Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không có người nước ngoài sở hữu đất ở Việt Nam!
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định không có bất cứ người nước ngoài nào được cấp quyền sử dụng đất ở Việt Nam, đặc biệt ở những khu vực nhạy cảm.
Chiều ngày 27/5, trao đổi với báo chí tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cùng ngày Tổng cục Quản lý đất đai đã làm việc với Bộ Quốc phòng làm rõ thông tin người nước ngoài “núp bóng” thâu tóm bất động sản có vị trí đắc địa ở Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trao đổi về vấn đề người nước ngoài sở hữu đất Việt Nam, đang được dư luận quan tâm hiện nay. |
- Thông tin của Bộ Quốc phòng về việc người nước ngoài “núp bóng” thâu tóm đất ở vị trí đắc địa tại Đà Nẵng và thực tế mà cá nhân ông nắm được như thế nào?
- Trong báo cáo của Bộ Quốc phòng phản ánh từ kết quả trinh sát, phát hiện là không sai. Ngay từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát, kiểm tra trên toàn bộ thành phố có hiện tượng là một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.
Kết quả kiểm tra cho thấy, không có vi phạm khi giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều cho pháp nhân – doanh nghiệp. Việc giao đất đó cho 2 trường hợp, là doanh nghiệp liên doanh hoặc mua cổ phần và họ đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại.
Quá trình thanh kiểm tra, Bộ cũng phát hiện một số sai phạm như: giao đất cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở, không thể kinh doanh; hoặc khu vực được giao đất chưa được hỏi ý kiến Bộ Quốc phòng theo quy định…
Sau khi kiểm tra, Bộ TM-MT cùng với TP Đà Nẵng, làm việc với các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Quá trình rà soát, nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện cho họ hoạt động; ngược lại, nếu không đủ điều kiện, có sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi, điều chỉnh hoặc phải chuyển giao lại cho Việt Nam.
Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng, toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động dưới các hình thức là các doanh nghiệp, nếu có thiếu sót thì đã được khắc phục. Nhiều trường hợp đã chuyển giao lại cho người Việt Nam.
Những sai phạm này, theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn, Bộ cũng đã bàn giao cho các thành phố xử lý. Vi phạm ở đây liên quan đến trình tự thủ tục. Việc xử lý những vi phạm trên đến nay đã hoàn thiện và Bộ TN-MT, Đà Nẵng đều đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
- Trước Quốc hội năm 2018, ông nói "chưa nghe có người nước mua đất tại Việt Nam, đại biểu nào thấy hãy báo cho Bộ". Với báo cáo của Bộ Quốc phòng mới đây, ông giải thích sao về vấn đề này?
- Tôi nói dựa trên số liệu! Đến bây giờ, tôi vẫn bảo lưu ý kiến: Tôi chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp quyền sử dụng đất cả. Bởi Luật Đất đai quy định rất rõ rồi, cấp là sai phạm! Ai thấy cứ báo cho tôi, tôi sẽ xử lý người cấp ngay vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
- Với những trường hợp “núp bóng” thâu tóm đất ở vị trí đắc địa, liệu có kiểm soát được hay không?
- Pháp luật không bảo vệ những anh “núp bóng” và tôi cũng không loại trừ có hiện tượng“núp bóng”. Vấn đề cần dự báo được và có những quy định để kiểm soát chuyện này.
Có thể có hình thức “núp bóng” bằng việc người nước ngoài lấy vợ, lấy chồng Việt Nam, về mặt pháp luật Việt Nam chỉ cấp quyền cho vợ/chồng là người Việt thôi. Pháp luật chỉ bảo vệ người đứng tên trên giấy chứng nhận, ở đây vẫn là người Việt.
Có cả trường hợp người nước ngoài nhờ người Việt Nam thành lập công ty, 100% vốn Việt Nam. Như vậy, sẽ phải chịu sự chi phối của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có một số điểm đáng lo ngại, cần thiết phải điều chỉnh một số quy định, đó là khi mối quan hệ với người nước ngoài nhưng lại được điều chỉnh bởi luật về bảo hộ đầu tư hay một số vấn đề khác. Nhiều trường hợp khi tương tác với họ chúng ta không thể xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nếu xảy ra tranh chấp, đưa ra toà án quốc tế, mà chúng ta chưa chuẩn bị kỹ để ứng phó, thì có thể toà quốc tế lại tuyên đất của Việt Nam thành đất của nước khác.
Những điều này cần thiết phải được nghiên cứu, chúng ta phải có quy định để hạn chế và kiểm soát nguồn vốn, dòng vốn và năng lực thực tế của người mua. Việc này không dễ, nhưng phải làm, phải kiểm soát.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, pháp luật không bảo vệ những người “núp bóng” sở hữu đất |
- Vậy tới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm gì để chặn hiện tượng “núp bóng”người nước ngoài sở hữu đất đai ở Việt Nam?
- Chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Trong đó thực hiện thật tốt quy hoạch, xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất.
Các quy định cũng sẽ đồng bộ thống nhất với các luật khác như pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về hôn nhân gia đình để tạo ra các tiêu chí điều kiện, hạn chế các quyền tiếp cận đất đai kể cả người trong nước và người nước ngoài nhằm kiểm soát được.
Ví dụ như một doanh nghiệp Việt Nam chỉ hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì chúng ta có thể an tâm về vấn đề an ninh quốc phòng, nhưng nếu họ cổ phần hóa thì như thế nào? Điều kiện cổ phần hoá, việc tiếp nhận mua cổ phần, chuyển nhượng phải được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng.
Hiện nay Luật Đất đai đang quy định khá rất chặt chẽ về chuyện không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài, nhưng Luật Nhà ở thì người nước ngoài (tất nhiên là có điều kiện) thì được mua nhà, mua căn hộ.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Dân trí