Vay tiền mua xe: Kẻ lao đao, người tính bán "chạy nợ" vì Covid-19
Người dân hạn chế đi lại thậm chí sợ hãi xe taxi, xe công nghệ đã khiến cánh lái xe taxi, xe công nghệ lao đao, doanh thu giảm nghiêm trọng, nhiều người đang tính bán xe thoát nợ.
Theo chia sẻ nhanh của ông Trần Văn Tiến - lái xe công nghệ tại Long Biên: Bình thường, ngày "nhàm" nhất cũng kiếm được 1 triệu đồng tiền lãi sau khi nộp cho công ty (28% doanh thu), ngày nhiều lên đến 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, thời điểm sau Tết, nhu cầu đi lại giảm dần, xuống 50%, thậm chí thời điểm hiện nay không có cuốc nào để đi.
Giới vay mua xe chạy dịch vụ "ngấm đòn" vì đại dịch Covid-19 |
"2 tháng sau Tết, doanh số suy giảm mạnh, nhưng % đóng cho hãng không giảm, lợi nhuận của lái xe ngày càng mỏng. Đối với những người không phải vay mua xe thì chỉ ảnh hưởng lợi nhuận, còn những người phải vay mua thì thực sự khó khăn" - ông Tiến nói.
Cũng trong hoàn cảnh giảm doanh số, lợi nhuận, nhiều lái xe công nghệ phải vay mua trả góp lâm cảnh bi quan hơn, thậm chí có người đã tính đến chuyện bán xe để giải phóng nợ nần.
Chạy theo phong trào chạy xe dịch vụ thoát nghèo, anh Phan Văn Minh (ở Xuân Canh, Đông Anh) bỏ tiền dành dụm 2 năm vay mua chiếc Hyundai Accent trị giá gần 620 triệu đồng. Số tiền vay mua hơn 500 triệu đồng, tiền lãi mỗi tháng tính ra phải trả gần 7 triệu đồng.
"Nếu bình thường ngày kiếm khoảng 1 triệu đồng tiền lãi sau khi trừ % doanh số và chi phí, tháng có thể kiếm về khoảng 25 triệu đồng. Nnếu trung bình 600.000 đồng/ngày, số lãi có thể khoảng 15 triệu đồng thì mức trả lãi gốc và lãi ngân hàng cũng sau khoảng 6 năm sẽ trả xong. Tuy nhiên, với tình hình ngày chỉ có 1 đến 2 cuốc, thậm chí không có khách, khiến khả năng ôm nợ cao, thậm chí tôi tính đến chuyện bán xe, thoát nợ" - anh Minh nói.
Trong 2 năm qua, rất nhiều người đành dụm tiền, vay ngân hàng để mua xe cũ chạy dịch vụ. Tuy nhiên, thời điểm sau khi Uber rút đi, nhất là khi Grab tăng mức chiết khấu từ 22%, lên 25%, thậm chí có thời điểm 28% mỗi cuốc xe, rất nhiều người từ bỏ hình thức mua xe để chạy dịch vụ.
Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở Trung Quốc, tình hình chưa căng thẳng, giới chạy xe công nghệ vẫn còn có đất làm ăn. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng lên, nhu cầu đi lại giảm, đến hiện tại, đa số người dân dừng hẳn mọi hoạt động, thì hầu hết lái xe công nghệ thất nghiệp.
Anh Nguyễn Đăng Thái - lái xe công nghệ tại Long Biên - mới mua xe từ cuối năm 2019, vay số tiền 900 triệu đồng đầu tư xe 7 chỗ chạy dịch vụ, song hiện tại anh này rất đau xót khi nhìn tài sản đứng yên, trong khi gánh nợ ngày càng lớn dần.
"Giá xe ngày càng xuống, giờ muốn bán cũng rất khó và mất giá. Hợp đồng vay với ngân hàng thế chấp chính chiếc xe nên bán được xe cũng không phải đơn giản. Nhiều người khuyên tôi thế chấp căn hộ tập thể của bố mẹ để lại, trả tiền vay mua xe, rồi bán xe. Nếu dịch bệnh kéo dài nữa, mỗi tháng trả ngân hàng trả hơn 12 triệu đồng như này thì gánh nặng quá lớn, thậm chí tan cửa, nát nhà mất" - anh Thái cho biết.
Theo Dân trí