Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng mạnh
Lợi nhuận của nhiều ngân hàng như VIB, VPBank, HDBank.. trong quý II vẫn tăng trưởng hai chữ số, một phần nhờ chính sách cơ cấu nợ theo Thông tư 01.
Trái với dự báo tiêu cực của giới chuyên gia, báo cáo của FiinGroup tổng hợp cho thấy, nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao trong quý II như VIB (41%), VPBank (38%), HDBank (40%), Vietinbank (39%), TPBank (30%).
Đây là những nhà băng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng. Riêng TPBank gần đây nổi lên là "ngôi sao" trong việc phát hành và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh ghi nhận tăng trưởng tín dụng chậm lại thì các nhà băng tư nhân mạnh về bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng vẫn tăng trưởng tín dụng tốt như TPBank (11%), VIB (6%), MB,VPBank (5%) và Techcombank (4,8%).
Báo cáo của FiinGroup tổng hợp cũng cho biết, trong 10 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh ước tính nửa đầu năm, 5 nhà băng đã đạt trên 50% kế hoạch năm gồm VPBank (65% - báo cáo 6 tháng), VIB (55%), ACB (52%) và MBB, SHB (50%).
Ngoại trừ MBB và SHB ghi nhận sự giảm nhẹ, lợi nhuận của 8 ngân hàng đã công bố đều tăng trưởng tốt trong quý II và 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Xét cả năm 2020, báo cáo của FiinGroup tổng hợp số liệu từ 18 ngân hàng niêm yết (98% vốn hoá nhóm ngân hàng) cho thấy, lợi nhuận trung bình của ngành năm nay dự kiến tăng gần 5% so với 2019. Một số ngân hàng thương mại quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank chưa đặt chỉ tiêu lợi nhuận mà sẽ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn số liệu: FiinGroup |
Kết quả kinh doanh này "sáng" hơn so với dự báo trước đây của FiinGroup, được lý giải một phần do nhiều nhà băng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 01.
Khi các khoản nợ cơ cấu lại được hạch toán theo đúng bản chất, lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi nợ xấu cao dẫn đến tăng trích lập dự phòng. Phó giám đốc của một ngân hàng có vốn nhà nước cũng lo ngại trong thời gian tới, nợ xấu phát sinh có thể khiến dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, "bào mòn" lợi nhuận của ngân hàng.
Do đó, ảnh hưởng của Covid-19 chưa được phản ánh đầy đủ vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm nay, đặc biệt với các nhà băng chưa chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tiềm ẩn.
FiinGroup cho rằng, tác động của Covid-19 đối với chất lượng tín dụng (đồng nghĩa là tác động đến lợi nhuận) của ngành ngân hàng tại Việt Nam sẽ có độ trễ nhất định.
Như lần khủng hoảng 2008, chi phí dự phòng có độ trễ khoảng 4 quý (và cả việc thông qua cơ chế trái phiếu đặc biệt VAMC mà hiện phần lớn ngân hàng đã giải quyết xong nhưng có ngân hàng vẫn còn phân bổ đến tận năm vừa qua). Vì thế, chi phí dự phòng cho các khoản nợ tiềm ẩn được phẩn bổ vào các quý trong tương lai và tùy theo các thay đổi của chính sách hạch toán của ngân hàng.
Theo VnExpress.net