BCĐ 389 Quốc gia: Xử lý 75.264 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 11.291 tỷ đồng
(PetroTimes) - Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 11.291 tỷ đồng...
Làm rõ trách nhiệm của địa phương trong vụ kho hàng lậu khủng ở Lào Cai |
Chiều 23/7, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức họp báo thông tin kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách nhà nước 11.291 tỷ 708 triệu đồng (tăng 83% so với cùng kỳ), khởi tố 1.128 vụ (giảm 14% so với cùng kỳ), 1.346 đối tượng (giảm 13% so với cùng kỳ). Nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Một số vụ việc điển hình như: Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chủ trì bắt kho hàng rộng hơn 10.000 m2 tại Lào Cai, thu giữ hơn 160.000 sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ vi phạm pháp luật; Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp các lực lượng phát hiện, thu giữ 473 kg ma túy tổng hợp, bắt giữ 7 đối tượng; Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an vụ bắt giữ 20 tấn lợn nhập lậu tại Long An…
Kho hàng lậu 10.000 m2 tại Lào Cai |
Kết quả đạt được có sự phối hợp chặt chẽ của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, các lực lượng chức năng đã tập trung lực lượng, tăng cường công tác nghiệp vụ theo lĩnh vực, địa bàn được phân công, đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyên đề trọng điểm: Triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội... đáp ứng cơ bản mục tiêu yêu cầu chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2020 đã đề ra.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt hàng giả, hàng nhái, hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ còn diễn ra phức tạp, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế chính sách, phối hợp lực lượng, trang bị phương tiện... Nhưng quan trọng nhất vẫn là tinh thần, trách nhiệm của các đơn vị chức năng và cán bộ thực thi công vụ.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, sẽ tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tăng cường nâng cao năng lực của các bộ, ngành, địa phương gắn với tăng cường công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy lùi loại hình vi phạm pháp luật này.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời báo chí về tổng kho hàng lậu 10.000 m2 ở TP Lào Cai, ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó chánh văn phòng Tổng cục QLTT cho biết, vụ việc có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, cụ thể tới đâu theo ông Minh còn phải chờ kết luận điều tra. Trong tháng 8 này, sẽ yêu cầu lực lượng QLTT địa phương phải trả lời, làm rõ tại sao lại có kho hàng lớn và tồn tại gần 2 năm như vậy mà không hay biết.
Phó chánh văn phòng Tổng cục QLTT cũng thông tin, nhóm đối tượng này chọn vị trí và sử dụng hình thức bán hàng qua mạng nên chỉ trả chi phí chạy quảng cáo trực tuyến (khoảng gần 400 triệu đồng/tháng) và cước điện thoại. Tuy nhiên, nhân công lại rẻ và thuận lợi cho việc tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Qua rà soát từ tháng 10/2018 tới nay, Tổng cục QLTT cho biết, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của nhóm đối tượng này là hơn 649 tỷ đồng. Đây là vụ bán hàng giả, hàng lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đơn vị này đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ kho hàng.
Xuân Hinh