"Ổ" cho vay nóng online do người Trung Quốc cầm đầu, lãi suất…1000%/năm
Các ứng dụng (app), website cho vay tiền nóng, vay tiền nhanh đang hoạt động rầm rộ với lãi suất “cắt cổ”. Nhiều người đã rơi vào cảnh túng quẫn, mất khả năng trả nợ và bị "khủng bố" tinh thần.
Các ứng dụng vay tiền online hoạt động rầm rộ trên mạng.
App cho vay như “nấm mọc sau mưa”
Mới đây, Công an TPHCM đã triệt phá thành công đường dây cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng cho vay tiền nhanh do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu.
Các đối tượng trong đường dây này đã cho hơn 60.000 người ở 60 tỉnh, thành vay số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Chúng sử dụng các ứng dụng như “Vaytocdo”, “Moreloan” hay “VD online” để cho vay với lãi suất “cắt cổ”.
Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi bị bắt.
Cụ thể, khách hàng vay tiền lần đầu qua ứng dụng “Vaytocdo” được duyệt vay tối đa 1,7 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận được 1.428.000 đồng, số tiền còn lại là phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, khách hàng sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi với số tiền 2.040.000 đồng và nếu trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
Đối với khách hàng vay lần đầu qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” sẽ được duyệt vay số tiền 1,5 triệu đồng nhưng chỉ nhận 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả gốc vay là 1,5 triệu đồng và nếu trả chậm sẽ bị phạt từ 2-5% lãi suất/ngày.
Theo cách tính trên, người vay phải trả lãi suất lên đến 3%/ngày, tương đương 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm.
Đối với khách hàng trả tiền đúng hạn, vay tiền các lần tiếp theo sẽ được nâng cấp từ 1 đến 7. Cấp độ cao nhất sẽ được duyệt vay tối đa với số tiền là 2.750.000 đồng.
Đối với khách hàng không trả nợ đúng hạn, các đối tượng cho người gọi điện, nhắn tin đe dọa, gửi thông tin cho nhiều người thân khác nhằm làm mất uy tín, danh dự của “con nợ”.
Các ứng dụng cho vay tiền hoạt động rất bài bản với những bước ghi nhận thông tin người vay.
Theo ghi nhận của Dân trí, hiện nay, nhiều ứng dụng vay tiền đang hoạt động khá rầm rộ như: Cashwagon, Moneycat, Robocash, One Click, Vamo, Tamo, Senmo, Zvay…
Người vay chỉ cần nhập tên, số tiền muốn vay (dưới 10 triệu đồng), số điện thoại, giấy tờ tùy thân, ngày tháng năm sinh, tên công ty, địa chỉ nơi làm việc, tên người thân, số điện thoại người thân … theo từng bước mà các app cho vay tiền soạn sẵn.
Sau khi hoàn thành các thông tin mà app yêu cầu, người dân sẽ đạt được 72% cơ hội được phê duyệt khoản vay. Khách hàng sẽ được lựa chọn việc giải ngân qua thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử MoMo…
Bước cuối cùng là chụp ảnh chân dung người vay, chụp 2 mặt CMND và chờ duyệt hồ sơ. Nếu muốn duyệt hồ sơ nhanh thì người vay phải “móc hầu bao” thêm 500.000 đồng.
Lãi suất “cắt cổ”
Trong vai người đi vay tiền, chúng tôi tìm đến website www.chovaytragop... Trên website để số điện thoại cho vay 0708955xxx.
Khi chúng tôi liên lạc, một người đàn ông giọng miền Bắc cầm máy. Chúng tôi ngỏ ý vay 20 triệu đồng.
Người đàn ông cho biết, muốn vay thì cần có hộ khẩu, chứng minh nhân dân ở TPHCM và đang ở trong ngôi nhà đúng địa chỉ ghi trên giấy tờ.
“Muốn vay 20 triệu đồng thì làm giấy vay 25 triệu đồng, em nhận 20 triệu đồng. 3 tuần sau trả lại anh 25 triệu đồng”, người đàn ông nói.
Theo người đàn ông này, 5 triệu đồng chênh lệch chính là tiền lãi trong 3 tuần vay của chúng tôi.
Như vậy, mức lãi suất mà người đàn ông đưa ra là 35,7%/tháng, tức khoảng hơn 428%/năm.
Các website cho vay nóng luôn quảng cáo là thủ tục đơn giản, nhận tiền liền tay.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến website cho vay tiền góp theo ngày có tên miền www.vaytiengopngay… Một người đàn ông giọng miền Bắc pha tiếng miền Nam nghe máy.
Sau khi hỏi chúng tôi nhà ở đâu, làm nghề gì… Người đàn ông cho biết, muốn vay 20 triệu đồng thì mỗi ngày góp 1,2 triệu đồng. Góp liên tục 21 ngày.
Như vậy, sau khi góp xong, người vay sẽ phải đưa tổng cộng 25,2 triệu đồng, tức lãi suất khoảng 37,1%/tháng, 446%/năm.
Chính vì mức lãi suất “cắt cổ” này, nhiều người đã rơi vào cảnh túng quẫn, không thể trả nợ và bị “khủng bố” tinh thần.
Anh L.T (ngụ quận Bình Tân) chia sẻ, anh là một nạn nhân của việc vay tiền trên mạng. Chỉ vì vay nóng 30 triệu đồng để kinh doanh mà anh đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng bế tắc.
“Mỗi tháng tôi đóng gần 11 triệu đồng tiền lãi, trong khi thu nhập của tôi chỉ khoảng 14 - 15 triệu đồng/tháng. Việc kinh doanh bấp bênh khiến tôi cũng mất khả năng trả lãi sau 3 tháng”, anh T. nói.
Theo anh T., ngay sau khi không thể trả tiền lãi hàng tháng thì nhiều tài khoản Facebook “ảo” đã liên tục đe dọa anh, bạn gái anh và người thân của anh.
“Họ đưa tên, tuổi, số điện thoại, CMND, địa chỉ nhà tôi lên mạng rồi cảnh báo lừa đảo. Họ đưa cả hình ảnh của tôi và bạn gái tôi ghép vào thông tin cảnh giác. Họ nói tôi lừa đảo nhiều công ty, vay tiền không trả khiến tôi và bạn bè, người thân của tôi đều rất mệt mỏi”, anh T. tâm sự.
Theo anh T., sau khi bị “khủng bố” tinh thần, gia đình anh đã tức tốc vay mượn từ nhiều nơi để trả nợ cho anh để tránh phiền toái.
Nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của vay tiền nóng qua mạng.
Không chỉ có anh T., nhiều người dân tại TPHCM cũng đã rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bị “sập bẫy” tín dụng đen.
Ghi nhận của Dân trí, các website vay tiền nóng, vay tiền nhanh hiện đang hoạt động rầm rộ và công khai. Đa số các trang web này đều quảng cáo là thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, lãi suất thấp, nhận tiền nhanh chóng… Tuy nhiên, khi người dân đã “dính” vào những trang web này thì đa phần đều thiệt thân.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, PGĐ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp để cấp tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của cá nhân và doanh nghiệp, nhất là tín dụng tiêu dùng.
“Tốc độ tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng những năm gần đây khá nhanh, đáp ứng một phần nhu cầu vốn của người dân. Dù vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều người gặp khó khăn, cần vốn đột xuất đã tìm đến các kênh vay vốn "nóng" bên ngoài, vay qua app. Do đó, cơ quan quản lý cần khuyến cáo người vay cẩn trọng, tìm hiểu kỹ về thủ tục, điều kiện vay vốn, mức lãi suất”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, Nhà nước từng cảnh báo nhiều lần về sự biến tướng của hoạt động cho vay này khi một số đối tượng có thể núp bóng "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho cả người vay và người cho vay.
Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân, khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ. Người dân cần cảnh giác cao với vay tiền qua website, ứng dụng.
"Để hạn chế tín dụng đen, cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng gồm cả ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Đồng thời cũng phải bảo đảm kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng", ông Minh chia sẻ.
Ông Trần Viết Quân, chuyên gia công nghệ tại TPHCM cho biết, người dân trước khi cài đặt các ứng dụng liên quan đến tài chính nên xem các nội dung đánh giá của người dùng khác trên kho tải. Sau đó, người dân truy cập vào website chính thức của ứng dụng để xem độ tín nhiệm của sản phẩm. Ông Quân đề xuất, các cơ quan chức năng cần có bộ phận rà quét, xử lý những ứng dụng cho vay không phép. Điều này không khó nếu các cơ quan chức năng tổ chức được một kênh tiếp nhận và thực thi xác minh thông tin phản ảnh từ người dân một cách nhanh chóng. |
Theo Dân trí