Đưa trái phiếu xanh vào cơ cấu vốn cho các dự án phát triển bền vững
(PetroTimes) - Theo Báo cáo về Cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh (GIIO) Việt Nam 2019 của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Climate Bonds Initiative (CBI), tính đến nay, Việt Nam đã khai thác các công cụ nợ xanh - bao gồm cả trái phiếu xanh - cũng như các công cụ vốn chủ sở hữu, được hỗ trợ theo các cơ chế tăng cường tín dụng và các phương pháp chia sẻ rủi ro khác.
Bắt đầu xuất hiện các công cụ “xanh hóa”
Theo Báo cáo về Cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh (GIIO) Việt Nam 2019 của CBI, động lực phát triển tài chính xanh đang bao phủ khắp toàn cầu và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Các công cụ thu nhập cố định được dán nhãn xanh đã được công nhận trên phạm vi toàn cầu là phương pháp hiệu quả để định hướng vốn đầu tư vào các hoạt động giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như các dự án bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm cả cơ sở hạ tầng xanh.
Đưa trái phiếu xanh vào cơ cấu vốn cho các dự án phát triển bền vững |
Mức độ quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư đến các dự án xanh đã mang lại sự phát triển và tăng trưởng của các sản phẩm tài chính đầy sáng tạo, bao gồm các khoản vay và trái phiếu xanh, khoản vay và trái phiếu xã hội, khoản vay và trái phiếu ESG, khoản vay và trái phiếu bền vững và các sản phẩm chỉ số xanh.
Trái phiếu xanh hiện là phân khúc phát triển nhất trong số các công cụ đầu tư vào hoạt động giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhận được sự công nhận lớn từ cộng đồng nhà đầu tư. Để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, ước tính giá trị phát hành trái phiếu xanh cần đạt 1 nghìn tỷ USD mỗi năm vào đầu những năm 2020. Một khoản tiền đáng kể dự kiến sẽ được dùng để tài trợ cơ sở hạ tầng và tài sản xanh tại các thị trường mới nổi.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo, tài chính xanh đang phát triển với động lực thúc đẩy là hiệu quả hoạt động kinh tế vượt bậc, bên cạnh đó là tiềm năng tăng trưởng liên tục có thể góp phần giúp Việt Nam đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Tính đến nay, Việt Nam đã khai thác các công cụ nợ xanh - bao gồm cả trái phiếu xanh - cũng như các công cụ vốn chủ sở hữu, được hỗ trợ theo các cơ chế tăng cường tín dụng và các phương pháp chia sẻ rủi ro khác. Điều này bao gồm bảo lãnh tín dụng một phần cho các dự án xanh, khoản vay ưu đãi cho các dự án năng lượng mặt trời và các khoản tín dụng chia sẻ rủi ro cho các dự án hiệu quả năng lượng. Các sở giao dịch chứng khoán và ngân hàng nội địa cũng đã bắt đầu xuất hiện các công cụ “xanh hóa”.
Con đường giúp đẩy mạnh tăng trưởng xanh
Báo cáo nhấn mạnh, trong tương lai, việc thúc đẩy đầu tư bền vững sẽ chủ yếu phụ thuộc vào cam kết của Chính phủ Việt Nam về xanh hóa nền kinh tế. Bất kỳ chính sách nào khuyến khích đầu tư công vào cơ sở hạ tầng xanh cũng đều có thể đưa Việt Nam tiến theo lộ trình phát triển bền vững trong dài hạn - gửi một tín hiệu quan trọng tới thị trường và tạo cho đất nước cơ hội tiếp cận vốn mới.
Năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt mở rộng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế hiệu quả và bền vững, hỗ trợ thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Năm 2020, Chính phủ và các bộ liên quan có thể dựa vào tầm nhìn này thiết lập khung tài chính xanh và phát triển các công cụ tài chính xanh nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh.
Gần 30 tỉnh (thành phố) tại Việt Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, do chính quyền cấp tỉnh sẽ trở thành nhân tố then chốt trong việc tạo điều kiện cho đầu tư xanh khi triển khai các chính sách về biến đổi khí hậu theo hướng phi tập trung.
Chính quyền cấp tỉnh có thể cho phép đầu tư xanh vào các lĩnh vực hạ tầng xanh, giao thông công cộng, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng thông qua các ưu đãi thuế cũng như các quy định và tổ chức thể chế hiệu quả. Điều này có thể thực hiện dưới hình thức đối tác công tư với khả năng gỡ bỏ gánh nặng tài chính địa phương và tài chính nhà nước. Điều này cũng có thể thực hiện thông qua việc phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương.
Việc phát hành trái phiếu xanh ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang trên đà phát triển và có 10 quốc gia ASEAN có tiềm năng tăng trưởngimạnh mẽ. Sau đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên tại Philippines, vào tháng 2/2016, hai đợt phát hành trái phiếu xanh sau đó tại ASEAN do chính quyền địa phương Việt Nam thực hiện (TP Hồ Chí Minh và UBND Bà Rịa - Vũng Tàu) với trái phiếu xanh có mệnh giá bằng đồng Việt Nam đầu tiên, được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Hai đợt phát hành này là kết quả của chương trình thí điểm giữa Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), nhằm chuẩn bị thị trường cho những đợt phát hành trong tương lai.
Tính đến hiện tại, tổng giá trị trái phiếu xanh được phát hành tại Việt Nam đã đạt 27 triệu USD và con số này có tiềm năng tiếp tục tăng lên. Các đơn vị phát hành là chính quyền địa phương mở ra thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam và cho đến thời điểm hiện tại là các cơ quan chính quyền địa phương duy nhất phát hành phiếu xanh trong thị trường ASEAN.
Các đơn vị phát hành tiềm năng trong tương lai thuộc khu vực nhà nước, ví dụ như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam có thể hỗ trợ Chiến lược tăng trưởng canh Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia bằng cách tăng cường khuyến khích đầu tư xanh. Đây có thể là một con đường giúp tạo điều kiện phát hành trái phiếu xanh.
Là một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất do lũ lụt ven biển, Hải Phòng và Đà Nẵng cũng có thể tham gia thị trường trái phiếu xanh để tăng khả năng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các con đường khác giúp đẩy mạnh tăng trưởng xanh nằm ở việc giải quyết các vấn đề quản lý nước và chất thải.
Một thị trường trái phiếu năng động hiện có ở Việt Nam có thể tạo điều kiện đưa trái phiếu xanh vào cơ cấu vốn. Tổng giá trị đồng Việt Nam (VND) của thị trường trái phiếu vẫn còn tương đối thấp, với 177 nghìn tỷ VND (58,9 tỷ USD) lưu hành vào cuối tháng 1/2020; tuy nhiên, thị trường vẫn đang phát triển. Tổng cộng, có 50 đơn vị phát hành riêng biệt và thị trường bị chi phối bởi 176 loại trái phiếu của chính phủ Việt Nam, tổng giá trị 979 tỷ VND (43,5 tỷ USD), và đơn vị phát hành lớn thứ hai là Ngân hàng Phát triển Việt Nam chiếm một phần mười quy mô, ở mức 100 tỷ VND (4,7 tỷ USD) với 316 loại trái phiếu. Các loại tài sản doanh nghiệp tuy nhỏ nhưng vẫn hoạt động tích cực.
"Việt Nam đang đứng trước thời cơ quan trọng để phát hành trái phiếu chính phủ xanh" - Báo cáo nhấn mạnh và cho rằng, trái phiếu chính phủ xanh có thể tài trợ cho hàng loạt dự án hạ tầng, bao gồm cả các loại dự án đang triển khai đã được tài trợ bằng trái phiếu chính phủ Việt Nam (thu nhập cố định). Mục đích sử dụng nguồn thu có thể là dùng cho một loại hạ tầng duy nhất hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, trái phiếu chính phủ ban đầu của Bỉ được dành phần lớn (85%) cho lĩnh vực vận tải phát thải carbon thấp, trong khi đó, Indonesia phân bổ nguồn thu từ trái phiếu xanh cho 5 lĩnh vực: Năng lượng, xây dựng, vận tải, xử lý chất thải và sử dụng đất.
M.T
Tín dụng xanh cho ngành nông nghiệp sạch vẫn còn khiêm tốn |
CMCN 4.0 hỗ trợ “xanh” hóa các hoạt động ngân hàng |
Cần đặt mục tiêu cho chính sách tín dụng xanh |