Nhà đầu tư sốt ruột chờ giá điện mặt trời áp mái
Sau đợt phát triển rầm rộ, đầu tư điện mặt trời áp mái đang chững lại khi gần 10 tháng trôi qua vẫn chưa có giá mua điện mới.
Ông Nam, một hộ gia đình tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết gia đình ông đầu tư khoảng 100 triệu đồng lắp đặt thiết bị điện mặt trời trên mái nhà, công suất 5 kWp từ cuối năm ngoái để "đón đầu" mùa hè 2020. Nhưng do lắp đặt sau ngày 30/6, nên chỉ số điện vẫn đang được công ty điện lực ghi nhận, chờ khi có giá điện mới sẽ thanh toán sau. Điều khiến ông lo lắng là chưa biết giá mua điện mặt trời áp mái tới đây sẽ thế nào.
Ông Phạm Hà – chủ một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cũng đang chờ giá điện. Doanh nghiệp của ông có kế hoạch tận dụng khu nhà xưởng để lắp điện mặt trời áp mái từ tháng 9 năm ngoái, nhưng cũng như nhiều nhà đầu tư khác, họ chưa dám rót vốn vì còn băn khoăn giá mua điện mặt trời sẽ thay đổi.
Tại dự thảo giá mua điện mặt trời đưa ra hồi đầu tháng 1, Bộ Công Thương đề xuất giá mua điện (FIT) với điện mặt trời áp mái giảm về 8,38 cent (1.940 đồng) một kWh, thấp hơn 0,97 cent so với cơ chế áp dụng theo Quyết định 11 trước đây (9,35 cent).
Công nhân lắp đặt điện mặt trời áp mái tại TP HCM. Ảnh: EVNHCM |
Ông Hoàng Minh Tân – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, một đơn vị phát triển điện mặt trời áp mái tại khu vực phía Bắc, cho rằng mức giá này vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư. Ông phân tích, công nghệ pin mặt trời đã cải tiến, giúp tăng hiệu suất của các tấm pin trên cùng một diện tích, giá thành thấp hơn đang hấp dẫn đang thúc đẩy điện áp mái gia tăng kể từ giữa năm ngoái, không chỉ tại doanh nghiệp quy mô lớn (khu công nghiệp, khu chế xuất, siêu thị...) mà ở hộ kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình.
"Công nghệ phát triển giúp hiệu suất pin mặt trời tăng 20% trong 2 năm qua, trong khi giá thành giảm tương ứng. Mức giá 8,38 cent một kWh như đề xuất hiện tại của Bộ Công Thương vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư", ông chia sẻ.
Cũng theo vị này, mô hình điện mặt trời mái nhà được đánh giá là sẽ phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, từ các hộ gia đình nhỏ (có diện tích mái nhà trên 12m2) đến các nhà máy, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp có diện tích mái lớn và tiêu thụ nhiều điện năng.
Nhờ quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên điện mặt trời áp mái thường được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải. Hệ thống này cũng được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm đông dân.
Ngoài ra, vốn tín dụng cũng có nhiều ưu đãi cho mảng đầu tư này. Hai năm trước khó khăn lớn của điện mặt trời áp mái là thời gian hoàn vốn ước tính phải đến 10-12 năm; thì đến nay con số trên đã được tiết giảm đáng kể về chỉ còn 5-6 năm. Tuần trước Sơn Hà vừa ký thoả thuận phát triển 1.500 MW điện mặt trời áp mái tại Thủ đô với EVN Hà Nội trong 10 năm tới. Người dân và doanh nghiệp khi lắp các sản phẩm điện mặt trời áp mái theo chương trình hợp tác này sẽ được cam kết đấu nối vào điện lưới quốc gia, và có thể bán lại cho công ty điện với mức giá ưu đãi.
Phát triển điện mặt trời áp mái sẽ giúp giải toả phần nào cung ứng điện căng thẳng tới đây. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 mới có gần 19.400 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt, tương đương công suất 318 MW.
Vì thế, điều ông cũng như nhiều nhà đầu tư điện mặt trời áp mái, khách hàng lắp đặt loại năng lượng này mong muốn lúc này là "cấp có thẩm quyền sớm chốt chính sách giá ổn định để nhà đầu tư yên tâm phát triển, đầu tư".
Gần 10 tháng chờ đợi đã trôi qua, các nhà đầu tư điện mặt trời áp mái vẫn không ngừng hỏi nhau "bao giờ sẽ có giá mua mới".
Theo VNE