Tình báo Mỹ, Anh xem xét giả thuyết phòng thí nghiệm Vũ Hán gặp sự cố
Tình báo Mỹ, Anh đang xem xét báo cáo về dữ liệu điện thoại di động có thể cho thấy Viện Virus học Vũ Hán gặp sự cố vào tháng 10/2019.
Các cơ quan tình báo hai nước đang nghiên cứu một báo cáo 24 trang do Đơn vị Kiểm chứng Tin tức NBC có trụ sở ở London, Anh thu thập được, cho thấy không có bất kỳ hoạt động nào của điện thoại di động trong khu an ninh cao của Viện Virus học Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 7/10 đến 24/10 năm ngoái.
Trước đó, điện thoại di động thường xuyên được sử dụng ở khu vực này. Báo cáo của cơ quan phân tích độc lập này cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy đã xảy ra một "sự cố nguy hiểm" buộc phòng thí nghiệm này dừng hoạt động trong khoảng thời gian từ 6/10 đến 11/10/2019.
Phân tích dữ liệu điện thoại di động từ khu vực xung quanh Viện Virus học Vũ Hán cũng cho thấy các rào chắn đã được dựng lên trên các con đường gần cơ sở này trong khoảng thời gian từ 14/10 đến 19/10/2019.
Ngoài các cơ quan tình báo Mỹ, Anh, báo cáo cũng đang được Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ xem xét.
Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập kêu gọi thận trọng với những nhận định trong tài liệu trên, bởi tác giả báo cáo không cung cấp thêm được bằng chứng trực tiếp nào ngoài dữ liệu về sóng điện thoại.
Phân tích này dường như cũng chỉ dựa trên một phần nhỏ số điện thoại di động được sử dụng tại một cơ sở có 200-300 nhân viên. Giới chuyên gia cũng cho rằng có nhiều lý do khác nhau có thể ảnh hưởng đến tần suất sử dụng điện thoại của nhân viên tại phòng thí nghiệm này.
Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: WIV. |
Hiện chưa rõ tổ chức tư nhân nào đã thực hiện báo cáo phân tích về dữ liệu điện thoại di động liên quan với Viện Virus học Vũ Hán.
Tuy nhiên, tổ chức thực hiện báo cáo dài 24 trang cho hay thông tin này "củng cố giả thuyết Covid-19 khởi phát từ Viện Virus học Vũ Hán" và đại dịch có thể bắt đầu sớm hơn so với những gì mọi người vẫn tưởng. Ca nhiễm nCoV đầu tiên được xác nhận tại Trung Quốc là vào ngày 17/11/2019.
Báo cáo này có thể là nguồn thông tin được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập tới gần đây khi ông nói đã nhìn thấy bằng chứng giúp ông "có mức độ tự tin cao" vào giả thuyết Covid-19 vô tình bị phát tán từ Viện Virus học Vũ Hán. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hồi đầu tháng còn khẳng định Mỹ có "bằng chứng to lớn" rằng nCoV xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Cách đây vài ngày, thượng nghị sĩ Cộng hoà Marco Rubio, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, đăng Twitter rằng "Sẽ rất thú vị nếu ai đó phân tích dữ liệu được đo từ xa và trong phạm vi phòng thí nghiệm Vũ Hán trong giai đoạn từ tháng 10-12/2019. Nếu nó cho thấy sự sụt giảm đáng kể hoạt động so với 18 tháng trước thì đó sẽ là một dấu hiệu to lớn về một sự cố tại phòng thí nghiệm Vũ Hán và thời điểm nó xảy ra".
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thông qua dự án xây dựng Viện Virus học Vũ Hán vào năm 2003 với chi phí xây dựng 44 triệu USD, có thể chống chịu động đất mạnh 7 độ. Năm 2015, Viện chính thức đi vào hoạt động. Đây là cơ sở đầu tiên ở Trung Quốc nghiên cứu về các mầm bệnh đe dọa cuộc sống con người và là niềm tự hào của người dân thành phố Vũ Hán.
Một số quan chức Mỹ nói với NBC News rằng họ trước đây đã xem xét một số báo cáo tương tự, cũng dựa trên dữ liệu sóng di động để đưa ra nhận định rằng phòng thí nghiệm Vũ Hán từng phải đóng cửa tạm thời vì sự cố.
Các quan chức này sau đó phân tích dữ liệu mà họ thu thập được, kể cả ảnh vệ tinh, nhưng không thể khẳng định được rằng Viện Virus học Vũ Hán từng gặp sự cố phải đóng cửa, nên cho rằng giả thuyết đó là "không thuyết phục".
Trung Quốc cũng phủ nhận giả thuyết nCoV thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Ngoại trưởng Mỹ không thể chứng minh nCoV lọt phòng thí nghiệm Vũ Hán bởi ông "không có bất kỳ bằng chứng nào".
Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán vào cuối năm 2019, xuất hiện ở hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 4 triệu người nhiễm, hơn 282.000 người tử vong.
Theo VNE