Ngân hàng đồng hành với khó khăn của nhiều doanh nghiệp lớn và rất lớn
(PetroTimes) - Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) dành hỗ trợ tín dụng trị giá 45.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp lớn và rất lớn. Ngân hàng kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp lớn cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng trở lại.
Ngân hàng MB vừa thông báo chính thức triển khai gói tín dụng đồng hành cùng doanh nghiệp lớn và rất lớn (CIB).
Gói tín dụng dành cho các doanh nghiệp lớn của MB gồm 2 phần chính. Thứ nhất là gói “Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp CIB” có tổng giá trị tối đa 17.000 tỷ đồng, hướng đến việc hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng đang có dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp lớn bị sụt giảm kết quả kinh doanh do dịch Covid-19 |
Gói này sẽ được giải ngân thông qua phối kết hợp linh động các hình thức gồm giảm lãi suất 0,5%-1% áp dụng đến thời điểm 30/9/2020; gia hạn lịch trả nợ gốc/lãi và điều chỉnh các điều kiện quản lý tín dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các ngành nghề/lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp của dịch Covid-19 như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; xuất nhập khẩu; du lịch, hàng không, hàng tiêu dùng… là đối tượng được hưởng gói hỗ trợ này.
Để được hỗ trợ, doanh nghiệp cần chốt được kết quả quý I/2020 đồng thời dự kiến được mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian kế tiếp.
Trên cơ sở thông tin từ doanh nghiệp, MB sẽ thẩm định và có giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp để trụ vững qua đại dịch.
Gói thứ hai có giá trị 28.000 tỷ đồng, ưu đãi giải ngân mới hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp phục hồi kinh doanh trong và sau dịch Covid-19.
Trong đó, MB dành 5.000 tỷ đồng áp dụng mức lãi suất cực thấp (4,8-5%), kỳ hạn tối đa 4 tháng giải ngân cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực: điện, logistics, thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng, công nghiệp cơ khí, dệt mày, da giày…
Cùng với đó là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, không phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc thuộc Top 10 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh hiện hữu.
23.000 tỷ đồng sẽ được MB hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng áp dụng lãi suất linh hoạt: Giảm 0,3%-0,5% so với lãi suất hiện tại, dao động ở mức 5,4%-6,0% và kỳ hạn tối đa 6 tháng.
Với tổng cộng 45.000 tỷ đồng MB dành hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp lớn và rất lớn, MB kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp lớn cùng cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng trở lại trong tương lai gần; góp phần vào việc phục hồi nền kinh tế nước nhà.
Trước đó, MB đã triển khai gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và gói 20.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, gần 35.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể, phá sản.
Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà những doanh nghiệp lớn cũng điêu đứng trước đại dịch. Theo báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đánh giá tình hình tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng lo ngại hơn, 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất.
M.T
Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn cần sự trợ lực của chính sách tài khóa |
Các nước đang phát triển lấy tiền đâu cứu kinh tế? |
Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do COVID-19 |