Thua lỗ lớn, doanh nghiệp có xu hướng giảm sản lượng xăng dầu bán ra
Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã nhập khẩu xăng dầu với mức giá cao, sau đó tồn kho, phải bán với mức giá thấp trong thời gian qua dẫn đến thua lỗ lớn nên có xu hướng giảm sản lượng bán ra.
Trong báo cáo tổng hợp tình hình 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương cho biết vừa qua có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ tại một số địa bàn thuộc các tỉnh, thành phố như: Đắk Lắk, Gia Lai, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Sơn La, Hà Nội.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm, đặc biệt sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh.
Theo số liệu báo cáo của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu tháng 5 năm 2020 đã tăng 50-60% so với cùng kỳ năm 2019, tiêu thụ xăng dầu 10 ngày đầu tháng 6/2020 tăng 20-30% so với cùng kỳ tháng 5/2020.
Một cửa hàng xăng thông báo hết xăng vì khan hiếm nguồn cung trước kỳ điều chỉnh giá mới hồi tháng 5/2020. Ảnh: N.Mạnh. |
“Nhu cầu tăng mạnh nên đã có hiện tượng một số chủng loại xăng dầu bị hết cục bộ tại một số cửa hàng trong một số thời điểm, tuy nhiên, không phải hiện tượng phổ biến”, Bộ Công Thương cho biết.
Ngoài ra theo Bộ Công Thương, các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế hiện đang cắt giảm công suất, tận dụng thời gian xảy ra dịch bệnh để bảo dưỡng khiến nguồn cung xăng dầu thành phẩm bị sụt giảm.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều hành theo diễn biến giá thế giới và được đưa về mức khá thấp trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2020 vừa qua; từ giữa tháng 5/2020, mức điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước thấp hơn mức biến động tăng của giá thế giới.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã nhập khẩu xăng dầu với mức giá cao (từ trước thời gian có dịch bệnh Covid-19) sau đó tồn kho và phải bán với mức giá thấp trong thời gian vừa qua dẫn đến thua lỗ lớn nên có xu hướng giảm sản lượng bán ra”, Bộ Công Thương cho biết.
Ngay sau khi nắm được tình hình, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo hai Nhà máy lọc dầu trong nước (Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn) tăng công suất sản xuất, sớm hoàn thành việc bảo dưỡng để cung cấp đủ lượng hàng đã ký kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước.
Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu kịp thời điều tiết nguồn hàng cho các địa bàn có hiện tượng một số cây xăng không bán hàng hoặc bán cầm chừng tại Đắc Lắc, Gia Lai, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Sơn La, Hà Nội…
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiến hành xác minh, nắm thông tin nhanh tại các địa bàn, đồng thời yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá làm hạn chế việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Theo Dân trí