Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đem lại rủi ro gì cho thế giới?
Sự suy giảm nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc không chỉ gây ảnh hưởng tới tương lai 2 quốc gia, mà còn tác động đến phần còn lại của thế giới.
Căng thẳng Mỹ-Trung đang ảnh hưởng tới mọi mặt của thế giới. (Nguồn: AFP) |
Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có ngân sách dành cho quốc phòng lớn hơn rất nhiều so với các cường quốc còn lại. Hai quốc gia này có những lợi ích xen kẽ chặt chẽ, từ những con chip công nghệ cao cho đến quyền tự do hàng hải.
Diễn biến của cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng phức tạp và đa dạng. Việc Trung Quôc vừa ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô được xem như động thái đáp trả lại việc Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston trước đó.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang ở giai đoạn gấp rút, quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới được dự đoán sẽ tiếp tục leo thang và sẽ ngày một tồi tệ hơn. Trong đó, những lĩnh vực như thương mại, công nghệ và an ninh sẽ tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi “nảy lửa” nhất. Sự suy giảm nghiêm trọng quan hệ song phương không chỉ gây ảnh hưởng tới tương lai 2 quốc gia, mà còn tác động đến phần còn lại của thế giới.
Thương mại
Cả hai quốc gia đều phải chịu những tổn thất nặng nề do cuộc cạnh tranh thương mại nổ ra vào năm 2018. Cuộc cạnh tranh này bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, do tham vọng trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu của Trung Quốc; Thứ hai, do Mỹ chứng kiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc liên tăng cao “như diều gặp gió”, nhất là kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO.
Nếu các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không đạt được kết quả khả quan, thế giới sẽ phải đối mặt với những sức ép nặng nề, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo vì đại dịch Covid-19.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, kể cả sau khi Tổng thống Donald Trump áp đặt hàng loạt hàng rào thuế quan lên hàng hoá của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ, đồng thời là một thị trường sản xuất hàng hoá và dịch vụ khổng lồ của các công ty Mỹ, bao gồm từ General Motors cho đến Burger King.
Năm 2019, sức mua của Trung Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, chất bán dẫn và các hàng hoá khác từ Mỹ đã giảm 11,4% nhưng vẫn vượt mốc 100 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc, chỉ dưới 1 triệu người lao động Mỹ hưởng lợi từ các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của bang Iowa và các bang nông nghiệp khác của Mỹ. Những bang này đã chịu thiệt hại nặng nề sau khi Bắc Kinh dừng việc nhập khẩu đậu nành và tăng thuế đối với thịt lợn và các mặt hàng nông sản khác. Nhờ đó, các nhà xuất khẩu đậu tương tại Brazil và Argentina đã tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh doanh số. Nhưng xu hướng này không tồn tại được lâu do ngày 15/1 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã ký thành công thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó Bắc Kinh cam kết sẽ mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Washington (bao gồm 32 tỷ USD hàng nông sản) trong 2 năm, nhiều hơn so với năm 2017.
Nếu Washington và Bắc Kinh không thể giải quyết những bất đồng thương mại trong thời gian tới, điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu của 2 nước, mà còn tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế châu Á, những nước đang cung cấp nguyên liệu thô và phụ kiện cho các nhà máy Trung Quốc.
Công nghệ
Các nhà sản xuất viễn thông, máy tính, y tế và các công nghệ khác của Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ đan xen chặt chẽ. Các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Dell, Hewlett-Packard,… phụ thuộc khá lớn vào các nhà máy của Trung Quốc trong việc lắp ráp điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị điện, điện tử tiêu dùng khác. Ngược lại, những nhà máy này cũng cần nhập khẩu chip xử lý và linh kiện từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu.
Sự chia rẽ trong quan hệ hai nước đến từ những động thái gay gắt của chính quyền Mỹ, nhằm ngăn chặn các công ty công nghệ Trung Quốc. Nổi bật nhất là các lệnh cấm nhằm lên Huawei, công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, tiếp cận các công nghệ và linh kiện của Mỹ. Hậu quả, doanh thu các nhà cung cấp dịch vụ và công nghệ Mỹ, đặc biệt là tại Thung lũng Sillicon, đã bị thiệt hại nặng nề, lên tới hàng tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường số một của Apple và nhiều hãng công nghệ khác của Mỹ, nhưng đang ngày một trở thành đối thủ đáng gờm với những hãng điện thoại thông minh, thiết bị y tế riêng và các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Trong khi đó, Mỹ là thị trường hàng đầu cho những sản phẩm trị giá gia tăng cao nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh đang thúc đẩy các nhà xuất khẩu đi tìm những thị trường khác, nhưng một số người cho rằng châu Á và ngay cả châu Âu sẽ không đặt mua những mặt hàng này.
Chiến hạm USS Decatur của Hải quân Mỹ. (Nguồn: US Navy) |
An ninh
Trong khi Mỹ là cường quốc quân sự hàng đầu ở khu vực Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung, Trung Quốc hiện nay cũng đang sở hữu hai tàu sân bay tác chiến và một kho tên lửa, được coi là mối đe dọa đối với tàu thuyền và các căn cứ Mỹ ở khu vực.
Căng thẳng quân sự giữa hai bên phần lớn tập trung ở khu vực Biển Đông, một tuyến giao thông đường biển trọng yếu, và hiện tại là nơi tranh chấp chủ quyền căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia châu Á, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.
Năm 2018, một tàu khu trục Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm và cản trở một tàu khu trục USS Decatur của Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở Trường Sa. "Một tàu khu trục lớp Luyang (Type-052C) của Trung Quốc đã tiếp cận tàu USS Decatur theo cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp tại khu vực gần đá Ga Ven trên Biển Đông", CNN ngày 1/10 dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Charles Brown.
Tàu chiến Trung Quốc thực hiện hàng loạt động tác cơ động càng lúc càng hung hăng, kèm những cảnh báo yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực. Có thời điểm chiếc Type-052C chỉ cách mũi tàu USS Decatur khoảng 41 m, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.
Tháng 4/2001, một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã va chạm với một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ trong vùng không phận quốc tế trên Biển Đông. Vụ việc đã kéo theo 11 ngày căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc với cả hai phía đổ trách nhiệm cho nhau. Trung Quốc còn bắt giữ 24 thành viên phi hành đoàn trên máy bay trinh sát Mỹ.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng là một điểm nóng tiềm tàng khác trong quan hệ hai nước. Trung Quốc cho rằng vùng lãnh thổ tự trị này thuộc lãnh thổ của mình và sẽ được quân sự hóa nếu cần thiết. Mỹ đã can thiệp và đảm bảo hòn đảo này có một hệ thống phòng thủ hiệu quả và đã đồng ý bán vũ khí cho Đài Loan dưới thời Tổng thống Trump.
Đầu tháng 7, Washington đã có một bước đi táo bạo bằng việc tuyên bố Mỹ không công nhận hầu hết những đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây được xem là sự phá vỡ chính sách trước đó của Mỹ về việc không chọn bên trong các tranh chấp chủ quyền.
Theo Hạnh Chi (Báo Quốc tế)