Hướng đi mới cho ngành than Việt Nam
(PetroTimes) - Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, cần sớm xây dựng mới chiến lược phát triển ngành than gắn với nhiệm vụ đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và nhập khẩu than dài hạn. Đây là một sự thay đổi về chất, định hướng mới cho ngành than.
Đầu tư ra nước ngoài
Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 (QH 403/2016), ưu tiên hàng đầu của ngành than vẫn là khai thác các mỏ than trong nước, sau đó là đầu tư và khai thác than ở nước ngoài.
Các mỏ than lộ thiên tại Việt Nam đang ngày càng cạn kiệt |
Trong thực tế năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đều tập trung khai thác than trong nước và nhập khẩu than khá hạn chế. Lượng than nhập khẩu chủ yếu sử dụng để phối trộn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện có yêu cầu cụ thể về chất lượng than.
Trong 3 năm qua, TKV đã thực hiện đúng định hướng nhập khẩu than, đồng thời đầu tư khai thác than ở nước ngoài. TKV lựa chọn nguồn cung cấp than là thị trường Indonesia và Australia, hướng tới các thị trường Nga, Nam Phi và một số thị trường tiềm năng khác như Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên, Hoa Kỳ, Colombia...
Đặc thù lớn nhất của nhập khẩu than cho sản xuất nhiệt điện là phải bảo đảm được nguồn cung ổn định trong dài hạn với giá cạnh tranh. Để thực hiện được điều đó, ngành than đang triển khai nhiều giải pháp để đa dạng hóa nguồn cung than.
Đặc biệt, để có nguồn than ổn định, doanh nghiệp phải đầu tư mua mỏ ở nước ngoài. Các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã đầu tư mua mỏ ở các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ hàng chục năm nay. Đây là phương thức đầu tư mạo hiểm và có nhiều rủi ro, cần có chiến lược bài bản và Chính phủ phải có hỗ trợ thích đáng từ cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư, hợp tác quốc tế, đường lối ngoại giao năng lượng...
Theo kinh nghiệm nhập khẩu than của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc (nhập khẩu hằng năm 120-180 triệu tấn than) thì tỷ lệ giữa việc nhập khẩu than từ đầu tư (bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp) và nhập khẩu than theo hợp đồng thương mại khoảng 50/50. Vì vậy, để bảo đảm nguồn than cung cấp lâu dài và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện, việc nhập khẩu than cần thiết phải gắn liền với đầu tư khai thác mỏ than ở nước ngoài. Trong quá trình đầu tư cần đa dạng hóa các hình thức như: Đầu tư các mỏ mới hoặc mua lại mỏ để thăm dò, khai thác; mua cổ phần của các công ty đang khai thác và xuất khẩu than để giành quyền mua lượng than tương ứng với tỷ lệ cổ phần đầu tư. Đối với việc mua than theo hợp đồng thương mại, để bảo đảm cạnh tranh và tránh rủi ro, cần đa dạng các hình thức hợp đồng nhập khẩu than như: Hợp đồng dài hạn, hợp đồng theo năm hay hợp đồng theo từng chuyến với tỷ lệ từng loại than phù hợp.
Về tổ chức nhập khẩu than, theo kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc, cần tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có cơ sở hạ tầng bến cảng, kho bãi bảo đảm môi trường, trong đó có các doanh nghiệp tiềm lực lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các chủ đầu tư nhà máy điện, nhà máy xi măng lớn và các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đáp ứng các điều kiện về kinh doanh than.
Cần sự hỗ trợ từ Chính phủ
Để có thể nhập khẩu và đầu tư khai thác than ở nước ngoài thành công, ngành than Việt Nam cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành về chiến lược, cơ chế chính sách và cả tài chính.
Trước hết, cần Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan có chính sách, giải pháp thích hợp đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu các tiềm năng tài nguyên than và cơ hội đầu tư, pháp luật quốc tế về thương mại và đầu tư, văn hóa bản địa, nguồn nhân lực... của các nước có tiềm năng tài nguyên than, trên cơ sở đó khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược cùng các chính sách nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than. Cần kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về nhập khẩu than để chỉ đạo triển khai công tác nhập khẩu than một cách đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt.
Cần có các văn bản hướng dẫn chi tiết về cách xác định các chi phí trong cơ cấu giá than cho sản xuất điện (chi phí quản lý, chi phí hao hụt…) chưa được làm rõ trong Thông tư 13/2017/TT-BCT ngày 3-8-2017 của Bộ Công Thương.
Chính phủ sớm có chỉ đạo về phương án xây dựng cảng trung chuyển than nhập khẩu cũng như có các chính sách hỗ trợ mang tầm chiến lược, ổn định lâu dài để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư dài hạn, quản lý hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới.
Chính phủ và Bộ Công Thương có những chỉ đạo kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu than. Cần có các văn bản thay thế các văn bản song hành chưa thống nhất.
Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có những văn bản hướng dẫn chi tiết về việc tạo cơ hội cho các đội tàu Việt Nam tham gia vận chuyển hàng hóa theo Văn bản số 375/TTg-CN ngày 10-3-2017, bảo đảm cạnh tranh, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích để phát triển đội tàu vận chuyển nội địa, ven biển chuyên dụng phù hợp cho việc vận chuyển, bốc dỡ than.
Về nâng cao năng lực nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài của các doanh nghiệp ngành than Việt Nam, cần có chính sách, giải pháp thích hợp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu than; cho phép các đầu mối nhập khẩu than tham gia đầu tư, xây dựng hoặc ký hợp đồng dài hạn với các đối tác sở hữu cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu than, bảo đảm việc quản lý chuỗi cung ứng tối ưu nhất, tiết kiệm chi phí than nhập khẩu.
Mặt khác, cho phép nghiên cứu xây dựng các trung tâm quản lý than cho mỗi cụm các nhà máy nhiệt điện than (3-5 nhà máy) với mục đích quản lý giao nhận, phối trộn và điều hành chuỗi cung ứng tập trung cho các nhà máy nhiệt điện than trong cụm. Có biện pháp thúc đẩy, liên kết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than hợp tác, hợp lực với các doanh nghiệp sử dụng than trong nước cũng như các đối tác nước ngoài trong việc nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than.
Đối với việc nhập khẩu than cho sản xuất điện, nên giao cho các đầu mối chủ động thu xếp nguồn than ổn định lâu dài bằng các hợp đồng trung và dài hạn (3-5 năm) thông qua việc đàm phán trực tiếp với chủ mỏ (với khối lượng 60-80% tổng nhu cầu than). Quá trình đàm phán trực tiếp lựa chọn các nhà cung cấp dài hạn phải bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch, dựa trên các chỉ số giá toàn cầu, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của luật pháp Việt Nam.
Theo dự báo, sản lượng than thương phẩm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 dự kiến: Năm 2020 khoảng 47-50 triệu tấn; năm 2025: 51-54 triệu tấn; năm 2030: 55-57. Để đạt được sản lượng than thương phẩm đó, toàn ngành than có tổng nhu cầu vốn đầu tư là 269.006 tỉ đồng, bình quân 17.934 tỉ đồng/năm.
Với tình hình giá thành sản xuất than ngày càng tăng cao và năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn hẹp, trong thời gian tới, ngành than không những phải đối mặt với nguy cơ bị lỗ mà việc huy động vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sẽ vô cùng khó khăn. Bởi vậy, cần sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành than Việt Nam.
Sản lượng than thương phẩm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 dự kiến: Năm 2020 khoảng 47-50 triệu tấn; năm 2025: 51-54 triệu tấn; năm 2030: 55-57. Để đạt được sản lượng than thương phẩm đó, toàn ngành than có tổng nhu cầu vốn đầu tư là 269.006 tỉ đồng, bình quân 17.934 tỉ đồng/năm. |
Thành Công