"Tuyết xanh" bao phủ Nam Cực
Băng tuyết ở Nam Cực đang dần chuyển sang màu xanh do tảo nở rộ ngày càng nhiều trong điều kiện nhiệt độ toàn cầu gia tăng.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Matt Davey ở khoa Khoa học Thực vật thuộc Đại học Cambridge, Anh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và quan sát trên mặt đất để tạo ra bản đồ quy mô rộng về tảo nở hoa dọc bán đảo Nam Cực trong mùa hè. Tuyết tảo được mô tả lần đầu tiên trong các chuyến thám hiểm Nam Cực vào thập niên 1950. Từ sau đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu loại tuyết này ở vài địa điểm và phát hiện nhiều loại tảo. Tảo nở hoa trên bề mặt lớp tuyết ở những khu vực ấm áp dọc bờ biển, nơi nhiệt độ thường ở trên 0 độ C. Tuyết tảo thường xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 12. Tảo mọc mạnh hơn nếu có nitơ và phospho.
Tuyết xanh do tảo nở hoa gây ra. Ảnh: Newsweek. |
Trong nghiên cứu công bố hôm 20/5 trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu lập bản đồ sự phân bố của tảo để tìm hiểu nó có thể chịu tác động như thế nào từ nhiệt độ toàn cầu tăng lên trong hàng thập kỷ tới. Do tảo nở hoa đóng vai trò loại bỏ carbon dioxide từ khí quyển thông qua quang hợp, việc hiểu rõ phản ứng của nó với biến đổi khí hậu rất quan trọng. Nhóm nghiên cứu xác định 1.679 loại tảo xanh riêng biệt trên bề mặt tuyết, bao phủ khu vực rộng 19,2 km, hấp thụ lượng carbon khoảng 479 tấn mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy phần lớn tảo nở hoa nằm trên những hòn đảo nhỏ ở vùng đất thấp, nơi sẽ bị mất tuyết mùa hè do nhiệt độ toàn cầu ấm lên. Không có tuyết, tảo sẽ không thể hình thành. Nhóm nghiên cứu dự đoán 62% tảo ở những khu vực này sẽ mất đi. Tuy nhiên, họ dự đoán tảo chắc chắn sẽ xuất hiện theo đám lớn hơn ở phía bắc, mở rộng qua vùng đất gần các đàn chim. Sự mở rộng này chắc chắn thừa đủ bù đắp lượng tảo mất đi ở những hòn đảo nhỏ, kết quả là tuyết tảo gia tăng khi bán đảo ấm lên.
Theo nhóm nghiên cứu, phần lớn tảo mọc trong phạm vi 4,8 km quanh đàn chim cánh cụt. Hiện tượng tảo nở hoa chịu ảnh hưởng mạnh từ chim biển và động vật có vú. Phân của các loài động vật này đóng vai trò như phân bón giúp thúc đẩy sự phát triển của tảo.
Theo VnExpress