Quốc hội "truy" giá thịt lợn, Bộ trưởng Nông nghiệp khuyên nên ăn… gà, cá!
Đại biểu Quốc hội hỏi bao giờ giá thịt lợn giảm, Bộ trưởng Nông nghiệp trình bày, không lý gì toàn dân cứ phải tập trung ăn thịt lợn…
Chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội về các vấn đề nóng của ngành nông nghiệp, trong đó có việc giá thịt lợn cứ cao, bất chấp các chỉ đạo của Chính phủ.
Gà, cá, tôm rất tốt, không lý gì tập trung ăn thịt lợn!
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường xin thêm thời lượng đề trình bày trước Quốc hội. |
Theo Bộ trưởng, có một số nguyên nhân dẫn đến giá lợn cao. Thứ nhất là dịch tả lợn châu Phi, “một loại dịch bệnh rất đặc biệt, hết sức nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam”.
Chính thức đã xảy ra tại Trung Quốc từ tháng /2018, sau một năm rưỡi, trên toàn thế giới đã có 33 nước xuất hiện dịch, làm cho tổng đàn lợn của toàn thế giới vào tháng 12/2019 giảm 12%. Trung Quốc, quốc gia bị tổn thương lớn nhất do dịch, giảm tới 53% sản lượng, kéo theo hệ lụy là thực phẩm bị khủng hoảng và đặc biệt giá lợn của phía Trung Quốc tăng lên rất cao, 130.000 -140.000 đồng/kg.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu muốn biết làm cách nào phục hồi đàn lợn, giảm giá thịt trên thị trường.
Bộ trưởng Nông nghiệp khẳng định, cơ quan điều hành đã rất quyết tâm để giảm giá thịt lợn và tiếp tục trình bày, tại Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi làm cho xấp xỉ 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, giảm 20% về lượng. Chính điều này là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng biến động giá vừa qua.
Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng, ngay từ tháng 3/2019, ngành đã có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác, như: gà, thủy sản, trứng. Chính vì thế, cuối năm 2019, cả nước có 760.000 tấn thực phẩm bù đắp, không xảy ra thiếu thực phẩm.
Tuy nhiên, vì lợn chết mất 20% tổng đàn nên phải phục hồi đàn theo lộ trình. Theo kế hoạch, đến quý 4 năm nay, hệ số đầu lợn sẽ ngang mức 31 triệu con của thời điểm trước khi bị dịch xảy ra.
“Cung cầu nó chưa gặp nhau, dẫn đến câu chuyện giá tăng”.
Trước tình hình này, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang tập trung đẩy nhanh hơn quá trình tái đàn, nhưng cũng phải thận trọng đề phòng dịch bệnh quay lại. Rất nhiều địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ nông dân khôi phục đàn lợn.
“Việc thứ ba, nhân diễn đàn này, chúng tôi đề nghị tập trung khuyến cáo và lựa chọn các thực phẩm đa dạng. Không có lý gì bây giờ toàn dân cứ tập trung ăn thịt lợn cả. Thịt gà rất tốt, do bà con nông dân sản xuất ra. Cá cũng vậy, tôm cũng vậy, trứng cũng vậy. Đều của nông dân Việt cả. Đa dạng các loại thực phẩm ra, vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực cho một ngành nào”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến nghị, nhiều đại biểu Quốc hội bật cười.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu thực tế, giá thịt lợn hiện vẫn đang rất cao, vấn đề là làm sao hạ giá, bình ổn thị trường?
Bộ trưởng lập tức trả lời, là cần tập trung tái đàn nhanh, đưa ra khuyến cáo đa dạng sản phẩm, tăng cường thương mại để làm sao kiểm soát, không để trục lợi, không để lợi dụng chuyện này để tăng giá…
“Còn nói giá bao nhiêu thì không thể kết luận là giá bao nhiêu. Chúng tôi làm sao cố gắng để cung cầu gặp nhau sớm để có giá phù hợp nhất” - Bộ trưởng chốt lại.
Mệnh lệnh hành chính không thể “ép” thịt giảm giá
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp này của Quốc hội sẽ kéo dài 2 ngày. |
Tranh luận lại với Bộ trưởng Nông nghiệp, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) chia sẻ về những khó khăn ngành nông nghiệp phải đối mặt giai đoạn qua nhưng không đồng tình với lý do Bộ trưởng nêu về vấn đề giá thịt lợn.
Theo đại biểu, việc thịt lợn tăng giá mạnh là theo quy luật cung cầu, khi nguồn cung không đáp ứng đủ cầu thì giá thịt đương nhiên tăng, các biện pháp mệnh lệnh hành chính đưa ra để “ép” giá thịt giảm là không hiệu quả.
Đại biểu cũng bình luận, càng không thể nói, thịt lợn đắt quá thì người dân chỉ việc chuyển qua ăn thịt gà, tôm, trứng là xong…
Vấn đề người dân quan tâm, bức xúc là dù giá tăng, người tiêu dùng phải ăn thịt “giá chát” thì các hộ chăn nuôi nuôi gia công cho các doanh nghiệp vẫn chỉ nhận được 4.000 đồng/kg thịt. Điều đó nghĩa là cả người tiêu dùng và người sản xuất đều thua thiệt, chỉ có tư thương, doanh nghiệp hưởng lợi từ việc lợn tăng giá.
Từ việc này, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại công tác điều hành gía các mặt hàng thiết yếu thời gian qua. Ngoài chuyện giá thịt lợn tăng không điểm dừng, dư luận còn băn khoăn khi giá xăng giảm mạnh (tới 50%) nhưng mọi mặt hàng đi kièm với giá xăng không hề giảm theo. Ngược lại, mỗi khi mới chỉ rục rịch có tin xăng chuẩn bị tăng giá thì các mặt hàng khác, thậm chí không liên quan gì nhiều cũng đã tăng.
“Như vậy là vấn đề điều hành giá của Chính phủ mới đáng nói, cần xem xét” – đại biểu bình luận.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng tranh luận về giải pháp Bộ trưởng Nông nghiệp đề ra. Theo ông, những biện pháp Bộ trưởng Cường nêu mới là giải pháp tình thế. Cần có giải pháp nào lâu dài, bền vững cho việc này chứ không phải là giải pháp tình thế, chuyển ăn thịt lợn sang thịt gà?
Theo Dân trí