Đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sau đại dịch: Không thể “ngồi chờ"?
Bộ trưởng Công Thương cho rằng, trước tác động của Covid-19, nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có không ít những cơ hội giúp Việt Nam phục hồi nếu chúng ta biết tận dụng.
Không thể chờ Covid-19 biến mất mới hồi phục kinh tế
Ngày 7/5, lãnh đạo Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động toàn diện.
Đây là cái “bắt tay” giữa một bên là cơ quan quản lý nhà nước với đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hồi phục kinh tế trong “trạng thái bình thường mới”.
Trao đổi với PV bên lề lễ ký kết, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương cho rằng chúng ta không thể chờ Covid-19 “biến mất hoàn toàn” rồi mới trở lại hồi phục kinh tế được.
Phần lớn các nước đều xác định đưa nền kinh tế trở lại hoạt động trạng thái bình thường mới. Theo ông Trần Tuấn Anh, Việt Nam là nước đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt, câu chuyện quan trọng bây giờ cần làm ngay đó là khai thác hiệu quả thời cơ.
Bộ trưởng Công Thương cho rằng, trước tác động của Covid-19, nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, vẫn có không ít những cơ hội giúp Việt Nam phục hồi nếu chúng ta biết tận dụng.
Phía Bộ Công Thương và đại diện cộng đồng doanh nghiệp - VCCI đã cùng nhắc tới một trong cơ hội đó là việc xác lập vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Theo nhìn nhận từ người đứng đầu Bộ Công Thương, dịch Covid-19 đã và đang gây ra cú sốc lớn cả về phía cung lẫn cầu cho nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế nói riêng. Hiện nay nhiều nền kinh tế lớn đã và đang lên kế hoạch tái cơ cấu chuỗi giá trị của các ngành sản xuất toàn cầu sau khi dịch bệnh kết thúc.
Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã có định hướng mở rộng sản tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc dịch chuyển cơ sở sản xuất, gia công sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
“Việt Nam sẽ có cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn nếu có chính sách thu hút phù hợp”, người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Do vậy cần tập trung vào thúc đẩy cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế chế tạo lớn của Việt Nam theo hướng bền vững.
Ngoài ra Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết có thể tận dụng cơ hội trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, thâm nhập thị trường khi hàng loạt các đối tác lớn của Việt Nam đều có gói hỗ trợ kinh tế.
“Chúng ta phải tận dụng cơ hội này khi có sự thay đổi chuỗi cung ứng. Việt Nam cần tận dụng lợi thế. Câu chuyện tiếp theo là có kế hoạch, chương trình hoạt động thu hút đầu tư, hình thành chuỗi cung ứng, tạo nên nền kinh tế tự chủ hơn”, ông Tuấn Anh nói.
Đón sóng dịch chuyển từ Trung Quốc ra sao?
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế kiểm soát được thành công dịch bệnh. Việc bình thường hoá đời sống kinh tế trong trạng thái mới là yêu cầu cấp thiết.
Thậm chí theo ông Lộc, việc kiểm soát sớm dịch bệnh là “cơ hội vàng” cho nền kinh tế Việt Nam trong việc mở cửa thị trường.
“Chúng ta đang là điểm an toàn trong bối cảnh. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc lại. Hậu Covid-19 sẽ có sự dịch, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn chất lượng cao”, ông Lộc nhìn nhận.
Cụ thể, theo ông Lộc, nhiều doanh nghiệp đang muốn dịch khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể đón cơ hội này, chủ động tham gia các chuỗi cung ứng mới.
"Chúng ta phải chủ động tiến công vào chuỗi cung ứng mới, chứ không phải chỉ chờ họ tìm đến chúng ta để hình thành chuỗi giá trị", ông Lộc nhấn mạnh.
Để tận dụng tốt những cơ hội này, Chủ tịch VCCI cho rằng ngoài những gói hỗ trợ mà Chính phủ ban hành thì việc thúc đẩy môi trường kinh doanh, cải cách thể chế tạo sức bật kinh tế là vô cùng quan trọng.
“Có nhiều việc chúng ta chậm trễ thì đây là thời điểm đẩy mạnh hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Lộc cho rằng các gói giải pháp cũng như việc cải cách thể chế cần làm “nhanh" hơn nữa bởi chậm một ngày là doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội.
Ngoài việc nhấn mạnh đến cơ hội về “trật tự” mới của chuỗi cung ứng thông qua biến động thị trường do tác động của Covid-19, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đề cập tới việc hồi phục lại thị trường nội địa - đây là cột trụ, bệ đỡ quan trọng đảm bảo tăng trưởng bên cạnh việc khai thông thị trường ngoài nước.
Thêm nữa, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA sắp có hiệu lực tới đây sẽ là "cứu cánh" cho xuất khẩu nửa cuối năm 2020.
Theo Dân trí