Kỳ vọng sức bật xuất khẩu từ EVFTA
(PetroTimes) - Việc Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. EVFTA là tiền đề để Việt Nam tham gia sân chơi lớn trên thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 cả nước ước đạt 21 tỉ USD, tăng 9,5% so với tháng 5; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,4 tỉ USD, tăng 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,6 tỉ USD, tăng 13,7%.
EVFTA sẽ là kỳ vọng cho xuất khẩu Việt Nam |
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 giảm 2%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 6,4%.
Quý II/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 57,98 tỉ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và giảm 8,3% so với quý I/2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 238,4 tỉ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 121,2 tỉ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu đạt 117,2 tỉ USD, giảm 3%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19 nhưng xuất siêu của Việt Nam vẫn đạt mức 4 tỉ USD.
Theo ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) - thời gian qua, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh cũng như tình hình thị trường để chủ động xem xét, ban hành nhiều chỉ thị, quyết định cũng như triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Không những thế, Bộ Công Thương liên tục bám sát tình hình từ những ngày cuối tháng 1 và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc tại cửa khẩu phù hợp với diễn biến tình hình thị trường Việt Nam cũng như thị trường các nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Đặc biệt, việc Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua EVFTA sẽ tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. EVFTA là tiền đề để Việt Nam tham gia sân chơi lớn trên thế giới. Song song với đó là yêu cầu về an toàn chất lượng hàng hóa nội địa và hàng xuất sang nước ngoài cũng cao hơn.
Các quốc gia trên thế giới luôn có yêu cầu cụ thể về chất lượng sản phẩm qua những quy định áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài cho hàng hóa nhập khẩu. Chính điều này đặt ra vấn đề đáng quan tâm: Nếu doanh nghiệp muốn hàng hóa nhanh chóng vươn ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các tiêu chuẩn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch Covid-19 tái phát.
Hạnh Mai