Mượn và cho mượn
Chuyện “cáo mượn oai hùm” xưa nay không hiếm và người đời không mấy lạ lẫm với thói xấu và tác hại của trò này. Thế nhưng thời này lại đang có trò diễn mới, “hùm cho cáo mượn oai” để tác quái, kiếm chác danh lợi, hù dọa công quyền.
Báo chí vẫn có thông tin về những mẩu thư tay, cuộc gọi gấp, lời nhắn nhanh… can thiệp vào việc xử lý mà nhiều nhất là vi phạm luật an toàn giao thông đến xét xử án dân sự và cả hình sự. Nghiêm trọng hơn như một vụ cướp sòng bạc quy mô lớn ở thành phố nọ đã được khởi tố nhưng có vẻ như bỏ qua các con bạc là “thiếu gia” của quan chức tỉnh, nên Cơ quan Kiểm sát tối cao đã chỉ đạo và yêu cầu cơ quan cấp dưới ở địa phương báo cáo. Các chiến sĩ cảnh sát giao thông cho biết chuyện “bị” nghe điện thoại nhờ cậy, xin xỏ, đề nghị “tha” cho đối tượng vi phạm luật giao thông xảy ra như cơm bữa. Vậy nên, ở TP Hồ Chí Minh mới có quy định; CSGT không mang theo điện thoại di động trong khi thi hành nhiệm vụ.
Dư luận rất quan tâm đến thông tin mới đây, tại Hội nghị Triển khai Trật tự an toàn giao thông quốc gia năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Đại Quang đã kiến nghị Chính phủ quy định nghiêm cấm lãnh đạo các cấp, cán bộ, viên chức không được can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông. Hy vọng rằng, Chính phủ sẽ sớm có quy định nghiêm ngặt về việc này nhằm truy tận gốc. “Luật” hóa việc ngăn ngừa vấn nạn can thiệp mà thực chất là nạn cho cáo mượn oai.
Một số bạn đọc đã thống kê các vụ “tai bay vạ gió” của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Giám đốc Công an TP Hà Nội, khi liên tiếp bị những người vi phạm luật lệ giao thông tự xưng là họ hàng nhằm được giải quyết cho qua hoặc để hù dọa CSGT.
Đó là các vụ việc như sau: Đêm ngày 22/8, tại khu vực ngã tư Hàng Khay, Tràng Thi – Lê Thái Tổ, Hà Nội, đối tượng Nguyễn Chí Linh (17 tuổi, ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã có hành vi “chống đối người thi hành công vụ. Khi bị khống chế, đối tượng này dám xưng danh: “Làm sao! Tôi là cháu chú Nhanh đây!”. Kẻ mạo danh này vẫn còn lảm nhảm sẽ gọi điện cho “chú Nhanh” để can thiệp.
Tối ngày 9/10, Nguyễn Thị Minh Tâm (30 tuổi, ở xã Quỳnh Sơn, Quỳnh Phụ, Thái Bình) ngồi sau xe máy BKS 29L1 – 080.94 của Nguyễn Văn Dũng (34 tuổi ở Mễ Trì, Từ Liêm) đi trên đường Hoàng Minh Giám, Hà Nội. Cả hai không đội mũ bảo hiểm.
Khi bị lực lượng Công an dừng xe, xử lý vi phạm, Dũng lớn tiếng dọa nạt. Tâm còn dọa từng là nhà báo rồi lấy điện thoại gọi cho Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh vu khống tổ công tác đánh người chảy máu mũi, máu mồm công dân đi đường.
Hóa ra thị Tâm không phải là nhà báo và có sử dụng ma túy.
Đêm ngày 8/11, tổ công tác đặc biệt Y3/141 kiểm tra hành chính chiếc ôtô BKS 16L – 8688 do tài xế Hoàng Ngọc Quân (36 tuổi, trú tại đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển, chở 3 thanh niên khác. Đối tượng Phạm Mạnh Hùng (27 tuổi, thường trú tại số 6C, đường Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bị còng bằng khóa số 8, nhưng vẫn tiếp tục de dọa cảnh sát đang thi hành công vụ.
Thấy bạn bị còng tay, một đối tượng đi cùng Hùng lớn tiếng đe dọa, xúc phạm lực lượng cảnh sát và gọi điện cho “người thân”, nhờ thông báo cho “bác Nhanh” để cho “một số cảnh sát nghỉ việc”.
Tối ngày 17/11, tại ngã tư Xuân Thủy – Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội, tổ công tác đặc biệt 141, CATP Y4/141 phát hiện hai thanh niên đi xe máy 30X – 8487 do Nguyễn Văn Hoàn điều khiển vi phạm luật giao thông, có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành chặn giữ kiểm tra. Đối tượng đi cùng xe với Hoàn là Trịnh Ngọc Tú có những lời lẽ xúc phạm tổ công tác. Không những thế, Tú còn tự xưng là cháu Trung tướng Nhanh và lao vào tát công an rồi bỏ chạy.
Tiếp đó, đến chiều ngày 13/12, tổ công tác Y4/141 – CA Hà Nội đã ra hiệu lệnh dừng chiếc xe BMW X6 màu đen, không biển kiểm soát, chở 4 người trên xe đi từ hướng Âu Cơ – Thanh Niên. Lái xe và phụ nữ ngồi ghế phụ lập tức giới thiệu là người nhà Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc CAHN và Đại tá Nguyễn Đức Chung – Phó GĐ CAHN…
Các vụ mạo nhận kiểu “cáo mượn oai hùm” này đều lộ vở, đích thân Tướng Nhanh yêu cầu xử lý nghiêm khắc các vụ sai phạm và mạo nhận này.
Không biết bao giờ mới hết trò mượn và cho mượn oai danh trong ứng xử đây?
Bảo Dân