đến thâm tím mặt mày thì việc những đứa trẻ vùi dập nhau giữa sân trường đã không còn gì là đáng ngạc nhiên. Đó là một sự thật hết sức đắng lòng!
Lương tâm, sự phẫn nộ đã ở đâu?
Sẽ càng xót xa hơn từ những câu chuyện ẩu đả, xô xát nhau nơi công cộng như thế hay nói rộng hơn là những cái xấu, cái ác diễn ra trước mắt bao người, giữa thanh thiên bạch nhật như thế lại hiếm có một hành động nào can thiệp của cộng đồng. Thú thật, hầu hết họ đều dễ dàng để nói bằng lời khi lên án những hành vi ẩu đả tương tự như thế. Song một hành động cụ thể để ngăn chặn thì lại rất hiếm. Với trường hợp của hai anh cảnh sát thì trong lúc sự việc đang xảy ra mọi người đi đường chỉ biết anh vốn là CSCĐ là một “côn đồ” chính hiệu tấn công anh CSGT đang làm nhiệm vụ. Nhưng mọi người đã đứng nhìn một “côn đồ” tấn công CSGT như một chuyện ẩu đả bình thường! Có thể việc ngăn chặn họ với mọi người là một điều khó, bởi hai anh đang xô xát với nhau có dụng cụ, một tuýp sắt trên tay CSCĐ và dùi cui của CSGT. Đó có thể là một cách lý giải cho việc mọi người chỉ đứng xem.
Song, người ta sẽ lý giải thế nào khi mới đây thôi chiều ngày 16/6, chuyện xảy ra ở quận 5 TP HCM hàng chục người ngang nhiên xông vào nhặt tiền của một người đàn ông bị cướp hụt giữa phố đông người, trước hàng nghìn con mắt của người đi đường. Hay lợi dụng lúc xe tải chở trái cây gặp nạn trên đường, người ta lại đổ xô ra để “cướp” trái cây, gây mất trật tự, kẹt xe hàng giờ liền. Thật ra thì ta cũng có thể lý giải là do sợ bị đánh hội đồng! Nếu như vậy thì hành động ngăn cản hai anh CSCĐ và CSGT với việc ngăn cản hàng chục người “hôi của” hành động nào nguy hiển hơn? Sự thật thì không có hành động nào nguy hiểm hơn hành động nào, cái nguy hiểm nhất chính là sự vô cảm của con người.
Song, sự thật thì không phải xã hội ngày nay chỉ chứng kiến sự vô cảm, nhẫn tâm mà vẫn còn đó những tấm lòng nhân ái đáng được biểu dương, học tập. Câu chuyện về hai người nông dân nghèo tên Thanh và em rể tên Tĩnh ở thôn Phú Hậu, xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, Nghệ An nhặt được của rơi 300 triệu đồng đã tìm cách trả lại cho chủ nhân; một câu chuyện đầy nhân văn đang được người dân địa phương bàn tán, khen ngợi suốt tháng qua. Với số tiền đó, cả đời lam lũ nắng mưa nơi đồng ruộng ít ỏi của hai anh cũng không thể kiếm được. Hoàn cảnh nghèo, kinh tế khó khăn là thế nhưng hai anh quá giàu lòng nhân ái. Số tiền quá lớn ấy không thể tác động tí ti nào đến lương tâm của họ. Thậm chí khi được chủ nhân của chiếc cặp đề nghị hậu tạ, hai anh cũng gạt đi không nhận!
Thế nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận một sự thật là sự nhẫn tâm, vô cảm cũng ngày càng đáng sợ. Lòng nhân ái đã ở đâu khi bao nhiêu hành khách chỉ có thể nhìn một tên phụ xe trên một chuyến xe khách ở Điện Biên hành hung hành khách và đặc biệt là đã dùng chân đạp mạnh vào bụng một thai phụ, khiến chị đau đớn, ôm bụng khóc. Mặc cho người thân quỳ lạy van xin, tên phụ xe ấy còn văng những lời khiếm nhã, vô văn hóa. Người thân gọi điện cho chủ xe thì chủ xe bảo: “Anh không biết đâu” rồi cúp máy. Thai phụ ôm bụng vừa khóc vừa kêu đau, người nhà chị đề nghị nhà xe viết đơn cam đoan phải đưa thai phụ kiểm tra thai nhi ngay nhưng nhà xe làm ngơ rồi cho xe chạy đến sáng hôm sau. Khi chứng kiến cảnh đó đã có biết bao nhiêu người phẫn nộ.
Sự nhẫn tâm đáng sợ đến thế. Điều khiến người ta phải gai người hơn chính là sự thờ ơ của cộng đồng khi vô cảm trước cái xấu. Dưới những tường thuật những câu chuyện về cái xấu, kể cả sự vô cảm bao giờ cũng có rất nhiều bình luận của độc giả. Những lời lên án, những sự phẫn nộ và không ít những niềm cảm thông. Đọc những dòng bình luận đó, người ta có thể an tâm vì trên đời vẫn còn nhiều người có lương tâm, biết phẫn nộ trước cái ác, biết đau lòng trước số phận không may của nạn nhân. Có bao giờ chúng ta hỏi lương tâm đó ở đâu, sự phẫn nộ đó ở đâu khi không có ai can ngăn một “côn đồ” đang tấn công một CSGT trên đường? Lương tâm và sự phẫn nộ ở đâu khi hàng trăm người đứng nhìn hàng chục con người tham lam và độc ác nhảy xổ ra cướp những đồng tiền của người đàn ông đang thẫn thờ giữa phố?!… Lương tâm ở đâu khi họ đứng nhìn nhiều người vơ vét trái cây trên chiếc xe tải xấu số nằm lăn trên đường và tính mạng của bác tài thì không biết ra sao? Có thể nói, sự phẫn nộ, bất bình chỉ là phản ứng nội tâm có thể khởi phát trong bất kỳ một con người nào khi nhìn đồng loại mình bị hành xử tàn bạo, vô nhân tính. Tuy nhiên, sự phẫn nộ và lương tâm ấy đã không là động cơ để biến thành hành động theo lẽ phải là ngăn chặn cái xấu, cái ác. Nó chỉ khởi lên rồi nhanh chóng tắt!
Vì sao chúng ta thiếu động cơ làm người tốt?
Bạn sẽ làm gì khi có mặt nơi điều xấu xảy ra? – Câu hỏi đó rất hiếm khi nếu không nói là không hề xuất hiện trong những dòng bình luận dưới mỗi bài viết về điều xấu xảy ra trên đường. Cũng hiếm có nhà nghiên cứu xã hội học nào đề cập đến. Cũng dễ hiểu thôi vì sẽ không mấy ai sẵn sàng trả lời một cách thành thật. Họ đều dễ dàng khi nói về sự “chia sẻ sâu sắc” hay “cực lực lên án” trước những hành vi xấu ấy. Tuy nhiên, một hành động cụ thể để ngăn chặn điều ác thì rất hiếm xảy ra. Vì sao trên đời này không còn anh hùng Lục Vân Tiên? Rất nhiều lý lẽ để biện minh cho sự thờ ơ của chúng ta trước cái xấu.
Ông PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện chia sẻ rằng: “Trong một không gian sống có quá nhiều rủi ro, người ta tự nhiên sẽ có xu hướng bộc lộ và phát huy khả năng tự vệ theo triết lý sống sơ cấp ích kỷ là “hồn ai nấy giữ”, “đèn nhà ai nấy sáng”. Thái độ dè chừng, ngán ngại không dám can thiệp của tất cả những người chứng kiến cuộc ẩu đả giữa viên sĩ quan CSCĐ mặc thường phục và viên CSGT, như được ghi nhận trong video clip phát trên mạng Internet vừa qua là một minh chứng cụ thể!”. Và thực tế cũng đã chứng minh những lý lẽ ấy rất thuyết phục và lời dạy của cha mẹ đối với con cái khi ra đường bao giờ cũng là… tránh xa mọi rắc rối nếu muốn yên thân!
Làm người tốt, có nghĩa là luôn gặp rắc rối! Dẫu không dễ chịu khi thừa nhận nhưng điều đó dường như đã trở thành một bài học làm người cơ bản trong mỗi gia đình, xã hội ngày nay. Không để bị rắc rối vì làm người tốt đó là một lựa chọn hết sức khôn ngoan khi người ta đặt mọi giá trị lên bàn cân giữa Được và Mất. Cái xấu, sự độc ác hay lòng tốt đều có động cơ để hình thành. Và người ta có rất ít động cơ cho lòng tốt khi mà giá trị của lòng tốt không còn được quan tâm trong hệ thống giá trị của con người. Không có bất cứ một tình cảm nào là vô điều kiện. Lòng tốt cũng vậy. Người ta chỉ sẵn sàng xả thân vì người khác khi có tình yêu đối với con người, tình yêu đối với lý tưởng sống của mình, có nhu cầu thực sự được làm một người tốt. Nhưng, nhu cầu ấy không còn là đòi hỏi bức thiết đối với nhiều người nữa. Có quá nhiều nhu cầu vật chất khiến con người ta phải mê mải chạy theo. Mục đích kiếm tiền và tạo dựng quyền lực khiến chúng ta không còn thời gian để quan tâm đến chính những người thân của mình, chưa nói đến một người qua đường.
Có thể nói vòng tròn tình yêu mỗi ngày một nhỏ hẹp, họ chỉ quan tâm đến gia đình mình mà không cần để ý đến môi trường xung quanh và điều đó khiến nhiều người trở nên hẹp hòi, mất hẳn động cơ làm người tốt, rồi họ trở nên vô cảm lúc nào mà không hề hay biết! Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, nhà nghiên cứu xã hội học tội phạm (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) đã đưa ra một kết luận rùng mình rằng: “Tất cả mầm mống tội ác đều phải được nuôi dưỡng từ trước. Và cái nôi của nó chính là sự vô cảm”. Vì thế một xã hội chứa đựng nhiều vô cảm chính là câu trả lời vì sao mà ngày nay cái xấu, cái ác lại có thể dễ dàng bộc phát đến như vậy!
Không còn động cơ cho lòng tốt! Nếu khẳng định như vậy, phải chăng giờ đây cộng đồng phải chấp nhận sống chung với cái xấu, với sự vô cảm? Nếu nhìn nhận một cách lạnh lùng và thực tế thì: Đúng là như vậy! Bởi đó là quy luật, là điều phải đến trong một giai đoạn phát triển nhất định của bất kỳ đất nước nào. Khi mà cả xã hội của chúng ta đang phải chạy đua để cạnh tranh về tiền bạc, về quyền lực và những giá trị vật chất khác. Lòng tốt hoàn toàn không có chỗ trong cuộc đua này.
Theo một sách về đạo lý làm người mà tôi từng đọc đại ý rằng, lòng nhân ái chỉ trở lại khi mà sau bao nhiêu nỗ lực tìm kiếm các giá trị vật chất, chúng ta thấy được rằng tất cả đều vô nghĩa khi hằng ngày chúng ta phải đối mặt với cái ác, với sự vô cảm giữa ngườivới người trong cộng đồng. Khi đó lòng tốt sẽ trở lại như một giá trị để cứu rỗi cuộc đời!
Lê Trúc