Tin tức thế giới 24/3: Myanmar, Lào xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên
(PetroTimes) - Myanmar, Lào ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên; WHO cảnh báo dịch Covid-19 tăng tốc, Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn toàn cầu 'ngay lập tức'; Google lần đầu tiên tôn vinh bánh mì Việt Nam... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 24/3.
Lào là quốc gia cuối cùng ở Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Laotian Times |
Myanmar, Lào ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên
Chiều 24/3, Lào đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viên hô hấp cấp (Covid-19) đầu tiên đều là công dân Lào. Một người là hướng dẫn viên du lịch và 1 là nhân viên khách sạn. Cuối ngày 23/3, Myanmar cũng thông báo có 2 ca nhiễm là người trở về từ Mỹ và Anh. Trong khi đó, Indonesia ghi nhận thêm 107 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm toàn quốc lên 686 ca và có số người chết vì Covid-19 cao nhất Đông Nam Á với 55 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong 8,4% của nước này tương đương Italy. Nước này sẽ lập 4 bộ tư lệnh đối phó với Covid-19.
Các nước Đông Nam Á khác cũng đang tăng cường nhiều biện pháp phòng chống Covid-19. Thái Lan sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp một tháng kể từ 26/3, cho phép thiết lập các trạm kiểm soát để hạn chế sự đi lại của mọi người. Malaysia tăng cường xét nghiệm, chuẩn bị cho "kịch bản tồi tệ nhất". Hiện Malaysia có số ca Covid-19 cao nhất Đông Nam Á. Số ca nhiễm ở nước này đã tăng gấp 6 lần chỉ trong 10 ngày, lên mức 1.518 ca và chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật trong khu vực châu Á.
WHO cảnh báo dịch Covid-19 tăng tốc, Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn toàn cầu 'ngay lập tức'
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/3 cảnh báo, đại dịch Covid-19 “đang tăng tốc” rõ ràng. Tổng giám đốc WHO kêu gọi quốc tế "không thể bàng quan trước dịch bệnh này". WHO đề nghị các nước đưa ra cam kết chính trị nhằm đẩy lui dịch bệnh, đồng thời khẳng định: "Chúng ta có thể thay đối hướng đi của đại dịch”.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi một lệnh “ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức” nhằm bảo vệ những người dân dễ bị tổn thương tại các vùng chiến sự khỏi sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Theo ông Guterres, đã đến lúc ngừng xung đột vũ trang thay vào đó là "cùng nhau tập trung vào cuộc chiến thực tế giải cứu sinh mạng của chúng ta".
Máy bay quân sự Trung Quốc dùng sơn ngụy trang mới
Không quân Trung Quốc vừa ban hành điều lệ mới yêu cầu các máy bay trong biên chế phải sử dụng màu sơn và phù hiệu đúng quy chuẩn nhằm hạn chế độ bộc lộ với mắt thường và radar. Theo đó, các phi cơ quân sự của Trung Quốc sẽ được phủ lớp sơn "màu sắc đặc trưng của bầu trời", gồm màu xám, xanh nhạt và bạc khó bị phát hiện hơn, cùng phù hiệu mới ít nổi bật hơn.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết việc Mỹ chuyển giao hàng trăm tiêm kích tàng hình F-35 cho Hàn Quốc và Nhật Bản đã thúc đẩy việc tăng tốc nâng cấp lớp phủ trên máy bay của nước này. Trong khi đó một chuyên gia quân sự cho hay, quân đội Trung Quốc sử dụng lớp phủ cùng phù hiệu mới nhằm cải thiện năng lực tuần tra và sẵn sàng chiến đấu khi tập trận gần eo biển Đài Loan, cũng như các vùng biển khác.
Thành viên cao cấp của IOC: Đã quyết định hoãn Olympic Tokyo 2020
Truyền thông quốc tế sáng 24/3 đồng loạt đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Dick Pound, thành viên cấp cao của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết, Ủy ban này đã quyết định hoãn tổ chức Thế vận hội mùa Hè (Olympic Tokyo 2020) dự kiến diến ra vào ngày 24/7. Theo ông Pound, Olympic Tokyo 2020 nhiều khả năng sẽ được lùi thời điểm tổ chức tới năm 2021, với các thông tin cụ thể sẽ được công bố trong vài tuần tới.
Trước đó, IOC đã đề ra hạn chót trong 4 tuần để quyết định phương án tối ưu và đã loại trừ khả năng hoãn Olympic Tokyo 2020. Quyết định này gặp phải phản ứng dữ dội từ các vận động viên vì họ cho rằng, mình phải mạo hiểm sức khỏe để tập luyện. Các nước Canada và Australia đều đã quyết định không tham dự, trong khi nhiều nước khác kêu gọi hoãn Thế vận hội do lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Người Trung Quốc đang thay đổi thái độ ứng xử do dịch Covid-19
Cuộc khảo sát trực tuyến được Glocalities thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 23/1-13/3 vừa qua, với sự tham gia của 2.022 người Trung Quốc. Kết quả cho thấy, dịch Covid-19 đã làm thái độ ứng xử của người dân Trung Quốc thay đổi theo hướng gia tăng xu hướng ghi nhận những đóng góp của người khác và không dung thứ cho các hành vi theo chủ nghĩa cá nhân.
Theo Giám đốc nghiên cứu Martijn Lampert của Glocalities, cuộc khảo sát cho thấy nỗi thống khổ và bi kịch xảy ra do Covid-19 đang thiết lập lại những nền tảng căn bản cho người dân trên khắp thế giới. Sự thay đổi lớn nhất là các số liệu thể hiện lòng tin. Nếu như trước ngày 5/2 (Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa), chỉ có 71% người được khảo sát tin vào giáo dục, con số này sau 5/2 đã tăng lên 82%; chỉ số niềm tin vào công quyền tăng từ 42% lên 54%, trong khi chỉ số đối với các công ty Trung Quốc tăng từ 55% lên mức 70%.
Google lần đầu tiên tôn vinh bánh mì Việt Nam
Ngày 24/3, trên giao diện trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Áo, Thụy Sỹ, Singapore, Pháp... xuất hiện những hình ảnh hoạt họa sinh động để tôn vinh bánh mì Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử "người khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ thiết kế Doodle tôn vinh món ăn phổ biến này của Việt Nam.
Sự kiện này nhằm kỷ niệm 9 năm ngày từ "Banh mi" được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford (24/3/2011) - cuốn từ điển bằng tiếng Anh đầu tiên trên thế giới. Oxford English Dictionary khi đó đã thêm từ "Banh mi" vào từ điển và giải nghĩa rằng đây là món ăn nổi tiếng của người Việt Nam, được tạo nên từ bánh mì xẻ đôi, cho thêm phần nhân rất phong phú gồm pate, thịt, rau củ, nước sốt, tương ớt... Theo Google, chiếc bánh mì Việt Nam đại diện cho sự hòa quyện ẩm thực tinh tế của ẩm thực Việt trên thế giới.
H.T (t/h)