Các dự án điện gió ngoài khơi ở các thị trường phát triển sẽ không cần đến trợ cấp nhà nước
(PetroTimes) - Theo kết quả nghiên cứu về tính kinh tế trong phát triển điện gió ngoài khơi giai đoạn 2015 - 2019 tại Anh và 4 nước EU, các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết, các dự án điện gió ngoài khơi ở những thị trường phát triển sẽ không cần trợ cấp từ chính phủ.
Tiêu thụ điện than của Mỹ ở mức thấp nhất kể từ năm 1964 |
Abu Dhabi sẽ xây dựng nhà máy điện mặt trời mạnh nhất thế giới |
Hiện nay, nhiều dự án điện tái tạo đã và đang được chính phủ các nước trợ cấp bằng nhiều hình thức khác nhau. Điều này khiến người tiêu dùng cho rằng các nguồn điện tái tạo làm tăng hóa đơn tiền điện của họ.
Tại Anh, chính phủ và các nhà phát triển điện gió ngoài khơi đang sử dụng "Hợp đồng chênh lệch" (Contract of Differences - CfDs) đối với thị trường điện bán buôn. Theo đó, nếu giá bán buôn của chủ đầu tư cao hơn mức giá đã được xác định trong hồ sơ đấu thầu, chủ đầu tư phải thanh toán chi phí chênh lệch về giá cho chính phủ. Trong trường hợp ngược lại, khi giá bán buôn của chủ đầu tư thấp hơn giá trong hồ sơ đấu thầu, chính phủ phải thanh toán phí chênh lệch cho chủ đầu tư.
Các nhà khoa học đã phân tích các kịch bản có thể xảy ra cho thị trường điện bán buôn và đi đến kết luận rằng, giá điện gió ngoài khơi có thể thấp hơn giá điện bán buôn trung bình ở Anh trong suốt vòng đời của dự án. Điều này có nghĩa là các dự án điện gió ngoài khơi ở các thị trường phát triển giờ đây không cần tới trợ cấp chính phủ, thậm chí nếu áp dụng hợp đồng CfDs nêu trên, nhà nước có thể sẽ phải thanh toán khoản chênh lệch giá cho chủ đầu tư.
Viễn Đông