Hiệu quả từ sự phối hợp triệt xóa cụm kho tàng trữ hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ tại TP.HCM
(PetroTimes) - Kết thúc Kế hoạch số 15/KH-VPTT, các lực lượng chức năng đã triệt xóa một số cụm kho tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại TP.HCM... góp phần kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ổ nhóm buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa vi phạm. Đây là thành quả của sự phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng, tạo nên sức mạnh chung trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Đây là đánh giá của các lực lượng chức năng tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Kế hoạch số 15/KH-VPTT của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức ngày 26/6/2020 tại TP.HCM với sự tham dự của Tổng cục QLTT, Tổng cục Thuế, Ban chỉ đạo 389 TP.HCM. Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, ông Trần Kim Tuyến- Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM và ông và ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT chủ trì hội nghị.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, Kế hoạch số 15/KH-VPTT ngày 21/05/2019 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) về việc phối hợp nắm tình hình, xác minh, xử lý thông tin hoạt động buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) đã được đồng chí Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt (Kế hoạch số 15).
Triển khai kế hoạch này, các đơn vị đã quán triệt nghiêm túc, xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo tổ chức lực lượng chủ động nắm tình hình, xác minh thông tin, tiến hành kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm trên các địa bàn trọng điểm TP. Hồ Chí Minh, góp phần kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa vi phạm và triệt xóa một số cụm kho tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...
Toàn cảnh hội nghị. |
Sau một năm thực hiện, qua theo dõi, nắm tình hình và trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức hội nghị để tổng kết Kế hoạch 15 nhằm đánh giá kết quả, những khó khăn, thuận lợi và rút ra những kinh nghiệm để tiếp tục triển công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.
Đánh giá kết quả của Kế hoạch 15, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia - Trịnh Mạnh Cường cho biết, trong thời gian từ năm 2015 đến đầu năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh diễn biến khá phức tạp. Trong đó, các hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng cấm, hoạt động tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, hàng nhái các nhãn mác thương hiệu nổi tiếng, ở từng thời điểm nhất định,trên các địa bàn trọng điểm TP. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, chưa có chiều hướng giảm.
Từ khi triển khai Kế hoạch số 15 (tháng 6 năm 2019), hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng cấm, hoạt động tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, hàng nhái các nhãn mác thương hiệu nổi tiếng nói riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có chiều hướng giảm rõ rệt và không phát sinh điểm nóng.
Sau một năm thực hiện Kế hoạch số 15, các đơn vị đã ban hành 25 văn bản các loại chỉ đạo các lực lượng, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; góp phần kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa vi phạm và triệt xóa một số cụm kho tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...
Điểm lại một số vụ việc điển hình như vụ vi phạm tại cụm kho số 621 Phạm Văn Chí, Phường 7, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Quá trình thực hiện Kế hoạch số 15, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Cổ phần bao bì kho bãi Bình Tây làm trái chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc chấm dứt cho thuê đất tại khu đất tại số 621 Phạm Văn Chí, Phường 7, Quận 6 cho Công Ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ kho bãi Minh Tâm thuê lại khu đất nói trên trong thời gian 20 tháng (từ tháng 11/2017 đến tháng 6/2019), mỗi tháng khoảng 700 triệu đồng, tổng số tiền thu trái phép khoảng 14 tỷ đồng.
Trên cơ sở những sai phạm của Công ty Cổ phần bao bì kho bãi Bình Tây, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã quyết định truy thu thuế do không kê khai, kê khai sai, kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, vi phạm thủ tục thuế, vi phạm về hóa hơn 3,939 tỷ đồng.
Cùng với đó là vụ cửa hàng Ansan Cosmetics kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng: Lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm hàng hóa (xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp), tổng trị giá 822.980.000 đồng; phát hiện, thu giữ gần 600 sản phẩm điện tử, bếp ga đã qua sử dụng; phát hiện, thu giữ 20.876 đơn vị sản phẩm (thực phẩm chức năng, nước hoa, quần áo, giầy, ví da, túi xách, thắt lưng…) giả, nhái các thương hiệu Gucci, D&G, LV… đã được bảo hộ tại Việt Nam; phát hiện, thu giữ hàng trăm, đơn vị sản phẩm rượu ngoại nhập lậu, thuốc lá điếu...
Phát biểu tại Hội nghị, các lực lượng chức năng như Cục Quản lý thị trường, Công an và Cục Thuế thuộc TP.HCM và các lực lượng chức năng khác đều cho rằng hiệu quả cao nhất mà Kế hoạch 15 mang lại đó là đã triệt xóa một số cụm kho tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại TP.HCM... Và hiệu quả từ việc phối kết hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề xuất những biện pháp triển khai trong thời gian tới như Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cần thường xuyên cập nhật, thông báo về diễn biến tình hình, về phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường lợi dụng để vi phạm và các phương thức, thủ đoạn mới phát sinh. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cho các ngành, lực lượng chức năng và các địa phương về nghiệp vụ lấy mẫu, giám định, kiểm định; về công tác thông tin, tuyên truyền; về những kinh nghiệm hay, phương pháp đấu tranh, cách làm hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Dự báo tình hình kinh tế- xã hội tại địa bàn TP.HCM sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho rằng, với địa bàn trọng điểm như TP.HCM thì các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, nắm chắc tình hình trên tuyến, địa bàn (nhất là tuyến, địa bàn trọng điểm), nhận diện những vấn đề, lĩnh vực, mặt hàng phức tạp, nổi cộm, các đường dây, ổ nhóm, đối tượng nổi lên, những phương thức, thủ đoạn mới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.
Thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương, nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hoạt động tập kết, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... các hoạt động kinh doanh có gắn với thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (facebook, zalo...) trên địa bàn.
Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để các tổ chức, cá nhân và quần chúng nhân dân hiểu rõ hậu quả, tác hại của hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đó không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm cam kết; tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tổng kết Kế hoạch 15, các lực lượng chức năng đã phát hiện 23 vụ việc vi phạm, thu giữ 36.352 đơn vịsản phẩm vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế 6.999.600.942 (sáu tỷ, chín trăm chín chín triệu, sáu trăm nghìn, chín trăm bốn mươi hai) đồng; không có vụ việc bị xử lý hình sự. |
Xuân Hinh