"Chóng mặt" với hàng loạt "phụ phí" ở trường quốc tế
Ngoài học phí có thể hơn nửa tỷ đồng mỗi năm, nhiều trường quốc tế còn có các khoản phí như hỗ trợ, bổ sung tiếng Anh, phí tuyển sinh, tiền cơ sở vật chất và một số khoản "phụ phí" khác.
Ngoài học phí, ở các trường quốc tế, mỗi trường một kiểu còn có rất nhiều khoản thu như phí đăng ký tuyển sinh, phí đăng ký giữ chỗ, có nơi còn thu tiền cơ sở vật chất, học phí tiếng Anh, phí ngoại khóa, phí từ các tổ chức thi quốc tế... với những con số chóng mặt.
Chưa kể, các khoản như tiền đưa đón, ăn uống, tiền đồng phục... ở các trường quốc tế cũng có mức giá khác biệt, cao hơn nhiều lần so với mức bình quân.
Hầu hết, các trường cũng "nhắc" trước với phụ huynh, họ có quyền điều chỉnh thay đổi học phí tùy thời điểm, các trường cũng thường có mức tăng học phí 5 - 10% mỗi năm.
Phụ huynh Trường quốc tế Úc (AIS Saigon) phản đối chính sách học phí của trường trong đợt nghỉ dịch Covid-19
Trường quốc tế Mỹ (AIS Vietnam) thông báo thông báo học phí năm học 2020-2021 cao nhất ở khối 11 và 12 là trên 690 triệu đồng/năm.
Ngoài mức học phí cao nhất trên 690 triệu đồng/năm, phụ huynh Trường quốc tế Mỹ (AIS Vietnam) phí chương trình phát triển tiếng Anh 55 triệu đồng/HS
Khoản học phí này không bao gồm các khoản phí về đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, sách giáo khoa, chi phí đi lại, ăn uống, các trải nghiệm học tập thực tế, các bài thi của các tổ chức bên ngoài...
Ngoài ra, phụ huynh phụ huynh đóng phí chương trình phát triển Anh ngữ bổ sung (từ lớp 1 - 10) là 55 triệu đồng/học sinh (HS). Và các khoản chi phí khác như hồ sơ đầu vào, lệ phí ghi danh...
Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn với mức học phí cao nhất là 657 triệu đồng/năm, và trường thông báo, trường có quyền tăng mức học phí trong năm học nếu chỉ số lạm phát hằng năm vượt quá 12%, và/hoặc tỷ lệ mất giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ tăng hơn 3% tính từ ngày niêm yết biểu phí gần nhất.
Ngoài học phí, Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn thông báo nhiều khoản "phụ phí"
Bên cạnh học phí, phụ huynh còn phải đóng nhiều khoản "phụ phí" có thể lên đến hàng trăm triệu đồng như phí đăng ký tuyển sinh là 4 triệu đồng; nếu trúng tuyển, phụ huynh sẽ đóng phí nhập học ở bậc mầm non là 22 triệu đồng, tiểu học là 39,7 triệu đồng và trung học là 49,7 triệu đồng. Khoản phí này không được hoàn lại, được thanh toán một lần để giữ chỗ cho HS.
Khoản tiền đặt cọc phụ huynh phải đóng là 22 triệu đồng/HS. Khoản tiền này sẽ được hoàn lại khi HS rời trường với điều kiện phụ huynh thông báo và điền đơn xin nghỉ học theo quy định và gửi tới trường 90 ngày trước ngày rời trường, còn không sẽ không được hoàn lại.
Trường cũng thông báo, tất cả HS đều phải được kiểm tra trình độ tiếng Anh trước khi nhập học. Học sinh nào được chỉ định theo học Lớp tiếng Anh tăng cường sẽ đóng học phí 72,5 triệu đồng/ năm.
Ngoài ra, trường có các khoản phí đưa đón, các chi phí cá nhân bao gồm mua đồng phục bổ sung, phí tham quan dã ngoại, lệ phí thi từ các tổ chức khác như Cambridge, IB,...
Trường Quốc tế Anh Việt (BVIS) học phí năm học 2020-20221 thấp nhất 202,6 triệu đồng/năm và cao nhất ở lớp 12 và 13 là 489,9 triệu đồng/năm.
Phụ huynh Trường quốc tế Anh Việt (BVIS) đóng phí đăng ký tuyển sinh, phí tuyển sinh
Ngoài mức học phí trên, khi nộp đơn vào trường, phụ huynh trả phí đăng ký tuyển sinh 3,5 triệu đồng/HS. Sau khi HS nhận được thư mời nhập học, phụ huynh đóng phí tuyển sinh không hoàn lại 47,2 triệu đồng một lần duy nhất.
Phí tuyển sinh ở bậc mầm non là 23,6 triệu đồng, khi học sinh chuyển từ mầm non lên tiểu học, phụ huynh sẽ đóng phần chênh lệch.
Phụ huynh còn phải đóng tiền đặc cọc là 35,4 triệu đồng trước khi học sinh nhập học. Tiền đặt cọc chỉ được hoàn lại với điều kiện khi phụ huynh gửi thông báo bằng văn bản tới trường 90 ngày trước khi học sinh xin ngừng học
Tại Trường EMASI, ngoài mức học phí đóng theo năm ở mức từ trên 102 triệu đồng đến gần 265 triệu đồng tùy bậc học, khi nộp hồ sơ đăng ký, phụ huynh phải đóng phí tuyển sinh ở mẫu giáo và lớp 1 là 500.000 đồng, các lớp còn lại là 1 triệu đồng. Khoản này không hoàn lại.
Ngoài ra, theo thông báo học phí năm học 2020-2021 của trường, mỗi học sinh phải đóng tiền phí cơ sở vật chất là 10 triệu đồng.
Trường quốc tế Việt Úc (VAS), nơi học phí cao nhất là trên 445 triệu đồng/năm, học sinh khi mới vào trường sẽ đóng khoản như phí nhập học 10 triệu đồng, phí đăng ký 2 - 3 triệu đồng/HS tùy bậc học.
Phí giữ chỗ 20 triệu đồng học sinh, sách giáo khoa, học cụ và các chi phí khác 5 - 8 triệu đồng/HS tùy bậc học. Ngoài những khoản bắt buộc, phụ huynh cũng tự chi trả chi phí đồng phục, lệ phí các các kỳ thi quốc tế...
Tại Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), thông báo học phí năm học 2020-2021 mức cao nhất là 525,7 triệu đồng/năm.
Phí đăng ký tuyển sinh không hoàn lại là 2,25 triệu đồng đối với bậc tiểu học và 4,5 triệu đồng đối với các lớp còn lại.
Phí giữ chỗ 15 triệu đồng đăng ký chương trình song ngữ và 25 triệu đồng/HS cho chương trình quốc tế. Khoản phí giữ chỗ được trừ vào lần thanh toán học phí đầu tiên tại trường và không được hoàn lại nếu phụ huynh đã đóng phí nhưng sau đó không có nguyện vọng cho con theo học. Ngoài ra, phí các các lớp tiếng Anh hỗ trợ 20 triệu đồng/học kỳ/HS, phí dã ngoại ngoài thành phố và các khoản phí khác nếu có...
Với nhiều gia đình, khi quyết định cho con theo học trường quốc tế, cần cân nhắc khả năng tài chính dài hơi. Muốn có lựa chọn tốt cho con, không ít gia đình thường ráng quá sức, đến đâu lo đến đến đó sẽ khó tránh việc bị "hụt hơi".
Ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, các trường ngoài công lập hoạt động theo Luật doanh nghiệp và hoạt động theo Nghị định 86 của Chính phủ. Sở chỉ quản lý về mặt chuyên môn, còn tất cả các khoản thu, Sở không can thiệp.
Các trường cung cấp dịch vụ giáo dục, trên tinh thần thỏa thuận với phụ huynh. Phụ huynh nếu thấy phù hợp với điều kiện, nhu cầu của mình thì bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ đó, còn không có nhu cầu thì có thể chọn loại hình giáo dục khác.
Theo Dân trí