Trái phiếu doanh nghiệp - kênh đầu tư hấp dẫn mới nổi
(PetroTimes) - Nếu so với các kênh đầu tư khác, lợi nhuận từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được đánh giá là hấp dẫn hơn hẳn nhờ lãi suất vượt trội, tính ổn định và ít rủi ro.
Thị trường biến động, nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn mới
Nhờ tốc độ tăng trưởng GDP cao, tính ổn định cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển nền kinh tế, thúc đẩy cổ phần hoá và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn luôn được đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, năm 2019 chỉ số VN-Index tăng chưa tới 7%, chỉ ngang với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng, cùng với ảnh hưởng của dịch virus nCovid-19 đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh. Hầu hết đánh giá đều nghiêng về những kịch bản thận trọng, đặc biệt là với những nhà đầu tư không am hiểu thị trường, tình hình hoạt động và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản cũng trải qua một năm đầy khó khăn khi thị trường đi xuống và dòng vốn tín dụng ngân hàng dành cho lĩnh vực này tiếp tục bị kiểm soát, thắt chặt. Vốn lớn, thanh khoản thấp, rủi ro pháp lý cao và tính trồi sụt thất thường của thị trường khiến không ít người phải dè chừng và đắn đo cân nhắc khi đầu tư.
Chứng khoán không phải là kênh cho các “tay mơ”, dễ thua nhiều hơn thắng. |
Với thị trường ngoại tệ, giá giao dịch thị trường tự do cũng đã sụt giảm, tỷ giá trung tâm giữa đô là Mỹ và tiền đồng tăng chưa đến 1,5%. Còn kênh gửi tiết kiệm, mức lãi suất phổ biến hiện nay là 4,3-5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,5%/năm. Nhìn từ tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 7% trong năm vừa qua thì lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ tương đương hoặc thậm chí là thấp hơn cả tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngoại trừ thị trường vàng có mức tăng trưởng vượt trội trong năm 2019 nhờ các “chất xúc tác” bất ngờ đến từ những rủi ro địa chính trị không lường trước thì các kênh đầu tư khác đều đang tỏ ra đuối trong cuộc đua “hút” nhà đầu tư.
Trái phiếu doanh nghiệp – kênh đầu tư hấp dẫn mới nổi
Bên cạnh các kênh truyền thống: bất động sản, vàng, chứng khoán, khoảng vài năm trở lại đây, thị trường đã đón nhận thêm một hình thức đầu tư mới là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Đây là một loại chứng khoán nợ được doanh nghiệp phát hành (có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật) nhằm huy động vốn với mục đích đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp phát hành có nghĩa vụ trả cả gốc và lãi đối với người sở hữu trái phiếu.Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, dù đã sớm có mặt trên thị trường nhưng phải đến Nghị định 163/2018/NĐ-CP ban hành quy định về phát hành TPDN, thay thế Nghị định 90/2011 cánh cổng cho thị trường TPDN phát triển mới được mở toang để phát triển.
Trong khi đó, các chính sách từ Ngân hàng Nhà nước như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay với một khách hàng không quá 15% vốn tự có, điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay BĐS… đã tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ kênh huy động tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu.
TPDN đang là một trong những hình thức đầu tư hấp dẫn nhất thị trường hiện tại. |
Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và từ các doanh nghiệp cho thấy, năm 2019, có 211 doanh nghiệp thực hiện chào bán tổng cộng 300,588 tỷ đồng trái phiếu, chia làm 807 đợt phát hành trong đó có 12 đợt phát hành không thành công. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280,141 tỷ đồng, tương đương 93.2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018. Lượng phát hành lớn trong năm đã khiến quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 9.01% GDP (2018) lên khoảng 11.3% GDP (2019).
Riêng tháng 1/2020, tổng lượng phát hành TPDN đã lên tới 13.374 tỷ đồng, trong đó nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ đồng, tương đương 55% tổng lượng phát hành (theo SSI Research).
Theo ông Nguyễn Đức Quân – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam phân tích, sự chuyển dịch dòng tiền của nhà đầu tư là do lợi nhuận từ TPDN hấp dẫn hơn hẳn so với các hình thức đầu tư khác. Lãi suất phát hành bình quân toàn thị trường là 10,03%/năm, thậm chí cao hơn lên tới 13%/năm nếu gửi kỳ hạn dài.
Mặt khác, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều là các doanh nghiệp đại chúng hóa đã có uy tín trên thị trường và sở hữu nhiều tài sản đảm bảo nên TPDN cũng được đánh giá cao ở mức độ an toàn. Nếu nhà đầu tư rút tiền gửi ngân hàng trước thời hạn thì sẽ bị phạt một khoản phí nhất định. Còn ở đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư hoàn toàn có thể bán lại và thực nhận lại số tiền đã đầu tư và lãi suất của khoảng thời gian đã đầu tư. Như vậy nhà đầu tư vừa có thể kiểm soát, vừa hạn chế được các rủi ro gặp phải khi đầu tư.
Về tính thanh khoản, TPDN có thể được mua bán lại dễ dàng do có cam kết mua lại của tổ chức phát hành hoặc sự quan tâm của các nhà đầu tư khác trên thị trường.
Đối với trái phiếu chuyển đổi, nhà đầu tư có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, tận dụng xu hướng đi lên của thị trường cổ phiếu cơ sở để đem lại lợi nhuận cao hơn so với mức thu nhập cố định. Với một số loại trái phiếu, nhà đầu tư có thể bán lại trước hạn mà lãi vẫn nhận được mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.
Dự báo về tiềm năng phát triển của TPDN, đặc biệt là trái phiếu BĐS, PGS. TS. Đỗ Hoài Linh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trái phiếu BĐS thời gian tới sẽ vẫn “nở rộ” vì lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành cao. Tuy nhiên, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro nên các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà phân tích, khuyến cáo cần sự tăng cường giám sát từ các cơ quan quản lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường này.
PV