Cần xử lý hình sự người xuyên tạc thông tin về dịch bệnh Covid-19
(PetroTimes) - Liên quan đến việc nhiều người đăng tải thông tin thất thiệt về dịch Covid-19 lên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh để răn đe, ngăn chặn...
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, một số đối tượng thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng tình hình này phát tán trên mạng Internet các thông tin sai sự thật, chống phá nhà nước.
Hành vi này không chỉ gây khó khăn, cản trở cho công tác phòng, chống dịch mà còn tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, xói mòn niềm tin của nhân dân vào nhà nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Người dân cần thận trọng khi tiếp cận, chia sẻ các thông tin không chính thống trên không gian mạng. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã chia sẻ trên trang Facebook của mình những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động, lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng.
Một nội dung sai sự thật trên mạng xã hội. |
Do đó, xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay nhằm góp phần duy trì sự ổn định xã hội thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, việc đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng là hành vi trái pháp luật được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019).
Cụ thể: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Hành vi vi phạm này tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. |
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay thì những thông tin sai sự thật lại càng có tính chất nguy hiểm với xã hội. Đối với các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận, đặc biệt là những đối tượng thù địch, phản động, bất mãn chính trị thì cũng cần thiết xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 hoặc Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự" - Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Cũng theo luật sư, xử lý hình sự những đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ, đăng tải những bài viết cá nhân hoặc chia sẻ lên trang Facebook những thông tin xuyên tạc về sự chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh là cần thiết nhằm ngăn ngừa những hệ lụy tiêu cực đối với xã hội.
Xuân Hinh