Vì sao giá dầu thô giảm kỷ lục xuống mức âm?
(PetroTimes) - Trong phiên giao dịch ngày 20/4 trên thị trường Mỹ, giá dầu có lúc xuống tới mức -37 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu giảm xuống mức âm. Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Petrotimes đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Tiến Quyết - Chuyên gia về giá dầu, Trung tâm Kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam.
Giá dầu WTI giao tháng 5 ngày 20/4 xuống -37 USD/thùng |
PV: Thưa ông, vì sao giá dầu lại giảm mạnh, thậm chí xuống mức âm như ngày 20/4?
Ông Đoàn Tiến Quyết: Trong phiên giao dịch ngày 20/4, có những lúc giá dầu giao tháng 5 sụt xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử, thấp nhất là -37 USD/thùng. Đây là giá âm của các hợp đồng tương lai, nhưng lại vào ngày giao hàng cuối cùng của tháng 5. Ở ngày cuối cùng này, vấn đề giao dịch trên thị trường tương lai rất phức tạp ở chỗ nếu bạn không phải là người có nhu cầu thực sự thì bạn phải bán những lô dầu trên thị trường phái sinh đi, nếu không bạn sẽ phải nhận những tấn dầu thực. Chính vì lượng hàng rất lớn trên thị trường, và bạn không nhất thiết phải là các công ty sản xuất như nhà máy lọc dầu mà là những người giao dịch bình thường trên thị trường này cũng giống như thị trường chứng khoán bạn mua vào.
Đến ngày cuối cùng, ngày kết thúc hợp đồng (ngày đáo hạn hợp đồng) thì chỉ có một lựa chọn là tận dụng lô dầu đó hoặc là phải đẩy đi. Sức ép lô dầu trên thị trường rất nhiều trong khi người ta chưa thuê, chủ động được việc sẽ nhận các lô dầu đấy về đâu, các kho chứa đang đầy vì thế giá dầu tiếp tục được bán xuống với giá thua lỗ. Vì đấy là người đầu tư bên thị trường nên dẫn đến sức ép lớn để đẩy giá dầu về mức giao dịch âm.
Nhưng câu chuyện sau khi giá của tháng 5 đóng cửa, hôm nay (21/4) phiên giao dịch của tháng 6 giá dầu trở về trên 20 USD/thùng cho thấy giá chỉ bị ảnh hưởng của thị trường tương lai thôi, ngoài ra trên các thị trường giá dầu giao ngay, diễn biến của các loại giá dầu rất ổn định trên mức 20 USD/thùng. Chúng ta cũng phải hiểu, giá dầu tương lai, đặc biệt giá dầu tương lai của Mỹ không đại diện cho tất các loại dầu thô trên thế giới, đặc biệt là dầu thô của Việt Nam được bán dựa trên giá dầu Brent.
PV: Theo ông, xu hướng này liệu có kéo dài hay không? Và đâu là những nhân tố sẽ chi phối giá dầu trong thời gian tới?
Ông Đoàn Tiến Quyết: Về vấn đề này, theo nhận định của các tổ chức, nhà phân tích thì diễn biến giá dầu trên thị trường tương lai ngày hôm qua đối với hợp đồng dầu thô WTI ở mức âm là giá kỷ lục và chưa có trong lịch sử. Hiện nay, giá này chỉ ảnh hưởng trong khoảng thời gian tức thời sau khi chốt giao dịch dầu thô của tháng 5 xong và hiện đã chuyển sang giá của các hợp đồng dầu thô tương lai của tháng 6 hiện trên 20 USD/thùng. Câu hỏi đặt ra, liệu giá có xuống được nữa hay không? Hiện nay giá trên thị trường, các diễn biến thị trường tương đối xấu, bởi tình hình sản xuất và khai thác vẫn ở mức cao, chưa được cải thiện trong khi các quy định, cam kết cắt giảm sản lượng từ Ả Rập Xêút và Nga sẽ chỉ chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2020, cho nên diễn biến thị trường trong những ngày tới sẽ không được khả quan cho lắm. Thế nhưng, bắt đầu từ tháng 5, với việc OPEC+ cam kết cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày chính thức có hiệu lực thì việc này giúp cho thị trường sẽ rút bớt một phần lượng dầu dư thừa, giúp cho giá dầu giữ ổn định và tất nhiên không có chuyện tăng một cách mạnh mẽ giúp cho thị trường giá dầu ổn định hơn.
Ngay lập tức trong ngày 20/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã thực hiện đàm phán thuê kho chứa khoảng 77 triệu thùng dầu trong kho dự trữ dầu khí chiến lược (tương đương vào mức tiêu thụ của toàn thế giới trong một ngày) để giúp doanh nghiệp dữ trự dầu thương mại. Nếu Mỹ cho phép mở thuê kho dự trữ hút lượng dầu về sẽ giúp cho thị trường khả quan hơn.
PV: Trong bối cảnh giá dầu xuống thấp như hiện nay, Việt Nam cần ứng phó như thế nào?
Ông Đoàn Tiến Quyết: Trước đây Việt Nam cũng đã xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia, nhưng đến nay do các vấn đề về đầu tư nên chưa được thực hiện. Hiện nay các giải pháp theo lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) là phải tiết giảm chi phí, tiếp tục xem xét các phương án xấu có thể xảy ra, cũng phải xem xét những mỏ nào có trữ lượng lớn có thể cắt giảm sản lượng, có những động thái quyết liệt để giúp tránh tổn thất. Ngoài ra, trong lĩnh lực chế biến, hiện các nhà máy lọc dầu từ nguyên liệu dầu thô đang rất cao, cùng với đó các vấn đề tiêu thụ sản phẩm xăng dầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tiêu thụ rất thấp. Hiện nay PVN cũng đã đề xuất với Chính phủ có những biện pháp để giải phóng hàng trong nước, thông qua việc tiêu thụ xăng dầu trong nước, không sử dụng xăng dầu nhập khẩu. Chính việc này sẽ giúp lượng hàng trong kho sản xuất bớt cao và cũng tác động ngược lại sẽ giải phóng lượng dầu thô ở trong các nhà máy lọc dầu.
PV: Xin cảm ơn ông!
| Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Hy vọng nhất đối với giá dầu là dịch bệnh ổn hơn |
| Giá dầu xuống dưới 0 USD/thùng: Hàng trăm công ty dầu mỏ Mỹ sẽ phá sản? |
| Giá xăng dầu hôm nay 21/4 |
Nguyễn Hoan