Tăng trưởng tín dụng sẽ “bật” lên vào cuối năm?
(PetroTimes) - Có ý kiến cho rằng, sắp tới đây làn sóng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam để tận dụng Hiệp định EVFTA có thể sẽ mạnh hơn. Theo đó, sẽ tạo ra công ăn việc làm mới cho người lao động, hồi phục sức mua trong xã hội, cầu đầu tư tín dụng, tiêu dùng cũng sẽ tăng theo, tăng trưởng tín dụng sẽ bật tăng vào cuối năm.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, kéo theo cầu tín dụng sụt giảm mạnh.
Bức tranh tăng trưởng của các ngân hàng vẫn còn nhiều gam màu tối |
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, hoạt động của các ngân hàng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo số liệu cập nhất mới nhất của NHNN, đến ngày 16/6/2020, tín dụng tăng 2,13% so với đầu năm, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng nói, không chỉ tăng trưởng thấp, một số ngân hàng trong đó có ngân hàng lớn tín dụng còn đang tăng trưởng âm. Ngay cả một ngân hàng luôn có mức tăng trưởng tín dụng tốt nhất hệ thống cả về con số lẫn quy mô là Vietcombank cũng đang sụt giảm dư nợ tín dụng. Đến hết tháng 5/2020, tín dụng Vietcombank cũng chỉ tăng 3% so với đầu năm nay.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đang có xu hướng tăng do đó ngân hàng thận trọng không dám mạnh tay cho vay. Tại Sacombank, 5 tháng đầu năm nay, ngân hàng này trích lập dự phòng rủi ro trên 1.500 - 1.700 tỷ đồng. Quỹ dự phòng rủi ro của Sacombank đến thời điểm này đã lên đến 4.000 - 5000 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng này được nhận định là do những tác động tiêu cực đại dịch Covid-19. Hiện nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật... vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh thậm chí xu hướng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hơn nên việc xuất khẩu sang các thị trường này rất khó khăn.
Mặc dù bức tranh tăng trưởng của các ngân hàng vẫn còn nhiều gam màu tối thì vẫn có nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan khi cho rằng, sắp tới đây có thể làn sóng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam để tận dụng Hiệp định thương mại Việt Nam – châu Âu (EVFTA). Khi vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam một số ngành như công nghiệp, công nghiệp phụ trợ… sẽ có cơ hội phát triển mạnh theo, có thể tạo ra công ăn việc làm mới cho người lao động, hồi phục sức mua trong xã hội, cầu đầu tư tín dụng, tiêu dùng cũng sẽ tăng theo. Theo đó, hy vọng kinh tế hồi phục nhanh dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng theo, có thể bước sang quý IV/2020, tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp tại nhiều quốc gia. Thế giới như vậy làm sao Việt Nam miễn nhiễm được khủng hoảng. Do vậy, tình trạng phục hồi của Việt Nam như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới...
P.V
Nếu cần thiết sẽ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng |
Lý do nào khiến Quỹ bảo lãnh tín dụng không phát triển? |
Bức tranh tín dụng khá ảm đạm |