“Giảm nhiệt” cho đô thị bằng tăng mảng xanh
Những cơn mưa như trút nước chiều tối ngày 10/6 giúp thành phố giảm nhiệt, song vẫn không xua tan được nỗi ám ảnh trong nhiều người dân Hà Nội khi vừa trải qua những ngày nắng nóng gay gắt.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ ngoài trời tại Hà Nội có thời điểm lên tới 45 độ C - cao hơn nhiều so với khu vực lân cận. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng đảo nhiệt thành phố và đang gây ra tác động ngày càng lớn đến các đô thị nói chung.
Thành phố nóng hơn do hiệu ứng đảo nhiệt
Các chuyên gia khí tượng thủy văn (KTTV) nhận định, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệt độ trái đất, nhiệt độ của bầu khí quyển đang ngày càng nóng lên, kéo theo hàng loạt hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan, bất thường. Theo TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nguyên nhân là do tác động của BĐKH, tính bất ổn định của các hệ thống hoàn lưu khí quyển diễn ra ở cả quy mô toàn cầu và khu vực.
Hà Nội đang hứng chịu hiện tượng đảo nhiệt do việc giảm mảng xanh trong quá trình đô thị hóa. |
Còn theo GS, TS Phan Văn Tân - Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nắng nóng gay gắt tại Hà Nội những ngày qua, được cho có sự đóng góp một phần của hiệu ứng đảo nhiệt thành phố. Do ảnh hưởng bởi hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nhiệt độ tại trung tâm Hà Nội (tương tự như tại các thành phố lớn, như TP Hồ Chí Minh) tăng cao hơn nhiều so với khu vực lân cận.
“Đối với những khu vực thành phố, quá trình đô thị hoá tăng nhanh là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tính khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt trong những ngày hè oi ả. Đô thị hoá với hàng loạt toà nhà cao ốc mọc lên san sát, mặt đất bị bê tông hoá, diện tích mặt thoáng bị thu hẹp, thiếu bốc hơi nước,... làm tăng cường hiệu ứng đốt nóng bức xạ, cả bức xạ mặt trời và bức xạ nhiệt. Hệ quả là các khu vực thành phố thường có nhiệt độ cao hơn những vùng nông thôn chung quanh. Người ta gọi đó là hiệu ứng đảo nhiệt thành phố, hay đảo nhiệt đô thị”, giáo sư Tân nói.
Với hiệu ứng này, về ban ngày có thể làm cho nhiệt độ trong thành phố cao hơn các vùng chung quanh tới 1-3 độ C đối với những thành phố chỉ khoảng 1 triệu dân. Với những thành phố đông dân, nhiều nhà cao tầng, mật độ cây xanh và diện tích ao hồ ngày càng giảm, lưu lượng giao thông lớn, luôn xảy ra ùn tắc như Hà Nội (cũng như tại một số đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh) thì mức chênh lệch này còn lớn hơn nhiều. Hiệu ứng đảo nhiệt thành phố cộng với sự nóng lên toàn cầu đã trở thành mối lo của người dân ở những khu đô thị trong những ngày hè nóng bức. Không những thế, hệ quả của sự bê tông hoá bề mặt cộng với khả năng thoát nước hạn chế còn là nguyên nhân gây nên ngập lụt thành phố khi có mưa lớn.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Lâm, giáo sư Tân cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi bất thường của điều kiện thời tiết, khí hậu mà một trong số đó có thể là do tác động của BĐKH. BĐKH hiện nay, ngoài nguyên nhân biến đổi tự nhiên của hệ thống trái đất, chủ yếu là do hoạt động sống của con người làm gia tăng hàm lượng khí nhà kính dẫn đến gia tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển. Đóng góp vào quá trình này chính là các hoạt động kinh tế, sự can thiệp thô bạo của con người làm huỷ hoại môi trường, như phá rừng, biến đổi đất sử dụng, đô thị hoá...
Theo giáo sư Tân, ở quy mô hành tinh, tác động của BĐKH thể hiện rõ ở xu thế tăng của nhiệt độ bề mặt trái đất, hiện tượng biến mất dần các lớp phủ băng ở hai cực trái đất, trên các đỉnh núi cao, dẫn đến hiện tượng nước biển dâng và “biển tiến”. Ở quy mô khu vực, BĐKH đã tác động mạnh mẽ đến các thiên tai hiện hữu, với tính chất biến động mạnh hơn, cực đoan hơn, dị thường hơn, cả về tần suất và cường độ.
Tăng mảng xanh thành phố
Để làm giảm nhẹ hiệu ứng đảo nhiệt thành phố theo các chuyên gia có nhiều giải pháp khác nhau. Nhưng GS, TS Phan Văn Tân nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất là phải có quy hoạch thành phố một cách hợp lý. Một thành phố quy hoạch hợp lý phải bố trí mật độ dân cư, hệ thống giao thông, diện tích mặt nước thoáng, diện tích cây xanh có quy chuẩn.
“Cây xanh ngoài vai trò điều tiết thành phần khí quyển còn làm giảm sự đốt nóng trực tiếp của bức xạ mặt trời đối với nền bê tông. Cây xanh không chỉ trồng trên bề mặt đất mà có thể cả trên mái nhà, dọc các bức tường, hành lang, sân thượng... Nếu không thể tăng diện tích ao, hồ thì ít nhất cũng đừng thu hẹp nữa và có thể tăng diện tích mặt nước thoáng bằng các bồn nước, đài phun nước. Đó sẽ là giải pháp làm tăng lượng bốc hơi, làm dịu bớt cái nóng mùa hè”, giáo sư Tân đề nghị.
Vị giáo sư Khí tượng thủy văn và Hải dương học cho biết thêm: “Mật độ giao thông lớn và nạn ùn tắc giao thông cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng đảo nhiệt thành phố (và ô nhiễm không khí). Hãy làm một phép tính đơn giản: Giả sử mỗi ngày có khoảng 2 triệu lượt người đi trên đường trong thành phố, mỗi người phải lãng phí mất 30 phút do ùn tắc giao thông, sơ bộ có khoảng 2 triệu lít xăng bị đốt do phải chờ. Lượng khí thải cộng với sự toả nhiệt của động cơ sẽ làm gia tăng đáng kể nhiệt độ môi trường”.
Bởi vậy, ông Tân đề xuất: Việc tính toán quy hoạch giao thông là hết sức cấp bách. Theo đó cần giảm lượng xe máy trong đô thị, tăng phương tiện giao thông công cộng. Vấn đề khai thác không gian ngầm trong lòng thành phố, như xây dựng tuyến tàu điện ngầm cũng sẽ góp phần giảm hiệu ứng đốt nóng của đô thị. Tuy nhiên những vấn đề này không thể một sớm một chiều giải quyết được, giải pháp trước mắt mà chính quyền các đô thị cần làm là không cho xây dựng tiếp những khu chung cư khu vực đã quá đông dân cư. Cần chấm dứt những hiện trạng quy hoạch kiểu như chặt cây xanh mở đường, lấp ao hồ, đầm lầy để xây dựng các khu đô thị hay công trình công cộng.
Đề cập vấn đề trên, PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Tại các thành phố, vỉa hè, đường phố, bãi đỗ xe và nhà cao tầng thường được tạo thành từ các vật liệu như xi măng, nhựa đường, gạch, kính, thép... Các vật liệu này thường có màu đậm như màu đen, nâu và xám - những màu hấp thụ nhiệt từ mặt trời và khiến bản thân đường xá, các tòa nhà tăng nhiệt khi trời nắng nóng. Như vậy nếu tòa nhà được sơn màu trắng thì có thể phản xạ được ánh sáng, nhiệt độ của tòa nhà không tăng lên quá nhiều. Để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, không ít thành phố đã kêu gọi chủ các tòa nhà phủ lớp sơn trắng cho mái và bên ngoài tòa nhà để phản xạ ánh sáng mặt trời, làm giảm nhiệt độ mái nhà, tăng sự thoải mái cho người cư ngụ và giảm nhu cầu năng lượng.
Và hạ nhiệt hiện tượng đảo nhiệt đô thị, một số thành phố đã làm sáng đường phố bằng cách phủ lên những con đường nhựa đen, bãi đỗ xe một lớp phủ màu xám để phản chiếu ánh sáng tốt hơn. Những thay đổi này có thể làm giảm đáng kể nhiệt độ không khí đô thị, đặc biệt là trong mùa hè nóng bức. Ngoài ra, sử dụng vật liệu bê tông thấm nước để lát vỉa hè cũng là một trong những giải pháp để làm mát thành phố, bởi việc tăng diện tích thấm nước vừa giải quyết được vấn đề mưa ngập, vừa tăng diện tích cho đất thở, giảm diện tích phản xạ nhiệt và giảm nhiệt thành phố. Khi đó, nước mưa có thể chảy qua bề mặt thấm nước và ngấm xuống đất, giảm tỷ lệ nước chảy ra cống và thoát ra sông. Khi nước thấm qua một viên gạch, bê tông thấm nước sẽ tạo ra một chu kỳ nước chảy và bay hơi, làm mát không khí.
Giảm nhẹ hiệu ứng đảo nhiệt thành phố thiết nghĩ là trách nhiệm của chính những con người tạo nên, xây dựng nên thành phố. Trong phạm vi tác động của hiệu ứng đảo nhiệt thành phố, nếu mỗi người dân đều có ý thức xây dựng, đặc biệt là các cấp lãnh đạo chính quyền, thì chúng ta hoàn toàn cải thiện được tình hình. Hãy làm xanh ngôi nhà của mình bằng việc tăng cường trồng cây xanh phù hợp trên sân thượng, hành lang, trước ngõ.
Nhận định của Tổ chức Khí tượng thế giới và các trung tâm dự báo quốc tế, như Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ phức tạp, khó lường và Việt Nam sẽ phải đối mặt với thiên tai bất thường. |
Theo chinhphu.vn