Ký ức người lính ở đơn vị bộ binh đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập
Nếu không có chiến tranh, có lẽ ông Hoàng Khắc Huệ (SN 1949, trú phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An) đã trở thành một thầy giáo dạy Toán. Đến khi nghỉ hưu, ông vẫn là một ông giáo mực thước và mẫn tiệp, chỉ có điều, không phải trên giảng đường dạy kiến thức mà ở một ngôi trường quân sự.
|
Kẻ thù buộc ta ôm cây súng
Nếu không có chiến tranh, có lẽ ông Hoàng Khắc Huệ (SN 1949, trú phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An) đã trở thành một thầy giáo dạy Toán. Đến khi nghỉ hưu, ông vẫn là một ông giáo mực thước và mẫn tiệp, chỉ có điều, không phải trên giảng đường dạy kiến thức mà ở một ngôi trường quân sự.
Lực lượng bộ binh tiến vào dinh Độc Lập sáng 30/4/1975 (ảnh Jacque Pavlovsky). |
Tháng 8/1971, anh sinh viên năm thứ 3 khoa sư phạm Toán, trường ĐH Vinh về quê nhà Thanh Chương nghỉ hè. Ngày 13/8/1971, Hoàng Khắc Huệ nhận được điện báo có mặt tại Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) để tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Lúc này, cha ông không có nhà. Chỉ có mẹ tiễn ông lên đường. Người mẹ đã mất đi đứa con đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp dẫu lòng nặng trĩu lo âu nhưng khi đất nước lâm nguy bà không thể ích kỷ mà giữ con ở lại. Chàng trai 22 tuổi nắm chặt đôi bàn tay gầy guộc, thô ráp của mẹ, hứa chắc nịch “Mẹ yên tâm, con không chết được đâu” rồi bươn bả đi bộ sang huyện Đô Lương để tìm đường đến điểm tập kết.
Giảng đường khép lại khi Hoàng Khắc Huệ cùng gần 250 sinh viên Trường ĐH Vinh có mặt trong đoàn quân bổ sung vào chiến trường B. Đó là một ngày tháng 6/1972 nắng như đổ lửa, gió Lào thổi rạt bờ tre…
Ông Huệ hồi tưởng lại không khí tiến công thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh. |
Chàng sinh viên khoa Toán được biên chế vào Trung đoàn 66 – bộ binh, Sư đoàn 304, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1974, do yêu cầu của tình hình mới, Quân đoàn 2 được thành lập, bao gồm Sư đoàn 304.
Từ Thượng Đức (Quảng Nam), Sư đoàn 304 hành quân tham gia giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975), tiến vào Nam đập tan các cứ điểm phòng thủ khác của địch ở Phan Rang, Hàm Tân (Bình Thuận) vào rạng sáng 22/4/1975. Sư 304 trong đội hình Quân đoàn 2 được lệnh thần tốc hành quân theo tuyến đường 1 chuẩn bị tham gia đánh chiếm căn cứ Nước Trong – Long Thành. Khi đó Hoàng Khắc Huệ là trợ lý tác chiến Trung đoàn 66.
"Chúng không thể ngờ, với một lòng tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh cách mạng, nhiều người dân ở Ninh Thuận sẵn sàng dùng xe cá nhân, xe tải để chở bộ đội vào kịp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh".
“Thời điểm đó Tổng thống chính quyền Sài Gòn nhận định Quân đoàn 2 sẽ mất hơn 1 tháng mới có thể từ Ninh Thuận vào đến Sài Gòn. Nhưng chúng không thể ngờ, với một lòng tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh cách mạng, nhiều người dân ở Ninh Thuận sẵn sàng dùng xe cá nhân, xe tải để chở bộ đội vào chiến trường. Mỗi xe chở được cả trung đội hành quân thần tốc, bởi vậy, chỉ mất hơn 1 ngày đi đường, ngày 24/4/1975, đơn vị tập kết cách Sài Gòn khoảng 60 km”, cựu chiến binh Hoàng Khắc Huệ nhớ lại.
Tiến về Sài Gòn quét sạch giặc thù
Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Ngày 28/4/1975, sau khi tiêu diệt được ổ kháng cự của địch ở căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai), Quân đoàn 2 tổ chức binh đoàn thọc sâu (gồm Trung đoàn 66 bộ binh, Lữ đoàn Thiết giáp, Lữ đoàn Công binh, Tiểu đoàn pháo nòng dài của Lữ đoàn 164, Tiểu đoàn pháo 85, Tiểu đoàn pháo cao xạ 37 của Lữ đoàn 664) và một số đơn vị binh chủng khác thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu vòng ngoài. Chiều 29/4/1975, binh đoàn thọc sâu bắt đầu xuất phát từ căn cứ Nước Trong tiến vào Sài Gòn.
Cựu chiến binh Hoàng Khắc Huệ: "Vượt qua cầu Sa Lộ, hơn 10h ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 đã có mặt ở cổng dinh Độc Lập và là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt tại đây".
23h ngày 29/4/1975, đội hình tấn công vượt quan cầu sông Buông, vượt qua cầu Sa Lộ (Biên Hòa). Gần 6h ngày 30/4/1975, binh đoàn thọc sâu tiến đến cầu Sài Gòn, vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch tại đây. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân giải phóng, không thể giật sập cầu, tiểu đoàn phòng ngự của địch ở đây “không đánh mà tan”.
Bộ binh ào ào tiến qua cầu, theo bản đồ tiến vào Sài Gòn. Chính quyền địch trên đường tiến công của quân giải phóng chạy trốn, bỏ nhiệm sở. Đường vào Đô thành thênh thang rộng mở, chào đón những người lính tiến vào thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
“Đường tiến vào dinh Độc Lập vắng ngắt. Những tấm biển cảnh báo “người và ngựa đi qua, binh sĩ sẽ nổ súng” được chính quyền Sài Gòn chăng khắp nơi để ngăn người dân tiếp cận Dinh Độc Lập. Hơn 10h ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 đã có mặt ở cổng Dinh.
"Cái khoảnh khắc trong ngày đại thắng đó suốt cuộc đời người lính chúng tôi không thể quên được!" - Trung tá Hoàng Khắc Huệ.
Thời điểm này, chiếc cổng phụ của Dinh Độc Lập đã mở, Đại úy Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung đoàn 66, ngồi trên chiếc xe Zep tiến vào, bộ binh chúng tôi theo sau. Trung đoàn 66 là đơn vị bộ binh đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập vào sáng ngày 30/4, chứng kiến khoảnh khắc sụp đổ của chính quyền Sài Gòn khi lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được kéo lên…”, ông vẫn nguyên vẹn khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời người lính của mình.
Tham gia nhiều chiến dịch nhưng có mặt ở Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975 là niềm hạnh phúc vô bờ của người lính bộ binh Hoàng Khắc Huệ. |
11h30 ngày 30/4/1975, nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên sóng phát thanh, những người lính Bắc Việt vượt ngàn trùng xa xôi vào đây nối liền một dải non sông nước mắt hòa lẫn nụ cười. Trên đường phố, tàn quân địch cởi bỏ quân phục, vứt hết vũ khí thất thểu chạy trốn. Người dân ùa ra đường, cờ hoa rực rỡ, hòa cùng bài ca “Nối vòng tay lớn”.
“Cái khoảnh khắc trong ngày đại thắng đó suốt cuộc đời người lính chúng tôi không thể quên được. Vui lắm, sung sướng lắm! Chúng tôi cười, chúng tôi hát, chúng tôi reo mừng đến chiều tối mà không biết mệt dù suốt từ đêm 29/4 chỉ ăn vài mẩu lương khô. Niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao dễ khiến người ta quên đi tất cả, dành trọn tâm trí cho nó”, ông hồi tưởng.
Người dân Sài Gòn đổ ra đường với cờ hoa, biểu ngữ chào mừng ngày thống nhất non sông (ảnh tư liệu) |
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, ông tiếp tục cùng đơn vị sang Camphuchia giúp nước bạn đánh đuổi Polpot. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đơn vị ông lại tốc hành quay ngược ra Bắc, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất bờ cõi. Khi tình hình chiến sự tạm ổn, ông Hoàng Khắc Huệ được điều về làm Trưởng ban tham mưu huấn luyện, Trường Văn hóa Quân đoàn 2.
Năm 1986, trước yêu cầu tình hình mới, Trường Văn hóa Quân đoàn 2 giải tán, Trung tá Hoàng Khắc Huệ chuyển công tác về Trường Quân sự Quân đoàn 2 cho đến năm 1993 thì về hưu.
Theo Dân trí
Trưng bày tư liệu quý “Ngày thống nhất đất nước” tại Hoàng thành Thăng Long |
KTS Nguyễn Hữu Thái kể lại giây phút lịch sử tại Dinh Độc Lập |
Suy ngẫm từ chiến thắng 30-4 |