"Điểm nóng" trong kế hoạch 5 năm của Trung Quốc
Giới chức Trung Quốc đã bắt đầu soạn thảo kế hoạch phát triển kinh tế, chính trị, xã hội 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh tới việc đối phó với sự cô lập từ Mỹ.
Với thực trạng căng thẳng với Mỹ có chiều hướng leo thang, kế hoạch này dường như sẽ phản ánh sự thay đổi trong cách ứng phó của Bắc Kinh trong một hệ thống toàn cầu gia tăng đối đầu, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu tham gia soạn thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc cho biết.
Mặc dù dự thảo cuối cùng về kế hoạch này chỉ được công bố vào tháng 3/2021, song các thảo luận và nghiên cứu ban đầu cho thấy Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển kinh tế trên cơ sở giảm phụ thuộc vào nguồn cung công nghệ và nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy chính sách để duy trì vai trò trung tâm trong chuỗi cung toàn cầu, đặc biệt là với các nước châu Á và châu Âu, cũng như đối phó với các nguy cơ bị cô lập.
Trung Quốc tuy sẽ không từ bỏ thị trường quốc tế, song sẽ tăng cường thúc đẩy nền sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu nội địa. Xu hướng này đã được thể hiện rõ trong kế hoạch “Hướng tây” mới được công bố gần đây, theo đó, Trung Quốc sẽ tập trung đầu tư phát triển kinh tế ở các khu vực phía tây đất nước trong bối cảnh các vùng đông bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Một trong những lĩnh vực nữa mà Trung Quốc đặt mục tiêu “đột phá” là lĩnh vực công nghệ nhằm giảm phụ thuộc vào các công nghệ nhập khẩu.
Kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra 25 mục tiêu chính về phát triển, cải tiến, phúc lợi xã hội và môi trường. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đe dọa các mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc, trong đó có mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế từ năm 2010 đến 2020. GDP quý 1 năm nay của Trung Quốc giảm 6,8%, đánh dấu quý tăng trưởng âm đầu tiên trong gần 30 năm.
Theo Dân trí