Chuẩn hóa lao động mỏ hầm lò
(PetroTimes) - Mỏ hầm lò là nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Bởi vậy, những người quyết làm nghề “ăn cơm trên dương gian, làm việc dưới lòng đất” luôn được đào tạo về an toàn, ý thức sản xuất công nghiệp theo chuẩn quốc tế.
Trong 3 năm qua, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đang tiên phong đào tạo, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) cho hơn 90% thợ mỏ trên cả nước. Đây là chiến lược nhằm nâng cao chất lượng lao động, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam.
Học sinh nghề mỏ hầm lò thực tập tay nghề tại Phân hiệu đào tạo Hoành Bồ |
Thực hiện nhiệm vụ chính là đào tạo các nghề mỏ hầm lò và các ngành nghề, các hệ đào tạo phục vụ nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, trong những năm qua, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyển sinh đào tạo nghề mỏ hầm lò và mở rộng thị trường đào tạo đa ngành nghề. Để đạt được mục tiêu phát triển thị trường lao động, ngoài việc đổi mới chương trình đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động, hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG là cơ sở và tiền đề cho việc cải thiện cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động. Cùng với đó, đánh giá KNNQG có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng lao động theo mặt bằng tiêu chuẩn chung của Việt Nam và khu vực, tạo cơ hội về việc làm, thu nhập cho người lao động, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực cho ngành than, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đang tiên phong thực hiện đánh giá KNNQG. Ngay sau khi có Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24-3-2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, năm 2016, trường đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG đối với các nghề: kỹ thuật khai thác mỏ, kỹ thuật cơ điện mỏ, kỹ thuật xây dựng mỏ...
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh mỗi năm đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động. Ông Tuấn nhấn mạnh: Qua việc chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra giám sát, chúng tôi đánh giá cao Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam trong công tác đánh giá KNNQG. Trường đã chủ động, tích cực cùng các doanh nghiệp triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. So với các trung tâm đánh giá KNNQG trên toàn quốc, Trung tâm đánh giá KNNQG-VINACOMIN hoạt động tích cực và có số lượng người lao động được đánh giá KNNQG cao nhất, chiếm 2/3 tổng số lao động được đánh giá KNNQG trong toàn quốc từ khi thực hiện đến nay.
Công nhân mỏ hầm lò thực hành đánh giá KNNQG tại Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia - VINACOMIN |
Tính đến hết năm 2019, có tổng số 35 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp ngoài TKV đã đăng ký đánh giá cho 38.901 lao động thuộc 7 nghề (chiếm 76,8% số lao động được đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG trong toàn quốc), trong đó, các nghề mỏ hầm lò có 35.394 lao động, chiếm 90,9%. |
Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cũng đánh giá cao về chất lượng lao động đã được đánh giá KNNQG. Người lao động được đào tạo và tốt nghiệp theo chương trình đào tạo sơ cấp bậc III của TKV trở lên hầu hết đều đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, kết quả đánh giá đạt yêu cầu và đủ điều kiện được cấp chứng chỉ KNNQG. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ người lao động chưa được đào tạo đủ kiến thức, kỹ năng nghề theo chương trình chuẩn nên chưa tích lũy tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tham dự đánh giá nhưng không đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ KNNQG và không thể đi làm ngay được trong môi trường mỏ.
Về phía các doanh nghiệp trong TKV, tiêu biểu như Công ty CP Than Hà Lầm, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề mỏ hầm lò và thực hiện đánh giá KNNQG cho toàn bộ lao động hầm lò của công ty. Theo đó, những lao động chưa đánh giá và được cấp chứng chỉ KNNQG, công ty phối hợp với trường để tổ chức đánh giá. Tính từ năm 2017, khi bắt đầu thực hiện đến hết năm 2019, trường đã đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho 1.810 lao động, chủ yếu là nghề mỏ hầm lò. Công tác đào tạo, nâng cao tay nghề đều được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, đúng thời gian, kế hoạch. Với học sinh đào tạo theo chỉ tiêu hằng năm, sau khi học xong, chỉ khi nào Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đánh giá KNNQG đạt yêu cầu mới bàn giao cho công ty tiếp nhận vào làm việc.
Thông qua việc đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động, cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã hiểu, chủ động đăng ký, phối hợp tổ chức và tạo điều kiện cho người lao động tham gia. Một số doanh nghiệp chủ động bố trí bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động.
Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người lao động đăng ký tham gia đánh giá KNNQG, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng quy trình tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG một cách đơn giản dễ hiểu nhất; đồng thời thông báo lịch, kế hoạch tổ chức đánh giá hằng năm công khai trên website của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và của nhà trường. Nhà trường luôn đặt mục tiêu hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, các doanh nghiệp có nhu cầu được tham gia đánh giá KNNQG tại bất kỳ thời điểm nào theo lịch trình đã được Bộ LĐ-TB&XH công bố. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào đăng ký với đủ hồ sơ theo quy định mà không được đánh giá đúng theo lịch trình đã công bố - ông Lê Hồng Vĩ, Giám đốc Trung tâm đánh giá KNNQG-VINACOMIN, khẳng định.
Ông Lê Hồng Vĩ cho biết: Các nghề mỏ hầm lò có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, nằm trong danh mục bắt buộc phải đánh giá KNN cho người lao động. Việc sử dụng lao động không qua đánh giá KNN sẽ không xác định được người lao động có đủ trình độ, kiến thức, kỹ năng làm việc ở từng vị trí hay không mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao trong sản xuất.
Có thể thấy rằng, công tác đào tạo thợ lò đang ngày càng được chuẩn hóa với chất lượng cao. Người lao động TKV luôn được quan tâm trang bị những kiến thức chuẩn về an toàn, kỹ năng xử lý tình huống cũng như công nghệ tiên tiến khai thác than trong các hầm lò có độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất. Chính vì vậy, trong những năm qua, số lượng vụ tai nạn lao động, mất an toàn trong ngành than đã giảm đến mức tối thiểu.
Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam là địa chỉ duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Bộ LĐ-TB&XH cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho 12 nghề: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò; Hàn; Điện công nghiệp; Công nghệ ôtô; Giám định khối lượng, chất lượng than; Sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò; Vận hành thiết bị sàng tuyển; Nề hoàn thiện; Cốp pha giàn giáo; Điện tử công nghiệp. |
Tùng Dương