Bộ Công Thương: Mở lại cửa khẩu phụ thông thương Việt - Trung
(PetroTimes) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ thông thương với Trung Quốc. Theo đó, Bộ Công Thương và các tỉnh cần đặc biệt chú ý phải tuân thủ nguyên tắc chống dịch an toàn và doanh nghiệp cần cân nhắc thời điểm đưa hàng lên biên giới.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản của Văn phòng Chính phủ số 177/TB-VPCP ngày 8/5/2020 về phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ và số 3701/VPCP-KTTH ngày 11/5/2020 về hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, Bộ Công Thương đã gửi công văn hỏa tốc số 3461/BCT-XNK đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam; các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc…
Khu vực tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh. |
Theo đó, cho phép mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở: Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng (tỉnh Lạng Sơn); Bắc Phong Sinh và lối mở Ka Long (tỉnh Quảng Ninh).
Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở khác, UBND các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tối đa công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để chủ động mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn theo quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và đảm bảo quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, chỉ khôi phục lại các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là hàng nông sản, thủy hải sản xuất khẩu và hàng nguyên liệu cấp thiết nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước. Chỉ mở để giao thương hàng hóa, không cho phép xuất nhập cảnh đối với người.
Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại tại văn bản số 177/TB-VPCP và văn bản số 3701/VPCP-KTTH nêu trên, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh sớm trao đổi, thống nhất với các địa phương biên giới phía Trung Quốc để tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, cần đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động, không để lợi dụng việc mở các cửa khẩu phụ, lối mở này để buôn lậu, gian lận thương mại.
UBND các tỉnh cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục cập nhật, đưa tin thường xuyên về diễn biến giao nhận hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt, khi Chính quyền phía bạn có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của ta; kịp thời trao đổi, phản ảnh với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.
Mặt khác, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các hiệp hội, doanh nghiệp cần chú ý tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các khuyến cáo trước đây của Bộ Công Thương, chủ động cân nhắc, điều chỉnh tiến độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu, đa dạng hóa hình thức vận chuyển - giao nhận hàng hóa, khai thác tối đa tuyến vận tải đường sắt liên vận để giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ.
Thời gian qua, rất nhiều ngành hàng sản xuất chủ lực từ dệt may, da giày đến khai khoáng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thông thương chậm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy nhanh tốc độ phục hồi sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ kép mà toàn thể hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân ta cần chung tay thực hiện với tâm thái cẩn trọng nhưng không sợ hãi.
Tùng Dương