Nặng nề trọng trách: Cân bằng sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế
(PetroTimes) - Theo Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đương đầu với một nhiệm vụ khó khăn là cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của nền kinh tế trong đại dịch Covid-19.
Chủ tịch VCCI: "Nới lỏng phong toả là gói kích thích kinh tế lớn nhất" |
Kinh tế số sẽ cải thiện nền kinh tế, giúp chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài |
Để doanh nghiệp có thể "vực dậy" |
3 nguy cơ kéo dài giãn cách ly xã hội
Theo VinaCapital, chi phí xã hội khi đóng cửa một phần nền kinh tế ở Việt Nam cao hơn chi phí ở các nước giàu và phát triển. Ví dụ tại Mỹ, việc phong tỏa khiến thất nghiệp gia tăng đáng kể - 22 triệu người Mỹ đã mất việc trong 3 tuần qua, nhưng chính phủ Mỹ có đủ nguồn lực tài chính để có thể chi một số tiền rất lớn hỗ trợ các doanh nghiệp và những người mất việc.
Giãn cách xã hội làm ảnh hưởng lớn tới người thu nhập thấp |
Nhưng theo VinaCapital sẽ có 3 rủi ro (theo thứ tự mức độ nghiêm trọng) của việc không mở cửa lại nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng: Cách ly xã hội gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới người thu nhập thấp; thời gian cách ly xã hội càng kéo dài, càng khó khăn cho nhiều doanh nghiệp phục hồi; đóng cửa một phần kinh tế có thể tạo ra bất ổn xã hội như ở một số quốc gia, bao gồm ở Ấn Độ, Ý và ở một số vùng của Mỹ.
“Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là các biện pháp cách ly xã hội và hạn chế di chuyển nhằm chống lại Covid-19 có khả năng tác động lớn nhất tới người thu nhập thấp. Những lao động này thường không thể làm việc tại nhà và Chính phủ khó có thể đủ nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp một số lượng lớn lao động thất nghiệp”, VinaCapital nhận định.
Standard Chartered đã công bố một báo cáo vào tuần trước, phân tích khả năng hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ các nền kinh tế mới nổi trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo Standard Chartered, cả Việt Nam và Mexico đều còn nguồn lực tài chính để hỗ trợ nền kinh tế - không giống như nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, nguồn lực này của Việt Nam và Mexico cũng hạn chế, cả hai cần phải cân nhắc lựa chọn cách triển khai hiệu quả nhất.
Cuối cùng, ngành dịch vụ của Việt Nam (chiếm khoảng 40% GDP), có một phần không nhỏ là các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ. Các cửa hàng này đặc biệt dễ lâm vào tình cảnh khó khăn khi nền kinh tế đóng cửa một phần, khi họ khó có thể tiếp cận đến những khoản vay ngân hàng để giúp họ tồn tại trong vài tháng tới, cho đến khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Việt Nam có lợi thế riêng để mở cửa trở lại nền kinh tế
Các quan chức y tế ở hầu hết các quốc gia chủ yếu tập trung vào hình dạng đường cong của biểu đồ dịch Covid-19 (bao gồm số ca nhiễm còn lại, số ca nhiễm mới và/hoặc số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày), để đưa ra các quyết định liên quan như: có nên nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19; hay mất bao lâu để quốc gia có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Và chính quyền ở mỗi quốc gia thường muốn thấy số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày đã đạt đỉnh và đang giảm dần, trước khi cho phép các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường.
Việt Nam đã làm "phẳng đường cong" biểu đồ dịch Covid-19 |
Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt trong việc “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch Covid-19 nhờ các biện pháp y tế cộng đồng nhanh chóng và quyết liệt, và hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Do đó,Việt Nam sẽ cần cân nhắc các yếu tố khác bên cạnh hình dạng đường cong của biểu đồ dịch Covid-19 để xem xét lộ trình mở cửa lại nền kinh tế.
Một yếu tố mà Việt Nam có thể tập trung vào là sự ổn định liên tục của đường cong biểu đồ số ca nhiễm còn lại, với quy ước rằng số lượng các ca nhiễm mới không vượt quá nhiều so với số ca hồi phục hàng ngày.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể xem xét 2 yếu tố dưới đây được các quốc gia trên thế giới sử dụng để quyết định lộ trình mở cửa lại nền kinh tế (bên cạnh tiêu chí hình dạng đường cong của biểu đồ dịch Covid-19): Khả năng theo dõi và kiểm soát Covid-19, và năng lực của hệ thống y tế cả nước để xét nghiệm và điều trị các ca nhiễm Covid-19.
Với tiêu chí đầu tiên, Việt Nam đã cho thấy khả năng rất tốt của chính quyền trong việc theo dõi và kiểm soát Covid-19.
Về tiêu chí thứ hai, hầu hết các quốc gia trên thế giới dường như không có đủ năng lực xét nghiệm Covid-19 cho đến cuối năm 2020 (ngoại trừ Hàn Quốc, nơi đã tăng đáng kể chi tiêu cho y tế cộng đồng kể từ sau khi dịch MERS bùng phát năm 2015).
Ngoài ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi tương đối yếu (dù hệ thống y tế Việt Nam mạnh hơn nhiều khu vực - đặc biệt là so với khu vực Mỹ Latinh), nhưng bù lại Việt Nam có những lợi thế đặc trưng riêng như: Dân số Việt Nam trẻ hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia mới nổi khác; điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng và thời tiết của Việt Nam cũng đang góp phần gia tăng tỷ lệ hồi phục do Covid-19 cao hơn so với nhiều quốc gia).
3 bước tái khởi động nền kinh tế
Từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép mở lại một số dịch vụ thiết yếu |
Một số quốc gia đã tuyên bố ý định tái khởi động nền kinh tế ít nhiều tuân theo lộ trình khá giống nhau. Các quốc gia này xác định các bước nới lỏng được thực hiện ngay lập tức, tiếp đến là các bước nới lỏng bổ sung sẽ được thực hiện trong khoảng 3 tuần tiếp theo (với giả định dịch không bùng phát trở lại), và sau đó là các bước nới lỏng bổ sung trong vòng 1 tháng rưỡi tính từ bước nới lỏng ban đầu.
Cụ thể hơn, giai đoạn 1, các trường học, cửa hàng quy mô nhỏ, công ty… được mở cửa trở lại, người dân được phép ra đường nếu đeo khẩu trang.
Giai đoạn 2, trong vòng 3-6 tuần tiếp theo, hầu hết các cửa hàng quy mô lớn và nhỏ, dịch vụ (gym, cắt tóc…) được phép mở cửa, cho phép tụ tập tối đa 10 người…
Giai đoạn 3, sau 6 tuần, nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim… mở cửa trở lại; cho phép di chuyển/du lịch không cần thiết, cho phép tụ tập tối đa 50 người…
Đáng chú ý, ngay cả khi thực hiện nhiều biện pháp cần thiết để phòng dịch, tất cả các quốc gia đều cảnh giác với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần hai, sau khi bắt đầu nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng hiện tại. Vì lý do đó, tất cả các quốc gia đều đặt ra những tiêu chí cụ thể, theo đó có thể tái phong tỏa và áp dụng lại các biện pháp y tế cộng đồng chặt chẽ hơn.
Theo VinaCapital, với Việt Nam, nếu số ca nhiễm vượt trên 500 có thể được cân nhắc là một tiêu chí để các nhà hoạch định chính sách xác định xem có cần phải tái áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng nghiêm ngặt hơn không.
Tú Anh