Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2: Nếu chần chừ, thiệt hại sẽ nặng hơn
Bài cuối: Không thể chậm hơn nữa
Theo thông tin từ lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí (PVN), ngày 25.3 vừa qua, Chính phủ đã chính thức nhất trí phương án sử dụng vốn chủ sở hữu của PVN để hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. “Đèn xanh đã bật”, vấn đề tiếp theo có ý nghĩa quyết định tới tiến độ dự án là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các bộ, ngành liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp cùng PVN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ với tinh thần “chạy đua với thời gian”. Nếu tiếp tục chần chừ, chậm trễ thì nền kinh tế sẽ lĩnh đủ.
“Chúng tôi đợi tin này rất lâu rồi!”
Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng nói vậy khi nghe tin Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xử lý vướng mắc của dự án vào cuối tháng 2 vừa qua. Theo đó, Thường trực Chính phủ đã thống nhất với phương án sử dụng vốn chủ sở hữu của PVN để hoàn thành dự án. Ông Hưởng cho biết, vào thời điểm này, mọi nguồn lực của dự án đều đã tới hạn. Thời gian, chi phí đang hết dần, nhân lực cũng có xu hướng rời dự án ngày một nhiều hơn. Vì vậy, quyết định của Thủ tướng dù phải trải qua một quá trình cân nhắc dài nhưng thực sự là “cứu cánh” cho dự án khi giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với dự án!
Ở góc độ của một chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, việc Chính phủ chấp thuận cho PVN dùng vốn chủ sở hữu để hoàn thành dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là cách “ứng xử với tình thế vượt qua sự cứng nhắc về cơ chế”. “Lâu nay, quy định vốn chủ sở hữu không vượt quá 30% tổng mức đầu tư dự án nhằm giảm thiểu rủi ro trong đầu tư công. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, do tình thế đặc biệt nên cần phải dũng cảm vượt qua quy trình. Trong trường hợp này, PVN làm thế vì mục đích cứu dự án, tránh cho ngân sách thất thoát hơn 32 nghìn tỷ đồng đã giải ngân. Nếu cứ chuẩn theo quy trình sẽ không ai dám làm, còn Nhà nước chịu tổn thất một khoản ngân sách khá lớn”, ông Thiên chỉ rõ.
Theo đánh giá, dự án sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi đưa nhà máy vận hành vào năm 2021 |
Cũng theo vị chuyên gia này, liên quan đến những sai phạm ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ai đáng bị kỷ luật thì đã kỷ luật, thậm chí đi tù. Tình trạng dự án hiện nay hoàn toàn xác định được. “Nếu có thể cứu vãn được dự án và PVN có tiền đầu tư thì nên để họ được đầu tư, vì cơ bản đó cũng là tiền của đất nước này. “Hãy đứng trên tinh thần can đảm, vì Tổ quốc, đừng bắt bẻ nhau về động cơ cứu dự án. Hãy để PVN làm! Thậm chí, có thể trao phần thưởng cho PVN theo nghĩa là họ không phải đi vay vốn, tức không chịu lãi suất mà tự mang vốn ra làm thì chi phí làm dự án đó còn tốt hơn. Tất nhiên, giải trình phải rõ và cũng phải làm rõ cả cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân”.
“Đầy khó khăn phía trước”
“Quyết định của Thủ tướng và Chính phủ là bước ngoặt lớn đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nhưng khó khăn còn đầy phía trước”, ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng Thành viên của PVN nói.
Từ nay đến các mốc phải vận hành tổ máy số 1 và số 2 theo yêu cầu của Thủ tướng tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8.2019 không còn nhiều, chỉ vỏn vẹn 9 – 10 tháng. “Việc gấp rút giờ đây là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Hội đồng thành viên PVN và các bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng phải vào cuộc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ với tinh thần khẩn trương nhất mới có thể thúc đẩy tiến độ dự án. Về phía Tập đoàn Điện lực phải chuẩn bị sẵn sàng mua điện của dự án với giá hợp lý”, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long nhấn mạnh.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đang đứng trước bước ngoặt lớn |
Trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điệt Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng cũng mong mỏi các thủ tục, cơ chế tiếp theo đây sớm được hoàn thiện để PVN có thể nhanh chóng giải ngân, và đặc biệt là giải ngân đúng quy định cho dự án. Ông cho biết, dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.
Ví dụ, hơn một năm qua, do chưa nhận được tiền thanh toán cho khối lượng công việc đã thực hiện từ Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) nên hầu hết các nhà thầu đã không thể huy động nhân lực hoặc đã rút nhân lực; đặc biệt nhà thầu chạy thử đã có thông báo rút toàn bộ nhân lực khỏi công trường và bàn giao lại cho PVC trước 31.3.2020. “Công tác chạy thử rất quan trọng và cấp bách hiện nay, trường hợp nhà thầu rút nhân sự sẽ ảnh hưởng đến an toàn và chất lượng thiết bị, tiến độ của dự án. Vì vậy, cần có nguồn cấp bách và cả cơ chế để tạm thanh toán cho nhà thầu nhằm duy trì đội ngũ chạy thử”. Ông cũng hy vọng, khi PVN được dùng vốn chủ sở hữu tiếp tục đầu tư dự án, quá trình mua sắm vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ mốc đốt dầu, các vật tư, thiết bị liên quan đến hệ thống băng tải than… sẽ được đẩy nhanh để có thể đưa nhà máy phát điện sớm nhất.
Ông Bùi Trường Sơn, Phó tổng giám đốc PVC, trực tiếp phụ trách dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết, trong đợt chạy thử vừa qua, tua bin – thiết bị đắt nhất, nhạy cảm của nhà máy được các chuyên gia đánh giá là “không có gì đáng ngại”. Tuy nhiên, nếu dự án tiếp tục chậm trễ, thiết bị nằm lâu ở đó thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. “Tôi nói điều này với tư cách một người lao động xót xa với thiết bị, máy móc, chứ không phải vì màu cờ sắc áo của PVC”, ông Sơn chia sẻ và mong cơ chế thu xếp vốn cho dự án được triển khai với tinh thần “cấp cứu khẩn cấp” để mau chóng thực hiện các công việc còn lại nhằm hoàn thành dự án sớm nhất có thể.
Để chuẩn bị cho các bước tiếp theo, lãnh đạo PVN đã yêu cầu Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 phải trình tổng thể các vấn đề của dự án trước ngày 15.4. Hội đồng Thành viên PVN cũng sẽ sớm họp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để triển khai kết luận của Thủ tướng.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã một lần trễ hẹn. Lần này, đứng trước bước ngoặt lớn, nếu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các bộ, ngành liên quan lại tiếp tục chần chừ, chắc chắn thiệt hại sẽ nặng nề hơn và nền kinh tế sẽ “lĩnh đủ”!
Ông NGUYỄN VĂN THÂN, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, “Chậm ngày nào, thiệt hại ngày đó!” “Với tư cách là một ĐBQH, tôi quá sốt ruột với dự án này! Đáng ra, bắt đầu từ thời điểm dừng dự án, cái gì chưa rõ ràng thì cơ quan pháp luật phải tiếp tục làm; song song với đó phải đánh giá dự án để tiếp tục triển khai, vì đã giải ngân hơn 32.000 tỷ đồng. Chúng ta dừng dự án quá lâu chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Bây giờ quan trọng nhất là phải sớm đưa ra quyết sách cuối cùng. Cho phép PVN đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng để hoàn thiện dự án là rất cần thiết, vì PVN có tiền. Khi có quyết sách cuối cùng cho phép PVN bỏ tiền ra “cứu” dự án, các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải sớm có kế hoạch, hành động cụ thể. Bởi chậm ngày nào, thiệt hại ngày đó, không những ảnh hưởng tới tiền lãi ngân hàng, máy móc hỏng hóc mà còn ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia, vì khi đi vào vận hành, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7 tỷ kWh/năm. Cần quyết liệt, khẩn trương đưa dự án này vào vận hành, nếu không người dân cũng thấy phí lắm!”.
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Phải rõ cơ chế giải trình và trách nhiệm cá nhân “Tình thế đất nước hiện rất khẩn cấp do dịch Covid – 19 khiến chuỗi sản xuất bị đứt, đồng nghĩa chuỗi lao động, việc làm bị đứt, kéo theo thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, thậm chí mất đi. Về mặt vĩ mô, chuỗi sản xuất đứt thì thu ngân sách càng khó khăn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ nhận thấy rằng phải ra tay hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất…, nhưng quan trọng hơn cả là phải đẩy mạnh đầu tư công trong nước để vá một số lỗ thủng do đứt chuỗi. Đây là lúc Chính phủ có thể thử nghiệm một bộ thủ tục khác để xử lý vấn đề đơn giản, hiệu quả hơn chứ không phải chồng chéo, rườm rà, xung đột lợi ích gây sự sợ hãi, không ai dám làm. Nói cách khác, tình thế hiện nay cho phép đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để cứu doanh nghiệp, đồng thời là cách thử nghiệm để cải cách cơ chế. Việc tiếp tục hoàn thiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng là để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, vá lỗ thủng do đứt chuỗi sản xuất do dịch bệnh gây ra. Nếu cứu vãn được, thì nên làm tiếp, làm sớm nếu không muốn hơn 32.000 tỷ đồng đã giải ngân bị đổ xuống sông xuống biển; chậm ngày nào máy móc, công nghệ đã đầu tư sẽ tăng hỏng hóc ngày đó. Đi kèm với đó, phải làm rõ cơ chế giải trình và cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân đối với dự án”. Ông TRẦN ĐÌNH LONG, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam “Đừng chần chừ thêm nữa” Trong điều kiện thị trường cạnh tranh, khả năng của các chủ đầu tư đến đâu thì nên tận dụng đến đó. Trong trường hợp này, việc để PVN bỏ tiền ra để “cứu” dự án rất cần thiết và hợp lý. Bởi lẽ, dự án đã giải ngân ¾ tổng vốn, hoàn thiện 4/5 hạng mục, trong khi ngân sách đầu tư công hạn hẹp. Chưa kể, nhà máy có công suất khá lớn (1.200 MW), khi đi vào vận hành sẽ có vai trò rất lớn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc gấp rút giờ đây là các bên có liên quan ngồi lại để đánh giá xem thực chất dự án này đã làm được những gì, cái gì đã hỏng hóc, cần bao nhiêu vốn bổ sung để hoàn thành? Khi có quyết sách cho PVN được bỏ vốn đầu tư, phải làm rõ cam kết của PVN cũng như tổng thầu về tổng vốn cũng như thời hạn hoàn thành. Nếu anh làm sai, để đội vốn hoặc chậm tiến độ thì trách nhiệm cá nhân ra sao trước pháp luật? Chỉ khi quy định rõ những nội dung này mới có cơ sở để tin rằng việc giao cho PVN bỏ tiền ra “cứu” dự án là thực sự hợp lý. Về phía cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, phải sớm có kết luận cuối cùng, đừng chần chừ thêm! Nếu chần chừ, cần xem xét rõ trách nhiệm do khâu nào để xử lý kịp thời và phải xử lý nghiêm! Đợi đến giờ mới có kết luận cuối cùng về “số phận” dự án là quá muộn, các cơ quan liên quan đừng để muộn thêm nữa vì đó còn là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia!”. |
Theo Báo Đại biểu nhân dân
| Bài 2: Hoàn thành dự án là vì lợi ích quốc gia |
| Bài 1: “Vừa làm, vừa mong đợi” |