Hỗ trợ ngành Dầu khí là đảm bảo lợi ích hài hòa cho đất nước
(PetroTimes) - Theo Tiến sỹ Trần Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ngành Dầu khí đang chủ động, tích cực đưa ra các giải pháp ứng phó với "khủng hoảng kép".
Tiến sỹ Trần Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc PVN. |
PV: Thưa ông, vừa qua, PVN đưa ra đề xuất tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu, nhằm hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước trước bối cảnh hàng tồn kho lớn nhưng nhập khẩu xăng dầu vẫn ở mức cao. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
Tiến sỹ Trần Ngọc Cảnh: Tôi cho rằng, đề xuất này hoàn toàn hợp lý, phù hợp với yêu cầu thị trường hiện nay và đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Trong bối cảnh tiêu thụ giảm sút mạnh trên toàn cầu, khủng hoảng giá dầu ngày càng nặng nề, các quốc gia như Nga, Indonesia, Trung Quốc,… đồng loạt thực hiện các biện pháp ngưng nhập khẩu xăng dầu, tăng bảo hộ, chống bán phá giá, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua suy thoái. Tổng thống Donald Trump ngày 21/4 tuyên bố rằng ông đã yêu cầu chính quyền lập kế hoạch viện trợ khẩn cấp cho ngành dầu khí đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá "vàng đen" giảm mạnh.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước, vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo, gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và ưu tiên mua hàng từ nguồn sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, chúng ta không nên chỉ xét trên lợi ích kinh tế. Ngành Dầu khí nước ta bên cạnh vai trò quan trọng trong nền kinh tế, còn có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và khẳng định bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nguồn xăng dầu sản xuất trong nước giúp chúng ta tự chủ năng lượng, ổn định thị trường, chủ động hơn trước các biến động của thị trường năng lượng thế giới. Và trên các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, hoạt động của các giàn khoan dầu khí của PVN đã trở thành những “vọng gác tiền tiêu” khẳng định các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Do đó, tôi cho rằng, nay là giai đoạn khó khăn mà người lao động Dầu khí rất cần sự tin tưởng, khích lệ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân. Và về phía mình, Chính phủ cũng cần có những quyết sách thật sự mạnh mẽ và quyết liệt để hỗ trợ ngành Dầu khí trong nước, đảm bảo lợi ích hài hòa cho đất nước trong giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay.
PV: Về những giải pháp mà PVN đưa ra nhằm đối phó với giai đoạn "khủng hoảng kép" giá dầu giảm sâu và dịch bệnh Covid-19 lan rộng toàn cầu, ông nhận định ra sao?
Tiến sỹ Trần Ngọc Cảnh: Tôi thấy rằng, trong "khủng hoảng kép" dịch bệnh và giá dầu, PVN đã chủ động, tích cực, kịp thời trong việc đưa ra những giải pháp ứng phó trên các mặt công tác về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường..., cũng như đưa ra các đề xuất về cơ chế chính sách rất hợp lý như đề xuất tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu. Ngoài ra, giải pháp “quản trị biến động” cũng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay trước những biến động rất khó lường của thị trường. Những giải pháp này cần tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt trong giai đoạn tới để tối ưu hoá hoạt động SXKD, giảm đến mức thấp nhất các tác động của khủng hoảng.
PVN: Theo ông, PVN có thể tìm thấy cơ hội gì trong cái khó hiện tại và cần làm gì để nắm bắt?
Tiến sỹ Trần Ngọc Cảnh: Thực tế là bên cạnh khó khăn, thách thức thì bối cảnh hiện tại cũng nảy sinh các cơ hội, nên cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, tiếp tục rà soát, thay đổi, sáng tạo, thường xuyên cập nhật thông tin để có giải pháp quản trị, điều hành kịp thời, hiệu quả.
Cụ thể, xu hướng hiện tại cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khi giá dịch vụ và giá thuê giàn khoan giảm mạnh; nhiều chủ mỏ sẽ phải đóng mỏ hoặc bán mỏ; chi phí trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí vì thế cũng giảm mạnh…
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, PVN cần có cơ chế để tạo nguồn lực, chủ động trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Phương - Lê Trúc