Người đàn ông "nghiện" nhặt đinh
Suốt một tuần nay, cứ mỗi buổi trưa anh Thành lại dựng chiếc xe chở ve chai trên vỉa hè rồi xách cục nam châm đi dọc quốc lộ 1A để hút đinh.
"Ai cũng cần kiếm tiền, nhưng kiếm tiền bằng cách rải đinh hại người đi đường thì thất đức quá", anh Nguyễn Văn Thành (42 tuổi), quê Tây Ninh nói.
Đã tám năm nay người đàn ông nhặt ve chai này tự giao cho mình một nhiệm vụ không thù lao là "nhặt cho đến khi nào những kẻ rải đinh ra quốc lộ bị xử lý thì mới giải nghệ". Đã có một dạo, đoạn đường dài 6 km từ cầu vượt Ngã Tư Bình Phước, quận Thủ Đức đến cầu vượt Ngã Tư Ga, quận 12 vắng bóng đinh tặc nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, anh lại thấy nhiều người phải dắt xe trên đường. Anh biết, nhóm đinh tặc đã trở lại.
Kể từ hôm đó, dù đang nhặt ve chai ở đâu, cứ 11h30 là anh đến đoạn đường này, cầm cục nam châm đi hút từng chiếc đinh, từng mảnh kim loại nhọn. Có ngày đinh nhiều, anh phải hút đến tận 13h, quên cả việc ghé vào quán nước hay công viên ngủ trưa.
Anh Thành nhặt đinh trên quốc lộ 1A lúc 12h, ngày 5/3 . Ảnh: Diệp Phan. |
Người đàn ông 42 tuổi kể, tháng 6/2012 khi anh mới từ Tây Ninh lên Đồng Nai làm nghề ve chai kiếm sống. Một lần đang "làm việc" trên quốc lộ 51, đoạn qua huyện Long Thành, anh chứng kiến một chiếc xe máy vừa xuống dốc cầu cán phải đinh, thủng lốp trước giữa đường. Người chị hoảng loạn đánh tay lái ra ngoài, chiếc xe bồn từ phía sau không kịp tránh đâm vào, cướp đi sinh mạng của cả hai chị em.
"Từ giây phút đó, tôi nguyện với lòng mình phải nhặt hết đinh trên đường mới thôi", Nguyễn Văn Thành nhớ lại. Nghĩ là làm, kể từ đó khi đi nhặt ve chai, biết đoạn đường nào xuất hiện đinh tặc, anh đều đến tận nơi để dùng nam châm hút cho bằng sạch.
Nhưng suốt 6 năm anh cần mẫn ở Đồng Nai, đinh vẫn được rải từ chỗ này đến chỗ khác, không thể dứt điểm. "Lúc đầu tui nghĩ mình chỉ cần cố gắng một thời gian sẽ hết, nhưng không ngờ vẫn kéo dài đến hôm nay", anh tâm sự.
Bị anh Thành ngăn trở, những kẻ rải đinh vô cùng tức tối. Thời còn ở Đồng Nai, đã không ít lần anh bị chúng tấn công dằn mặt bằng cách ép xe, xô ngã xuống đường và thậm chí dùng dao đuổi chém. Có lần, đám đinh tặc dùng axit loãng tạt vào mặt khiến anh phải vào bệnh viện để rửa mắt. Cứ sau mỗi lần như vậy, anh lại tạm ngưng hút đinh một thời gian. Nhưng vụ tai nạn của hai nữ sinh cứ ám ảnh, vậy là anh lại tiếp tục cầm cục nam châm ra đường, bất chấp nguy hiểm.
Chỉ một đoạn đường ngắn khoảng 100m, anh thu được gần 200 mảnh đinh hình thoi được cắt đều tăm tắp. Ảnh: Diệp Phan. |
Năm 2018, Nguyễn Văn Thành rời đất Đồng Nai lên Sài Gòn kiếm sống mang theo cả "nghiệp hút đinh". Không áo phản quang, không nón rộng vành, người đàn ông làm nghề ve chai chỉ biết chống nóng bằng cách mặc một bộ đồ rộng thùng thình, cúi mặt nhìn xuống mặt đường nóng hầm hập, cố gắng không để sót mảnh đinh nào. "Để tránh nguy hiểm, tôi thường làm việc này vào giữa trưa bởi lượng xe cộ ít hơn", anh cho biết.
Tết năm 2019, thấy đoạn quốc lộ qua huyện Bình Tân đinh rải nhiều, anh Thành quyết định không về quê mà ở lại Sài Gòn để nhặt đinh đến tận mùng 3 Tết bởi đây là thời điểm người dân về quê nhiều nên bọn chúng rải nhiều đinh hơn ngày thường.
Sau lần "ăn Tết với đinh" đó, anh Nguyễn Văn Thành bị bệnh nặng phải về quê chữa trị. Thấy con lúc ốm đau chẳng có đồng nào trong người, bà Dương Thị Mười (64 tuổi), mẹ của anh tìm mọi cách khuyên con "chú tâm làm ăn" nhưng anh không nghe. "Nó bảo nhặt một cái đinh là cứu một mạng người nên tôi cũng đành tùy nó quyết định", bà Mười kể.
Tháng 6/2019, khi vừa khỏi bệnh, xem ti vi thấy trên đoạn đường Tô Ngọc Vân, quận 12 xuất hiện đinh tặc, anh Thành lại mượn cô em gái 100 nghìn đồng, bắt xe lên Sài Gòn để tiếp tục nhặt đinh.
"Nghề nhặt ve chai của tui đơn giản, chịu khó đi một ngày cũng kiếm đủ tiền cơm", anh cười nói.
Công việc nhặt ve chai mang đến cho anh 80 - 130 nghìn mỗi ngày. Ảnh: Diệp Phan. |
Chị Thọ, chủ vựa ve chai ở quận 12 nơi anh Thành thường bán những gì mình nhặt được nói: "Nhiều lần tôi ngỏ ý muốn Thành đến làm việc cố định với mức lương 7 triệu đồng một nhưng nó từ chối, bảo là làm tự do mới có thời gian hút đinh".
Giải thích cho lời từ chối của mình, anh Thành bảo: "Nhặt được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, làm tự do mới hút đinh được, làm cho người ta gò bó lắm. Ngày nào nhiều tiền thì ăn cơm thịt, ngày nào ít thì ăn cơm chay, 10 nghìn đã có đĩa cơm rồi".
Suốt tám năm đi nhặt đinh trên quốc lộ, niềm vui của anh Thành là khi được những người qua đường gửi cho chai nước mát, hay đơn giản chỉ là những lời cám ơn. "Cũng không ít lần thấy buồn khi bị người ta chửi là "khùng" vì cho rằng tôi cản trở họ lưu thông", anh Thành kể.
Hỏi đến chuyện lập gia đình, anh Thành bảo mình "không dám thương ai", phần vì không có tiền, phần thì sợ nếu có vợ con anh sẽ không còn thời gian để thực hiện tâm nguyện "nhặt hết đinh mới thôi" của mình.
"Nếu một ngày nào đó có phiên tòa xét xử những kẻ rải đinh nhất định tôi sẽ tham gia, đinh tặc được xử lý tôi mới "giải nghệ", còn bây giờ cứ hễ thấy đinh là tôi hút", người đàn ông nói rồi nhấn pê-đan chiếc xe đạp hòa vào dòng xe trên đường bắt đầu tấp nập.
Theo VNE