Trung Quốc tập trận ở Biển Đông: Động thái khiêu khích cao độ, không có lợi cho nỗ lực duy trì ổn định
Dư luận quốc tế cho rằng việc Trung Quốc thực hiện tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa đã đi ngược lại với quy tắc ứng xử ở Biển Đông và không có lợi cho các nỗ lực chung duy trì sự ổn định khu vực.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp. (Nguồn: CSIS) |
Ngày 1/7, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã bắt đầu tập trận ở Biển Đông tập trung vào các hoạt động tấn công đổ bộ. Trước khi cuộc tập trận diễn ra, một tàu tấn công đổ bộ của PLAN đã xuất hiện ở Đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam-PV).
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, tàu trực thăng đổ bộ Type 071 đã đậu ở cảng Phú Lâm ngày 27/6, cùng với 3 tàu nhỏ khác. Tàu Type 071 xuất hiện có nghĩa là sẽ có các chiến dịch tấn công đổ bộ và 3 tàu nhỏ hơn có thể là các tàu quét mìn. Dữ liệu theo dõi các tàu thuyền cho thấy, các cuộc tập trận đang diễn ra không chỉ có sự tham gia của PLAN mà còn có cả Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc.
Các cuộc trập trận được thực hiện sau khi Cơ quan An toàn Hàng hải (MSA) của tỉnh Hải Nam tuyên bố thiết lập một vùng cấm đi lại ở phía Đông Nam của đảo Hải Nam trên Biển Đông cho tới tận ngày 5/7.
Trong những năm gần đây, PLAN đã thường xuyên thực hiện các cuộc tập trận quân sự lớn ở vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam và họ cũng thường thiết lập các vùng cấm đi lại trên biển để thực hiện các cuộc tập trận này.
Việc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc - trên danh nghĩa là lực lượng dân sự thực thi luật trên biển - tham gia vào cuộc tập trận hải quân lần này là một diễn biến mới. Động thái diễn ra sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc chấp thuận những thay đổi về luật quản lý Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân hồi đầu tháng 6 - đây là lần sửa đổi luật đầu tiên trong 11 năm qua của Trung Quốc. Theo đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc, vốn là một bộ phận của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, được cho phép tham gia vào các hoạt động dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương nếu xảy ra chiến tranh.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đã và đang tăng cường hoạt động ở Biển Đông trong những năm gần đây và có liên quan tới nhiều vụ va chạm với tàu thương mại và tàu hải quân của các nước khác, bao gồm cả những quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Hiện không rõ các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đóng vai trò gì trong các cuộc tập trận tấn công đổ bộ. Lực lượng này không có các tàu có lượng dãn nước lớn tương đương các tàu chiến hải quân nhỏ.
Ngày 2/7, Lầu Năm Góc đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, nói rằng, động thái này sẽ khiến tình hình khu vực thêm bất ổn. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn: "Tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông không có lợi cho những nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định".
Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ: "Các cuộc tập trận quân sự này là động thái mới nhất trong một chuỗi các hoạt động của Trung Quốc nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền hàng hải trái với luật pháp và đặt các nước láng giềng Đông Nam Á vào tình thế bất lợi ở Biển Đông". Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và tìm cách đe dọa các nước láng giềng châu Á.
Cũng trong ngày 2/7, Việt Nam và Philippines đã chỉ trích việc Trung Quốc tổ chức tập trận ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, cảnh báo rằng, động thái này có thể gây căng thẳng tại khu vực và ảnh hưởng tới quan hệ của Bắc Kinh với các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, đã phát biểu rằng, các cuộc tập trận của Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV) là động thái "gây khiêu khích cao độ", gây bất lợi cho quan hệ Bắc Kinh với ASEAN. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, cuộc tập trận của Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Việt Nam. "Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động này trong tương lai", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Nhiều nước trong khu vực đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc vươn quá xa tại Biển Đông và không tôn trọng các đường biên giới được quy định theo luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói, việc Trung Quốc tổ chức tập trận ở ngoài phạm vi vùng biển của họ là điều không thể chấp nhận được. Ông phát biểu trong một hội nghị an ninh: "Điều này rất đáng lo ngại. Làm như vậy tại các khu vực tranh chấp sẽ gióng lên hồi chuông báo động cho tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền. Đây là động thái khiêu khích cao độ".
Theo Báo Thế giới & Việt Nam