Vùng đất băng giá Siberia tăng 10 độ C trong tháng 5 vừa qua
Trong tháng 5 vừa qua, nhiệt độ tại vùng đất nổi tiếng lạnh giá Siberia của Nga đã tăng 10 độ C so với mức trung bình. Đây cũng là tháng nóng lỷ lục trên toàn thế giới.
Mạng lưới theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (C3S) cho biết, trên toàn cầu, nhiệt độ trong tháng 5/2020 đã tăng 0,68 độ C so với mức trung bình trong tháng 5 của giai đoạn 1981-2010. Trong đó, các vùng như Alaska, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, một vùng rộng lớn của châu Phi và Nam Cực đều ghi nhận các mức nhiệt cao hơn mức trung bình các năm kể trên. Nhiệt độ trung bình trong vòng 12 tháng tính đến tháng 5/2020 đã tăng gần 1,3 độ C so với mức trước khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra.
Theo C3S, nhiệt độ tại Siberia diễn biến bất thường từ tháng 3-5/2020. Tại nhiều nơi trên sông Ob và Yenisei, nhiệt độ đã tăng gần 10 độ C so với mức trung bình trong thời kỳ 1981-2010. Hai con sông này cũng ghi nhận hiện tượng băng tan sớm kỷ lục.
Làn sóng nhiệt tại nhiều khu vực ở Siberia và Alaska nên được coi là cảnh báo đặc biệt cho các khu vực từng chìm trong cháy rừng nghiêm trọng vào năm ngoái do nắng nóng kỷ lục. C3S cũng cảnh báo những đám cháy đang âm ỉ trong lòng đất có thể bùng phát trở lại tại những nơi này.
Tính tổng thể, nhiệt độ toàn cầu đã tăng hơn một độ C so với mức trung bình vào giữa thế kỷ 19, chủ yếu do hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Kể từ năm 2002, nhiệt độ đã tăng đều đặn so với mức trung bình, trong đó 5 năm vừa qua là các năm nóng kỷ lục và thập kỷ vừa qua cũng là thập kỷ nóng kỷ lục.
Nhiệt độ trung bình vùng Nam Cực tăng 2 độ C kể từ giữa thế kỷ 19, gần gấp đôi mức trung bình toàn thế giới. Chính vì vậy, hiện tượng băng tan tại Greenland diễn ra nhanh hơn, làm tan chảy khoảng 600 tỷ tấn băng, tương đương 40% lượng nước biển dâng năm 2019.
Theo Hiệp ước Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, gần 200 nước đã cam kết kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở dưới mức 2 độ C so với mức ghi nhận thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, thậm chí dưới 1,5 độ C nếu có thể. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo tính toán dựa trên các cam kết mà các quốc gia đã đưa ra trong hiệp ước thì tới cuối thế kỷ 21, Trái đất sẽ nóng lên vài độ C, thay vì mức dưới 2 độ C.
Các chuyên gia cho biết nếu muốn giữ mức tăng nhiệt không vượt quá 1,5 độ C, thế giới phải giảm ít nhất 7,6% lượng khí thải nhân tạo hằng năm.
Theo baochinhphu.vn