Bộ Y tế giải thích vì sao bệnh nhân Covid-19 đã âm tính rồi lại dương tính
(PetroTimes) - Trước những trường hợp bệnh nhân đã âm tính sau đó lại dương tính với Covid-19, nhiều người dân lo ngại về nguy cơ lây nhiễm và khả năng tái phát dịch bệnh. Các chuyên gia y tế đã lên tiếng giải thích nguyên nhân này.
Thêm ba người tái dương tính sau xuất viện |
Covid-19 có thể thay đổi vĩnh viễn ngành hàng không ra sao? |
WHO công nhận bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế |
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng, việc bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh mà vẫn có kết quả dương tính lại không phải là hiện tượng mới, trên thế giới đã có nhiều trường hợp.
Theo TS Thái, trường hợp đã âm tính 2-3 lần với virus SARS-CoV-2, nhưng sau đó lại dương tính là do thụ thể của virus SARS-CoV-2 là ở phổi chứ không nhiều ở trên vùng hầu họng. Vì vậy, khi có triệu chứng bệnh là virus đã tấn công đến phổi.
Bệnh nhân đã được điều trị từ 6-7 ngày đến khi hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được virus.
Có 8 bệnh nhân đã âm tính rồi lại dương tính với Covid-19 |
Đến khi 2 lần âm tính (sau khi hết triệu chứng và thêm 6 ngày chờ lấy mẫu), kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng không loại trừ các trường hợp có tổn thương ở phổi và các tế bào có xác virus.
Mặc dù không gây bệnh, nhưng xác virus vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi, lúc này việc xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính.
“Dương tính ở đây là phát hiện xác của virus chứ không có nghĩa là virus còn sống và đang gây bệnh. Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng, nhưng một số người có triệu chứng ho do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại sẽ có những xác của virus. Lúc này khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính”, TS Thái phân tích.
Với những trường hợp nêu trên, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ làm thêm các thử nghiệm như kiểm tra xem bệnh nhân có kháng thể hay không; nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không… để kiểm tra.
“Tuy nhiên, khi phát hiện các ca bệnh sau hồi phục có kết quả xét nghiệm dương tính lại, các cơ sở y tế vẫn tiếp tục giữ những bệnh nhân này lại để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu, nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới với y học hiện tại”, TS Thái nói.
Thông tin thêm về những trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 rồi lại dương tính trở lại, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 24/4 vừa qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết: "Có một số vấn đề đặt ra về chuyên môn với những trường hợp người bệnh này".
Cụ thể, theo ông Long, thứ nhất có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
Thứ hai, là khả năng những người đã khỏi bệnh nhưng còn trong quá trình đào thải virus ở dạng bất hoạt - xác virus. Khi làm khuếch đại gen, sẽ xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.
Thứ ba là người lành mang trùng (hiện có một trường hợp). Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.
“Chúng tôi đã yêu cầu với các cơ quan, với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó xét nghiệm dương thì giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Hiện Bộ Y tế đã giao cho 2 labo là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP HCM thực hiện kỹ thuật này, sớm có câu trả lời.
Nguyễn Bách